Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Thời đại 'chém' của bố

Nhật Quang
Con thân yêu, sau này khi con đủ lớn, nếu cái Facebook của bố vẫn còn tồn tại, mong con hãy đọc và suy ngẫm để thấu hiểu được những điều bố sắp nói về xã hội mà bố đang sống, khi con chưa được sinh ra: đó là một xã hội cực kỳ công bằng.
Đây là một xã hội rất công bằng, vì tất cả mọi người đều là thẩm phán. Thời của bố, mọi người có quyền lôi những clip hát nhái tệ hại của một anh chàng nông dân ra làm trò đùa trước bàn dân thiên hạ, dù anh ta chả hại gì đến ai. Thời của bố, mọi người có quyền cười nhạo khả năng tiếng Anh của một chị đại sứ du lịch, dù không một người nước ngoài nói tiếng Anh nào phàn nàn về điều đó cả. 


Thời của bố, tất cả mọi hành động tình yêu tình báo của những người nổi tiếng đều là chuyện của mọi người, mọi nhà. Không ai quen họ, không ai biết chuyện gì thực sự đang diễn ra, nhưng ai cũng có quyền viết những áng văn đầy sự miệt thị, rồi chỉ từ một chuyện tình yêu đôi lứa mà họ suy ra cả một thế hệ là đàn ông thời nay như thế này, đàn bà thời này như thế kia...

Sau này lớn lên con đừng làm người nổi tiếng nhé! Vì xã hội này công bằng, nên mọi việc con làm đều sẽ được toà án cư dân mạng phán xét. Con giàu có ư? Con dùng hàng hiệu ư? Sao con không đi làm từ thiện?! Con đi làm từ thiện ư? Sao con lại phải giấu? Nhưng nếu khoe ra việc mình đi làm từ thiện thì con có thực sự có tâm không? Nếu có thì đi từ thiện phải giấu chứ sao lại khoe ra? Sao đi làm từ thiện con lại ăn mặc đẹp? Tóm lại con phải giấu hay khoe?... Đó là một vòng luẩn quẩn mà mãi mãi con không bao giờ thoát ra được.

Thời đại của bố là thời đại nở rộ của các vị anh hùng yêu nước. Mỗi khi căng thẳng, họ lại hô hào tẩy chay hàng Trung Quốc. Hết căng thẳng, họ lại tẩy chay hàng... Việt Nam. Thay vì không dùng hàng Trung Quốc, họ chuyển qua Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Pháp... Vậy đó, chúng ta là một dân tộc yêu nước nhưng lại vô cùng... hướng ngoại. Thà đặt hàng ở nước ngoài, thà chờ lâu, đắt hơn nhiều... chứ kiên quyết không dùng hàng Việt Nam. Con sẽ chọn Trung Nguyên hay Starbucks nếu con không biết gì về hương vị cafe?

Người đương thời với bố, tất thảy đều là những người tài giỏi, tự tin, thông thái, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm... ở trên mạng. Và Facebook là một mặt trận lớn để mọi người chiến đấu để bảo vệ cái tôi của mình. Không ai thừa nhận mình sai, ai cũng có quan điểm riêng, họ chà đạp lên lẽ sống của người khác để thoả mãn sự hiếu thắng đến khó hiểu của bản thân mình. Đó là lý do đất nước mình mãi chỉ phát triển được ở trên... mạng, bởi nếu những con người này thật sự tốt đẹp bằng 1/100 những gì họ thể hiện trên mạng, cuộc sống của con có lẽ bây giờ đã khác nhiều.

Trên mạng là thế, còn ngoài đời thực, sự công bằng còn được thể hiện rõ nét hơn nhiều. Ở các nơi khác thì không biết, nhưng ở Hà Nội, dù có là giáo sư, tiến sĩ hay nông dân, khuôn vác... khi bước vào một nhà hàng chúng ta đều có một vị trí như nhau, đó là phải xếp hàng để được ăn cơm và ăn... chửi. Tất cả mọi người đều giống nhau, đều phải chuẩn bị cho mình sức chịu đựng cao, cùng khả năng... chửi bất kỳ khi nào cần. Đôi khi con sẽ phải năn nỉ một bác bảo vệ để bác ý làm cho mình một việc, thuộc phận sự của bác ấy đó là... dắt xe. Bởi nếu không, bác ấy sẽ gìn giữ đôi tay của mình để về nhà cắm hoa, chứ không bao giờ tự khắc làm việc đó giúp con cả. Khi con đi làm giấy tờ, dù con có tiền hay không có tiền con cũng phải đứng xếp hàng chờ đợi, tất cả mọi người như một, bởi những người làm thủ tục cho con sẽ chỉ làm việc sau khi họ ăn xong bữa sáng, bữa trưa, làm một cốc cafe chờ tới khi nào họ... muốn. Mọi người sẽ cùng phải chờ đợi như nhau, khó chịu như nhau, bực dọc như nhau và cùng ra về với một tờ giấy kết quả giống hệt nhau.

Cuộc sống tuyệt vời là vậy, nhưng bố sẽ cho con biết một điều này, đó là một nơi hoàn toàn không có sự công bằng, đó là gia đình, là ngôi nhà mà chúng ta đang sống. Ở trong gia đình này, đầy rẫy sự bất công mà không ai có quyền lên tiếng. Bởi gia đình là nơi duy nhất và cuối cùng mà mọi giá trị trên dưới không bị đảo lộn. Bố vẫn là bố, con vẫn là con, điều đó không bao giờ thay đổi được. Ngày còn bé, con không được phép nói bậy, không được phép bỏ cơm, bỏ học, không được phép hút thuốc, không được phép đi đêm... sự không công bằng thể hiện ở chỗ bố mẹ không cần con chấp nhận mà con vẫn bắt buộc phải làm.

Rồi khi lớn lên, bố mẹ lại không được phép bắt con chọn người yêu hay giới tính, không được phép bắt con làm những việc mà con không muốn, không được bắt con chọn ngành nghề mà bố mẹ mong muốn... đó cũng là những điều vô cùng bất công nhưng bố mẹ vẫn phải chấp nhận. Bởi con hãy hiểu một điều: gia đình là một xã hội thu nhỏ, và là một tế bào của xã hội. Nếu con chấp nhận được sự bất công, con mới là con người. Bởi thật sự không nơi đâu có sự công bằng cả, dù là trong hay ngoài toà án. Vì vậy, trước khi trở thành một con người tốt, con hãy làm tốt phận sự của một người con ngoan trong gia đình, đó là tất cả những điều mà bố mong muốn.
Bố. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét