Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Sứ mạng lợn đực

Phạm Ngọc Tiến

Không nghĩ rằng có một thời gian cái thằng tôi và nguyên mẫu của mình lại sống nhờ vào những phát nhảy duy trì nòi giống của một con lợn đực.

Minh họa: Họa sỹ Đỗ Đức
 “Con vật dài quãng mét tư, mét rưỡi, và chiều cao có dễ đến gần mét. Cân nặng của nó xấp xỉ tạ mốt, tạ hai. Ước đoán thế thôi chứ nó chưa được vinh hạnh bước lên bàn cân bao giờ. Thế là may, đối với giống lợn, cái cân là bản án tử hình tuyệt đối. Đồ sộ thật. Nó đi trên đường, bốn chân sải đều đặn, không nhanh, không chậm, đầu cúi gằm gặm. Trước đây nó cũng ngang ngửa, nhìn hết xa, gần, trên, dưới. Bây giờ bọn trẻ con hàng lũ hàng đàn chạy theo chỉ trỏ, trêu chọc, thậm chí ném đá, túm đuôi tạo cho nó phản xạ chấp nhận tư thế yếu hèn như vậy. Nó đi. Mọi chuyển động của cơ bắp đều ẩn lặng kín đáo dưới làn da hồng bợt phủ một lớp khô cứng. Không có một thớ thịt thừa nào được phô phang trên cái thân thể tròn lẳn, rắn chắc. Bụng dưới của nó thắt vào, cặp mông ụn ra đầy đặn nhưng không núc ních, xồ xệ như mấy ả, mấy anh lợn thịt. Cái đuôi dài như một túm cỏ bờ lau phơ phất luôn phe phẩy và thỉnh thoảng hứng chí hay tức giận, nó quật đen đét vào hai bên thành mông. Nó là con lợn đựng nhận sứ mạng vinh quang đi lai tạo giống nòi…”.
Nó đấy con lợn đực đã nuôi sống tôi ít ngày cùng với chủ nhân của nó có một bộ dạng như vậy và xuất hiện như một hình ảnh phản cảm giữa đường phố Thủ Đô Hà Nội dù đó là những năm sau chiến tranh 1975 đầy cam go và khốn khó. Thời đó nghèo lắm, việc làm ra tiền lại không phải dễ nên công cuộc mưu sinh xem ra vô cùng khó khăn. Bản tính ham chơi nên dù làm bất cứ việc gì tôi cũng tấp ta tấp tểnh. Một hôm, đang ngồi uống nước chè chén ( 5 xu một cốc) ở vỉa hè phố Hàng Bột tôi chợt thấy một anh mặc quần áo lính bạc phếch dầu dãi dắt con lợn đực vắt vẻo hai bìu dái phía sau khá ấn tượng buộc vào gốc cây bàng rồi anh vào hàng cũng gọi cốc chè chén. Không có gì xảy ra với tôi nếu như lúc đó không có một anh cảnh sát khu vực mặc quần áo vàng như cảnh sát giao thông bây giờ đeo xà cột dắt xe đạp đến chỗ con lợn. Người này hằm hằm nhìn con lợn và hất hàm về phía chúng tôi. Con lợn của ai? Tôi nhìn sang anh lính (mặc như thế đích thị là lính giải ngũ). Khuôn mặt thản nhiên không một chút biểu cảm. Hỏi vài lần không có ai trả lời thì anh cảnh sát bực mình định cúi xuống cởi dây buộc con lợn. Lúc đó anh lính mới thũng thẵng bước ra không nói không rằng chặn tay người cảnh sát lại. Lợn của anh? Gật. Vậy anh nộp phạt. Phạt gì? Phạt vi cảnh vi phạm trật tự mất mỹ quan thành phố. Người cảnh sát mở xà cột lấy ra tập biên lai. Anh lính lắc đầu chỉ tay vào con lợn. Không có tiền, phạt nó. Người cảnh sát bực mình. Nhưng anh nuôi nó, anh là chủ. Lắc đầu. Không có ai là chủ, còn nuôi à, nó nuôi tôi. Người cảnh sát nhìn thẳng vào mắt người lính. Có lẽ nhận ra mắt người lính vô hồn vô cảm ( sau này tôi đã tả là cặp mắt trong suốt, lạnh lẽo không có hồn, hệt như cái ao sâu mùa đông nhìn thấy những chiếc lá mục rữa nằm phăng phắc dưới đáy)  nên người này thất vọng bỏ cuộc không hoàn thành công vụ. Tôi chứng kiến đoạn đối thoại cực đắt khoái quá thiếu nước nhảy cẫng lên. Nói thêm lúc đó cái thằng tôi vốn liếng văn chương chỉ khoanh vào việc đọc là chính và có mấy bài thơ cấp phường chủ yếu dùng để tán gái. Em nào hâm hâm đơ đơ mê thơ sáp vào gần tôi là dính. Dạo đó tôi cua được khối em kha khá. Nghèo quá nên chỉ sau khi qua cơn mê sảng thơ ca là các em lặn không để lại tăm. Nói dại dạo đó tôi có chút ít dấn vốn có khi hoàn cảnh bây giờ đã khác, chưa chừng là ông chủ gỗ, cà phê, hay hãng hàng không như chơi, đỡ phải làm anh văn sĩ còm như bây giờ. Khác với thái độ lạnh lùng bất mãn ban nãy, anh lai lợn giống khi biết tôi cũng là lính giải ngũ đã chuyện trò xình xịch. Quật kanh kách đến 6 đồng năm xu trả cho 6 chén nước hai anh em tôi đã trở nên thân thiết ngay tắp lự. Ngay sau đó anh dẫn tôi và con lợn về nhà ở trong một ngõ nhỏ phía sau nhà máy cơ khí Hà Nội qua Ngã Tư Sở một đoạn. Tôi quên mất tên ngõ. Nhà của anh hẳn hoi. Tên anh là Hoán người Hà Nam, bỏ quê ra đây mua nhà làm nghề lai giống lợn vì…thất tình.
Cái giống lính tráng có cái hay là rất dễ bập vào nhau có khi chỉ bằng một ánh nhìn, một câu nói. Tối đó hai anh em có một bữa nhậu lịch sử. Anh mua đãi tôi đến nửa cân tai lợn, đuôi lợn và mấy lạng nem chạo. Mồi cỡ đó là tuyệt đỉnh rồi. Con lợn cần câu cơm nằm ngay trên nền nhà lim dim mắt như chó nuôi sau khi ăn xong khẩu phần của nó. Thi thoảng anh lại vứt cho nó miếng khấu đuôi hay mỏm tai lợn kèm theo một câu nói như với con người. Đại loại ăn đi. Này. Cậu khành vừa thôi. Đồ…. Con lợn nhận sự ban ơn chẳng khác gì chủ cũng lạnh lùng, uể oải có phần lười nhác không buồn động mình, tận hưởng. Thái độ của nó chứng tỏ sự thấu hiểu ông bạn người một cách cực kỳ thông minh. Đến lít rượu cuốc lủi nồng mùi thuốc sâu ( kinh hoàng với thứ rượu ngày đó. Có không ít người đã tử trận vì đánh đu với ông thần tửu này) được hai anh em quật trơ đáy. Và anh Hoán kể về cuộc đời của mình. Tóm lại là anh bị vợ phản bội nên thất chí. Sau này tôi đã viết gần như nguyên bản trong truyện ngắn “Chạy trốn”.
Đêm đó tôi ngủ lại ở nhà anh cùng con lợn đực. Nghề của anh là chăn dắt con lợn lai này. Trong tay anh có một bản danh sách lợn cái đến kỳ động  hớn ( phát dục động đực) là anh dắt đến cho nó phối giống. Giai đoạn đó nhà nhà nuôi lợn nên với những hộ có điều kiện nuôi lợn nái thì việc có con lợn đực tốt giống, miếng ăn của anh Hoán không đễn nỗi khó kiếm. Anh kiêm thêm nghề hoạn lợn, hoạn chó, hoạn mèo…Tôi cứ vân vi mãi về hai thứ nghề trái ngược nhau trong cùng một con người anh. Vân vi thế thôi chứ ngay sáng hôm sau khi anh rủ tôi đi thực mục sở thị tôi đã không ngần ngại nhất trí cái roẹt. Vì cú đi ngẫu hứng này tôi mất chân quay dép nhựa khá bẫm ở một lò ép nhựa tư nhân và một cô người yêu tôi mới cua được vài tháng thấy tôi dắt lợn đi ngoài phố đã coi đó là một hình ảnh xúc phạm thơ ca. Chả tiếc.
Theo anh Hoán chỉ ít ngày nhưng tôi đã kịp học được nghề thiến. Bây giờ thi thoảng nhớ nghề tôi vẫn thiến mèo nếu có nhà quen nào đó ca cẩm vì con mèo đực phát rồ đi hoang. Chỉ mèo thôi còn những loài khác thì tôi cạch vì xác suất không được an toàn lắm. Khối con chết oan thác vì tôi rồi.
Tôi khoái quá khi được đi hành nghề cùng anh Hoán. Ngay ngày đầu tiên chăn dắt lợn đã được chứng kiến cú nhảy ngoạn mục của nó với con lợn cái lai giống F1 to vật vã. Mỗi nghề có một mánh mung riêng. Con lợn đực giống theo quy trình thì tuần chỉ được làm 2 đến 3 ca nhưng anh Hoán có cách chăm sóc đặc biệt để nó có thể nhảy thường nhật. Nhảy cách nhật có mà cả hai chết nhăn răng. Mỗi ngày cũng chỉ làm được một cua. Thường thì phối giống tốt nhất là làm phát buổi sáng, sau đó cuối chiều cho lượn lại làm thêm cú lượt về cho chắc cú. Tiền chỉ được nhận khi con lợn cái đã được xác nhận là có bầu. Toàn mối quen biết nên việc thanh toán này rất chi là sòng phẳng. Con lợn đực của anh Hoán đúng là thành tinh. Nó ít khi để lọt con mồi cho mình và cho chủ. Nghĩa là bách phát bách trúng và chưa để con lợn cái nào cưỡng lại không chịu. Lợn cái nếu chưa chín cữ động dục nhìn là biết, hoa cái (bướm lợn) mẩy chín tươi chưa ngả màu thầm thẫm và như héo quắt lại là rất dễ không chịu phối. Nó chống lại thậm chí nổi khùng xơi lại cả con đực lẫn người đứng gần. Trước mỗi khi hành sự con lợn đực được bồi dưỡng hai quả trứng gà sống để tăng tinh cả về lượng và chất. Nhiều quý ông cũng bắt chước hay ăn lòng đỏ trứng gà chần trước khi vào việc chắc là học mót ở giống lợn nhảy này. Lúc đó đói nhìn nó ăn trứng mà tôi rểu nước miếng vì thèm. Tối, anh Hoán còn nghiền cả thuốc bổ như B1, B6 thậm chí có hôm là vi ta min E sang trọng. Đến giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao. Anh Hoán cũng không dùng cám bã cách rách mà cho nó ăn tinh, rất ít nhưng chất. Có khi đậu xanh cả nồi. Con lợn sống mà không cần chuồng trại, nó nhất nhất hiểu và nghe theo mọi hiệu lệnh của anh. Sợi dây thừng buộc chỉ là quy ước tín hiệu giữa người và vật mà thôi. Phải công nhận giống lợn tinh khôn. Hay nó tinh khôn là nhờ ở gần người. Con kễnh đực này không chỉ khôn mà còn láu cá nhất hạng. Có bận anh Hoán cảm mệt không đi được, tiếc mối quen đến cữ anh bảo tôi đi một mình. Ông kễnh cũng đi nhưng nó hành tôi một chuyến ra bã. Đến khi lâm trận thì nó đình công. Hóa ra vì đi thay nên tôi không chuẩn bị món trứng, đến nơi tặc lưỡi cho qua vì ngại tưởng giống lợn ăn hay không biết quái gì. Nhưng tôi nhầm. Đến khi gia chủ phải biện bát lòng đỏ cho nó sực xong thì cu cậu mới chịu thăng đường.
Cuộc song hành của tôi và anh Hoán cùng con lợn đực kéo dài không được lâu, không phải vì tôi chán nghề mà là một sự cố ngoài ý muốn của tất cả. Nói thêm đi thiến con vật gì chiến lợi phẩm được quy định bất thành văn thuộc về người thiến. Bẫm có hôm tôi và anh Hoán vớ được đến chục bộ hòn dái các chủng loại đủ tươm tất cho một chai sáu nhăm nút lá chuối. Mà anh cũng chỉ thiến giống đực. Hôm đó anh Hoán nhận được mối mới ở Thanh Xuân. Tại đó có một trại lợn. Lão chủ lợn này đi theo mê con lợn đực tốt giống đẹp mã bèn chèo kéo anh Hoán mang con lợn đến trại cư trú định kỳ để nhảy cho đàn nái đến chục con của lão kiêm thêm nghề thiến cho đàn lợn thịt. Bị kịch đã xảy ra khi một con lợn cái chẳng hiểu sao nổi điên ngoạm trúng cổ con lợn đực khi chúng vờn nhau và con này trong cơn đau cũng kịp ngoạm một phát vào tay lão chủ lợn. Đau lắm. Dạo chiến tranh tôi cũng bị lợn cắn một lần vào chân nhiễm trùng nặng sốt đùng đùng thiếu nước lên cơn co giật, phải tiêm mới khỏi nên thừa kinh nghiệm. Thì cái giống lợn này có đánh răng bao giờ mà chả tàng trữ vi trùng gây họa. Lại nói tay chủ lợn. Tay này la ầm ầm như bị cắt tiết khiến người vợ hắn chạy ra. Anh Hoán chết đứng như Từ Hải. Đó chính là vợ cũ của anh bỏ chồng đi theo giai. Lợn đực gặp lợn cái. Cái số chị kia đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Sau cú ấy anh Hoán chia tay tôi, bán nhà bỏ đi biệt tích. Lão chủ lợn vừa được vợ người vừa lãi con lợn đực bị anh Hoán bỏ lại trong cơn phẫn uất. Tôi mất đứt một nghề có thể không cần đầu tư nhiều mà vẫn thành công rực rỡ. Tôi tiếc anh Hoán và con lợn nên chung chiêng mất một dạo. Số phận của anh ám vào tôi mãi không dứt được. Và tôi sau đó đã viết truyện ngắn “Chạy trốn” về đôi bạn này. Truyện ngắn đoạt giải nhì cuộc thi của tạp chí Văn Nghệ Quân đội năm 1989- 1990. Truyện ngắn này chính thức đẩy tôi đến quyết định chọn nghề văn làm nghiệp sống của mình.
Bạn có thể không tin những chuyện tôi vừa kể. Thề có con lợn đực vinh quang kia, tôi không hề chích chòe. Để chứng cho lời thề chích chòe bạn hãy mang một con mèo đực đến và tôi sẽ hầu bạn món thiến miễn phí. Bật mí nghề nghiệp đây này kẻo lại bảo là phét lác. Cho con mèo chui vào dưới gầm ghế thấp để đầu quay vào tường. Mèo có khỏe mấy cũng chỉ đâm đầu vào tường, khỏi giữ. Sau đó rửa bằng dầu hỏa sát trùng (có đếch cồn đâu mà chả dùng dầu) rồi rạch chỗ bìu móc lấy dái xong, lại sát sát trùng và khâu bằng kim chỉ thường. Xong. Đảm bảo con mèo không chết. Không có loài nào lại chết vì mất dái cả. Khekhe….
 Hà Nội 11/7/2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét