Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Quê "anh hùng"



Một cổng làng xưa ở vùng quê bắc Việt
(Hoinhammit) - Hình như trong tiềm thức của hoinhammit nhà mình chưa bao giờ có hình ảnh của cái cổng làng thì phải. Ngày trước ở xã của cu giai lớp trưởng, ngay đường vào có bốn cái cột to đùng, hai cái ở giữa cao còn hai cái hai bên thì thấp. Cũng chả biết nó được xây dựng từ bao giờ nhưng khi lớn lên đã thấy nó sứt  sẹo nham nhở lòi cả ruột là những cục đá ong và vữa xây bằng vôi. Thi thoảng đọc được ở đâu đó thấy người ta thường nói đến cổng làng, cây đa, giếng nước ... như là những gì thân thương yêu quý nhất của quê nhà những lúc đó lại nhớ đến cái cổng nham nhở năm tháng trên đường vào xã mình. Cái cổng với những cái cột sừng sững bao lâu nay vẫn nguyên đấy, thậm chí nó chưa bao giờ được tu sửa chỉnh trang hay thay đổi gì  nhiều dù quê mình đã có quá nhiều sự đổi thay.

Ra bắc,  như thấu hiểu hơn những giá trị văn hóa qua từng cái cổng làng, cổng khu phố. Ở đó có vết tích của thời gian và cả một bề dày những giá trị văn hóa mà không phải dễ dàng phai nhạt dù đô thị có phát triển và thay đổi tới đâu. Càng đi về khu vực nông thôn những điều đó càng thể hiện rõ hơn đến nỗi nó như là một biểu tượng của làng quê bắc việt. Người đi xa về quê chỉ mong sao tới được cái cổng đầu làng thì dù chưa bước đến nhà cũng đã cảm thấy lòng ấm áp như đã về đến nhà rồi vậy.

Cổng vào ấp dơn giản ở miền nam
Vào nam, vẫn là những cái cổng vào khu phố, vào ấp vào bưng nhưng những cái cổng ở đây lại đơn giản hơn nhiều như đặc tính của người dân nam bộ. Cổng chỉ là vài cây thép hàn vào nhau đơn giản và gần như chỉ được sơn một màu duy nhất, màu xanh. Từ dạo có cái chương trình văn hóa văn hoa chi đó thì những cái cổng này được trưng lên tấm bảng ghi tên địa danh đi kèm khẩu hiệu "Ấp/ Khu phố Văn hóa" còn nếu những nơi chưa được văn hóa thì phải ghi thêm chữ "quyết tâm xây dựng" ở đằng trước. Hay gặp nhất là kiểu "toàn thể nhân dân khu phố... quyết tâm xây dựng...thành khu phố văn hóa". Không biết mấy người đọc được cái khẩu hiệu đó và thể hiện "quyết tâm" ra sao nhưng có nhiều biển gần cả chục năm nay vẫn chưa thể hạ cái chữ  "quyết tâm" xuống được. Thật chẳng văn hóa tí nào.

Về quê, rong ruổi hành trình từ nam ra bắc, đi qua không biết bao nhiêu là làng mạc vùng quê và đôi lúc chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà. Những lúc đó chợt nhận ra rằng thèm ở quê mình có một cái cổng làng để khi đến đấy chợt òa lên vui sướng rằng mình đã về đến quê và kêu lên con về đây rồi mẹ ơi,  cha ơi...

Nhớ có lần có cái xã ở quê chuẩn bị xây một cái cổng chào để đón danh hiệu huân chương anh hùng  lực lượng vũ trang. Đến tết năm đó đã thấy một cái cổng to vật được ốp gạch đỏ loại chuyên dùng cho ốp nhà vệ sinh nhìn rất uy nghi và trên đó có đoạn đắp nổi "đơn vị anh hùng". Cái cổng nằm chơ vơ một mình bên đường quốc lộ giữa cánh đồng bàng bạc nước sau vụ đông. Nó đứng đó sừng sững đến câm lặng làm người đi qua có cảm giác ớn lạnh sống lưng như thể là cái cảm giác cần thiết để chuẩn bị bước vào với cái xã có nhân dân anh hùng.

Còn bây chừ thì khỏi nói , dọc đường quê mình đầy các loại cổng kiểu ấy. Không những vậy người ta còn làm cổng cho thôn, cổng xóm ... nên ai đó trong hoinhammit lâu ngày chưa về quê cũng đừng thấy lạ khi có đoạn đường gần cây số mà gặp ba bốn cái cổng chào của thôn này xóm kia đến rối cả mắt. Lạ hơn ở quê mình dọc theo đường quốc lộ đầy các loại cổng chào.  Cổng nào cổng nấy to vật vã được xây theo lối tam quan nửa kim nửa cổ kính nhìn chả biết theo trường phái nào. Trên biển dĩ nhiên là tên xã và có khi thì là "anh hùng lực lượng vũ trang". Tự dưng nghĩ ở quê mình sao đi đâu cũng thấy anh hùng, cứ đến đầu xã đầu thôn là gặp anh hùng nhưng bù lại quê mình lại là vùng nghèo gần như nhất nước. Buồn không ...


Cổng vào xã Kỳ Thọ ở quê mềnh nhìn nó cứ sao sao  ý ...

Tham khảo thêm mấy cái này để coi sao nha:
Ước một lần được tới nơi đây để tầm sư học đạo. Cái "văn hóa" này thật hay đó  nha...
Giá mà quen được một iêm ở đây thì hay biết mấy nhể...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét