BBT Hoinhammit: Từ ngày TQ mang cái giàn khoan khủng cắm phát vào Biển Đông, bà con rạo rực ... chém gió từa lưa. Trên các diễn đàn, trong nhà ngoài phố ai ai cũng phần phật chiện sẽ có kịch bản đối phó thế nào với cái bọn hung ha hung hăng kia. Uýnh nhau một trận cho tòe loe toét loét rồi mún ra sao thì ra hay là khôn khéo nuồn nách, na nàng để mọi người thấy mà ra tay cứu giúp, vv và vv. Nhưng có lẽ điều mọi người quan tâm nhất và vẫn chưa có một lời giải nào thỏa đáng cũng như lường trước hậu quả sẽ thế nào khi TQ tiến hành chiến tranh kinh tế với VN. Bài viết trên BBC sẽ nêu rõ hơn một chút chứ không hoàn toàn tổng quát được kịch bản sẽ xẩy ra, mọi người cùng đọc và tham khảo nhé.
Theo BBC
Việt Nam cần chuẩn bị các phương án, kể cả 'kịch bản xấu nhất'
để đối phó trong trường hợp quan hệ thương mại và đầu tư Trung - Việt bị cắt
đứt do hậu quả của cuộc xung đột từ vụ giàn khoan HD-981 nói riêng và xung đột
biển đảo nói chung, theo một nhà phân tích về chính sách công từ Hà Nội.
Trao đổi với BBC hôm 22/5/2014, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam) nêu hai kịch bản có thể đang được Việt Nam cân nhắc.
"Kịch bản thứ nhất đưa ra là có thể phải huy động hết mức mọi nội lực có thể được, bao gồm cả những dự trữ ngoại tệ, bao gồm nội lực những doanh nghiệp, tất cả cộng đồng xã hội có thể làm được để giảm bớt những thiệt hại khi tình hình kinh tế xảy ra xấu hơn," ông Thọ nói.
"Và người ta đương nói phải làm sao đấy cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất rồi nền kinh tế trong đó có nông nghiệp, thủy sản, đánh bắt cá v.v... được đẩy mạnh, tăng cường lên, có nghĩa là làm sao cho hoạt động tích cực lên để đối phó với những khó khăn này,
Theo ông Thọ với kịch bản này, Chính phủ Việt Nam sẽ phải 'nỗ lực hết sức' để tạo điều kiện tăng nội lực cho các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam.
"Kịch bản thứ hai có lẽ là phải tìm những mối quan hệ kinh tế khác, tất nhiên là đôi bên cùng có lợi, nhưng nếu trong tình hình hiện nay về phía Trung Quốc gây một sức ép lớn, thì phải tìm đối tác kinh tế khác," ông Thọ nói thêm.
"Cụ thể là phải thúc đẩy nhanh những hiệp định đã ký với các nước, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, là hai đối tác đầu tư có thể có những cam kết lâu dài hơn, ổn định và cũng tin cậy hơn trong thời gian vừa rồi,
"Hơn nữa việc thúc đẩy Hiệp định TPP - Hiệp định (Hợp tác Đối tác) Xuyên Thái Bình Dương cũng phải hết sức khẩn trương, Việt Nam hiện nay đang làm hết sức tích cực."
Nhà phân tích cho rằng hiệp định này sẽ có thể là một nội dung được bàn bạc trong một cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng của Việt Nam và - Hoa Kỳ tới đây tại Mỹ.
Ông Thọ nói: "Có thể Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ sang Mỹ với lời mời của ông John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ, bàn rất nhiều vất đề, trong đó có cả vấn đề về Hiệp định này nữa, để làm sao cởi mở hơn."
"Tất nhiên là phải tìm những con đường khác nữa, ngoài ra, một số hoạt động ngoại giao khác, vị dụ như là xích lại gần hơn đối với kinh tế của Asean, đặc biệt của Indonesia, Philippines, cũng như một số nước khác..., Không ngoại trừ xích sang gần hơn đối với EU (Liên minh châu Âu) nơi có thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng khá lớn."
'Nối lại đối tác cũ'
Theo nhà phân tích đây là những hướng mà Việt Nam phải cần 'tích cực' thực hiện bằng cả con đường ngoại giao và con đường ký kết những hiệp định để tăng cường nội lực nhằm 'giảm bớt những khó khăn', đồng thời Việt Nam cũng phải tính tới việc nối lại quan hệ với một số đối tác quan trọng ở Đông Âu và Liên Xô cũ một thời.
"Đối với một số nước cũng đang rất khó khăn như là Nga hoặc một số nước, các nước Đông Âu cũ, cũng có thể đặt lại, nối lại một số vấn đề kinh tế, nhưng mà họ cũng đang rất khó khăn cho nên có vẻ không có nhiều lựa chọn lắm...,
"Có nghĩa là (quan hệ với ) những nước Đông Âu hoặc các nước cộng hòa Nga cũ có thể được nối lại, có nghĩa là những gì đã mất, quan hệ trước đã mất, thì bây giờ phải tiếp tục nối lại dù nó có thể ít thôi,
"Nhưng có thì vẫn là hơn vì trong đường lối ngoại giao ngoài việc tuyên truyền ủng hộ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, không ngoại trừ mục đích kinh tế và mục đích kinh tế bây giờ cũng được đặt ra là rất quan trọng."
Nhà phân tích nhấn mạnh việc Việt Nam xử lý bài toàn được cho là "lệ thuộc" rất lớn vào kinh tế của Trung Quốc trong nhiều năm nay, ông nêu lên bốn điểm đang được cân nhắc.
"Kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc có sự ràng buộc rất lớn, và thậm chí nói rằng kinh tế của Việt Nam lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc, thông qua mấy khía cạnh, thứ nhất là xuất nhập khẩu, cán cân thâm hụt thương mại luôn luôn nghiêng về phía Việt Nam, tức là gần 20 tỷ đô-la mỗi một năm," ông Thọ nói.
"Hơn nữa, một loạt những công trình rất quan trọng về năng lượng, về cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam rất lớn, và thứ ba, không ngoại trừ, người ta nói đến thương mại tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng nghiêng lợi thế về phía Trung Quốc,
"Và thứ tư người ta hiện nay đang nói đến là kinh tế ngầm, đó là một số hoạt động buôn bán có tính chất làm tổn hại đến nền kinh tế, thông qua việc mua nông sản hoặc hải sản dẫn đến làm cho thiệt hại về nông nghiệp hoặc về hải sản cũng như một số nguồn lợi về tài nguyên khác."
'Ba biện pháp trước mắt'
Theo ông Thọ, Việt Nam đang cân nhắc một số biện pháp đối phó trước mắt, ông nêu ba điểm trong đó:
"Thứ nhất, người ta phải lường trước vấn đề nhập siêu, đặc biệt là các nguyên phụ liệu về dệt may, da giày, và một số máy móc thiết bị, thì khả năng phải chuyển sang tìm kiếm các thị trường khác, các đối tác khác để thay thế,
"Thứ hai có thể phải lường trước một số công trình mà Trung Quốc có thể ngừng cung cấp thiết bị hoặc các chuyên gia, hoặc các tư vấn gì khác, thì phương án này cũng đang được bàn đến, tất nhiên nó cũng có thể gây nên những chi phí, những quan ngại hoặc những khủng hoảng...,
"Thứ ba nữa là tác động tâm lý hoặc có thể có những tác động thực tế là nó sẽ rối loạn về tỷ giá, ngoại tệ, cũng như về vàng..., hiện nay Việt Nam cũng đang có những chính sách đó, chính sách ổn định đồng tiền cũng như ổn định về thị trường vàng,
"Bởi vì không chỉ làm việc với các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam mà còn đang có những phương án dự trữ, nếu như cần thiết có thể can thiệp, thí dụ như đấu giá vàng, hoặc can thiệp bằng dự trữ ngọai tệ Việt Nam."
Bên cạnh ngắn hạn, theo nhà phân tích, Việt Nam đang cân nhắc một điều chỉnh chính sách dài hạn, ông nói:
"Phải đặt lại vấn đề làm sao cho kinh tế Việt Nam giảm dần lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc, bởi vì nếu cứ lệ thuộc như thế này, sẽ rất nguy hiểm cho kinh tế Việt Nam về lâu dài,
"Đó là bối cảnh chung của các nhà hoạt động chính sách cũng như ở Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến làm sao chính sách của Việt Nam có tính chất độc lập, tất nhiên khi quan hệ hợp tác kinh tế, thì đôi bên cùng có lợi,
"Nhưng thời gian vừa rồi (người ta) cho rằng là kinh tế của Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc, cho nên cần có những bước đi ngay lập tức, để đối phó với tình hình, cũng như về lâu dài phải có những chính sách chủ động hơn mà đôi bên cùng có lợi, theo hướng bớt dần sự phụ thuộc này."
'Bình tĩnh xem xét lại'
Hôm 20/5, một nhà quan sát kinh tế Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đưa ra bình luận với BBC cho rằng nếu Trung Quốc đình chỉ quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với Việt Nam, Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn.
Bà nói: "Việt Nam hiện có rất nhiều dự án do Trung Quốc làm thầu. Nếu Trung Quốc có những động thái gây khó cho Việt Nam bằng cách khiến các dự án đó không tiến hành được như bình thường thì điều đó sẽ làm cho Việt Nam khó khăn trong việc thực hiện các chương trình phát triển của mình. Các dự án đó cũng sẽ gây tốn kém vì bị trì trệ."
Bình luận về khả năng Trung Quốc có thể 'trả đũa' và dùng ảnh hưởng kêu gọi các nước khác trên thế giới rút đầu tư trực tiếp (FDI) ra khỏi Việt Nam, bà Phạm Chi Lan nói:
"Trong thế giới hiện nay thì khó có chuyện Trung Quốc kêu gọi các nước rút các dự án đầu tư ra khỏi Việt Nam cũng như ngăn cản việc buôn bán, làm ăn với Việt nam. Mặc dù Trung Quốc là một thị trường rất lớn, rất mạnh và hầu như các thị trường đều quan tâm, muốn làm ăn với Trung Quốc."
Còn hôm 21/5, một nhà quan sát khác, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, cũng bình luận về vấn đề 'lệ thuộc' kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc, cũng như đề nghị Việt Nam có thể nhân các sự kiện đang diễn ra từ vụ giàn khoan HD-981, để có cái nhìn 'bình tĩnh' xem xét quan hệ kinh tế, thương mại song phương từ trước tới nay với Trung Quốc, đặc biệt trên khía cạnh liên quan an ninh, quốc phòng.
"Cán cân mậu dịch giữa hai nước nghiêng về hướng thặng dư xuất khẩu cho Trung Quốc rất nhiều. Chúng ta rất lệ thuộc vào Trung Quốc về vấn đề nhiên liệu sản xuất. Sản xuất hàng may mặc bao nhiêu chục tỷ đô-la nhưng đa phần là vật liệu từ Trung Quốc,"
"Trung Quốc cũng trúng thầu tất cả những nhà máy điện lớn nhất tại Việt Nam. Tất cả những chuyện đó phải bình tĩnh xem lại rằng chúng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, kinh tế Việt Nam như thế nào," ông Thành nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét