Công bố mới đây của một trung tâm xã hội học cho kết quả sững
sờ: “Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%, cấp II là 50%, cấp III là
64% và sinh viên là 80%”.
Nếu đúng như thế thì chỉ còn biết kêu trời. Bởi ở tuổi ngọc,
mới rời nôi “nhân chi sơ” chưa được mấy năm mà các em đánh mất “tính bản thiện”,
nghĩa là đã biết nói dối! Và tỉ lệ này tăng phi mã, càng học lên cao càng thạo
nói dối.
Thật ra, thống kê xã hội học trên đây chỉ là dịp để chúng ta
có một khái niệm cụ thể hơn về một thực trạng có thật về đạo đức, chất lượng sống
của cây cối trong vườn ươm chủ nhân ông đất nước tương lai.
Lớp người kế cận luôn là sản phẩm trực tiếp của gia đình, trường
học, và tất nhiên là của môi trường xã hội mà con em được sinh ra, nuôi dạy và
trưởng thành. Dù câu trả lời đã có sẵn nhưng trong nỗi ngạc nhiên đến xót xa mỗi
người vẫn muốn tự vấn: cái thói trẻ con nói dối này từ đâu ra vậy?
Các bậc cha mẹ, từ người ít học đến học vấn cao siêu, từ dân
thường đến người có chức phận xã hội, dù thuộc tôn giáo, tín ngưỡng nào, không
ai dạy trẻ con hoặc người lớn nói dối. Nhà trường lại càng không. Các đoàn thể
thì luôn “nâng cao phẩm chất thành viên”, tổ chức học tập, trau dồi đợt này qua
đợt khác, năm này qua năm khác.
Nói dối luôn bị lên án trên nguyên tắc, văn bản, giấy tờ,
giáo lý và đương nhiên cả trong sách giáo khoa các cấp. Dối trá chạm vạch nguy
hiểm còn bị pháp luật trừng phạt.
Chúng ta không dạy con nói dối, dạy con sống lương thiện bằng
sức lao động của mình, đối xử tử tế với đồng loại, thương yêu người nghèo khổ.
Bằng khen, huân chương ta khuân về treo chật tường. Nhưng con cái biết ta xài bằng
giả vì chúng chưa bao giờ thấy ta đi học.
Ta nói với con ta là người lương thiện với lương tháng mươi
triệu đồng. Vậy mà ta có ba bốn ngôi nhà, sắm ôtô siêu hạng, mỗi năm bỏ hàng
trăm triệu chơi gôn và khi nổi nóng có thể đánh ngất một người giúp việc trên
sân “để trêu đùa”.
Nhà trường không dạy học sinh nói dối nhưng dùng mọi cách để
có tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất đến mức chính học sinh của trường cũng biết là
chuyện khôi hài. Đài báo luôn đề cao lòng trung thực, nhưng chỉ các bà nội trợ
mới biết đích xác cái thứ giá cả đang được coi là hạ giá đang lên phi mã như thế
nào ngoài chợ.
Chúng ta vẫn có thói quen rón rén đi trên tấm thảm được trải
sẵn dưới chân, tai luôn được nghe lời ca bất tận về một ảo tưởng sẽ không bao giờ
thành sự thật, nhưng vẫn không ai muốn hoặc dám chỉ ra những vết bẩn của tấm thảm
và bài ca dối trá.
Con cái và ngay cả chúng ta vẫn được nghe những lời hứa hẹn
chung chung, hoa mỹ nhưng ngay người nói ra cũng biết chắc là sẽ không được thực
hiện. Hệ lụy là cuộc sống thiếu minh bạch, thật và giả lẫn lộn không biết đâu
mà lần.
Trẻ con được lớn lên trong cái ma hồn trận hư hư thực thực,
đến lượt chúng nó học được cách nói dối cha mẹ để yên thân hoặc tự do quậy phá từ
hành vi của chính chúng ta!
Điều tệ hại nhất của thói dối trá xảy ra khi nó bị đẩy đi xa
tới mức phá vỡ niềm tin, gây ra nỗi hoài nghi thường trực. Muốn sống phải biết
nghi ngờ, triết lý có tính hủy diệt ấy là con đẻ của thói dối trá. Rõ ràng là
không thể chấp nhận nói dối đã và đang trở thành một kỹ năng sống trong học
sinh sinh viên cũng như trong xã hội.
Thay đổi tình trạng đáng lo ngại này không thể trong một đêm.
Không ai có thể giết chết sự thật. Nhưng để có sự thật không phải dễ.
Văn hào Shakespeare có đặt vào mồm một nhân vật tiêu cực của
ông câu nói đầy ảo tưởng mật thám hạ đẳng: “Hãy dùng cái mồi giả dối để câu lấy
con cá chân lý”.
Người nói câu đó là một gian thần của thời Hamlet khi sự thật
bị âm mưu và mông muội bủa vây. Ngày nay, với công nghệ thông tin, công cụ tuyệt
vời của sự minh bạch và nền dân chủ, cái mồi giả dối chỉ có thể câu được những
con cá giả và những ai tưởng có thể sống và hưởng lợi từ thói giả dối sẽ có
ngày nếm luật nhân quả mà không phải đợi kiếp sau.
Trước đây khá lâu, cảnh báo thói nói dối bị coi là cấm kỵ vì
“trên nguyên tắc” xã hội chúng ta không thể có chuyện nói dối. Nhưng bàn tay không
che nổi mặt trời, dù muốn hay không sự thật phũ phàng đang được công nhận một
cách chính thức trên các diễn đàn quan trọng nhất.
Đó là một tiến bộ về mặt đạo đức và đáng mừng bởi vì, dù chưa
triệt tiêu được thói nói dối nhưng thấy được nguy cơ nó đang tiếp tục làm băng hoại
mọi thứ cũng là điều tích cực.
Nguyễn Quang Thân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét