Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Đêm sáng lên những ý nghĩ không đèn

NGUYỄN TRỌNG TẠO
Đến Hà Tĩnh, nhà thơ Nguyễn Ngọc Vượng bảo tôi: Ở đây có Nguyễn Minh Đức làm thơ được lắm anh ạ. Đức đang làm việc tận Vũng Áng, không gặp được, tôi nhờ Vượng nói Đức gửi thơ qua Email cho tôi xem sao.

Tôi về Hà Nội nhận được bản thảo tập thơ “Những người đàn bà bán tóc” qua Email Đức gửi. Lần đầu tiên tôi được đọc thơ Đức, và ngạc nhiên là anh có một giọng thơ thật chững chạc, đầy tính “chuyên nghiệp”, vừa trẻ trung mộng mị vừa chiêm nghiệm sắt se, và không thích khoa trương ồn ào như nhiều cây bút trẻ tuổi anh. Anh lẳng lặng viết về ruộng đồng thôn mạc, về biển, về mẹ, về chị, về em, về con, về bạn, về buồn vui đời người nhiều khắc khoải tin yêu và thao thiết trở trăn.

“Nhận được tin sông Hồng ốm/Tôi vội vã trở về”. Câu thơ mang tới một thông tin mạnh bởi nó độc đáo, táo bạo. Chưa thấy ai nói “sông Hồng ốm” bao giờ. Từ ốm khiến người ta nghĩ sông Hồng là một cơ thể sống, một người bạn thân thiết hay một người yêu muôn thuở, hoặc người mẹ, người cha qua “nặng nhọc nỗi lòng mấy kiếp cù lao”, để rồi “Tôi cùng sông khóc cạn niềm xưa cũ/Mong ngày mai trong đục chẳng ngừng trôi”

Với giọng thơ run rẩy buồn, run rẩy yêu thương và suy ngẫm, Nguyễn Minh Đức như nép mình vào góc khuất để chiêm nghiệm cuộc đời và sẻ chia cảm xúc. Chính cái góc khuất mà anh lựa chọn để “viết những câu thơ ngậm đầy bóng tối” lại là nơi ẩn chứa bao khát vọng ánh sáng rực rỡ sắc màu. Rất nhiều thi ảnh về thiên nhiên, con người… đẹp lung linh trong thơ Đức. Đẹp và buồn. Đẹp như nỗi buồn: “Những con nhện giăng tơ ở hai đầu lá lúa”, “Những con cào cào đã trở thành thiếu phụ”, “Lũ cá rô đồng gầy, lộ cả những chiếc xương”, “Từ những chập chờn đom đóm /Rắc vào phía chân trời”…

Tôi thích bóng đêm trong thơ Đức. Và có lẽ Đức cũng thích bóng đêm nên mới dùng nhiều từ “đêm” đến thế. Đêm không chỉ màu đen mà còn là màu của liên tưởng, suy tư, trở trăn, hy vọng. Đêm mất mùa, đêm cuối hạ, đêm giá buốt mùa đông, đêm đói nghèo, đêm đọc sử, đêm “sáng lên những ý nghĩ không đèn”… Để rồi bóng tối và ánh sáng trở thành một cặp phạm trù hóa thân vào cuộc đời thi sĩ: “Sáng tối nhập nhằng sáng tối hoá đời tôi”.

Người ta nói, thơ đi giữa đôi bờ hư-thực. Người ta cũng nói, thơ mờ ảo mới hay. Thực ra thơ là bí mật của tâm hồn được chưng cất thành tinh thần của Sự Thật, như người ta chưng cất bóng tối để thành ánh sáng. Đọc thơ Đức ta thấy anh luôn thèm khát sự cảm thấy và nhìn thấy. Thơ như từ đêm bước sang ngày mà vẫn mang theo những vệt mờ của bóng tối. Thơ như từ tâm thức bước ra thành ý thức mà vẫn mang theo độ nhòe của vô thức. Cho nên ta nhận được cùng lúc cả cái nóng cái lạnh trong thơ anh.

Bếp lửa nhỏ trẻ mục đồng nghịch đốt
Không làm muà đông vơi đi chút lạnh nào

Cánh đồng gầy xanh xao
Trong chiều đông tím tái
Tự làm ấm mình bằng tiếng chim còn sót lại

Quả là trong cảm thấy có nhìn thấy, và trong nhìn thấy có cảm thấy. Rất nhiều những liên kết giăng mắc trong thơ Đức. Nhưng điều cốt lõi là tâm hồn anh luôn gắn kết với nhà nông, với thôn quê như không dứt ra được. Anh đau nỗi đau của họ và vui niềm vui của họ. Anh nhìn thấy cánh đồng mất mùa :

Cánh đồng bật khóc
Bằng tiếng nứt vỡ của những bờ kênh cạn nước
Cánh đồng tức tưởi
Bẽ bàng phì nhiêu không đổi được mùa vàng

Và cảm thấy đớn đau:
Những cơn gió cũng hết mùa hào phóng
Chết trong tiếng rơi của chiếc lá khô giòn
Tiếng than thở của người hàng xóm
Choàng lên đêm chiếc áo không vừa

Để rồi:
Ta quì xuống trước mùa màng xứ sở
Dâng lên cánh đồng lời cầu nguyện tốt tươi.

Mềm yếu thế, nhưng thơ anh đâu đó vẫn bật lên những cung bậc trẻ trung và mạnh mẽ, bởi “với những thiêng liêng con không thể yếu mềm”. Đó là khi Tổ quốc “trong tiếng binh đao của nghìn trang sử”, khi Tổ quốc “Đâu chỉ là đất mẹ hình chữ S/ Mà còn có Hoàng Sa, Trường Sa như những giọt máu hồng”.
***
Đọc thơ Nguyễn Minh Đức là đọc “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”. Chính vì thế mà anh mang đến cho người đọc những câu thơ, những tứ thơ vừa như muối xát lòng lại vừa như chắp cánh cho tâm hồn thêm cao rộng. Bài thơ “Những người đàn bà bán tóc” là một tứ thơ độc đáo, đại diện cho mạch thơ của Đức với trăn trở không nguôi về những phận đời đa đoan, vất vả, bất hạnh và thua thiệt nhưng vẫn tin có ngày thay đổi:

Những người đàn bà quê tôi bán tóc
Như bán những linh hồn
Giữ lại tiếng thở dài từng đêm nhớ tóc
Những mái tóc giờ phiêu dạt nơi đâu…

Câu hỏi cũng là câu trả lời. Rồi những mái tóc sẽ tìm đường trở lại như “lúa thì con gái” “xanh mướt những bờ vai”…

Giờ đây, người “viết những câu thơ ngậm đầy bóng tối” ấy đã làm “sáng lên những ý nghĩ không đèn”.

Vâng. Tôi đã đọc Đức. Bạn sẽ đọc Đức. Và mỗi người sẽ giữ cho mình một gương mặt thơ mà trước đó ta chưa từng quen biết.
Hà Nội, vào Thu 2015.

CÁNH ĐỒNG MÙA ĐÔNG
Những hạt thóc vàng đã về tổ ấm
Để cánh đồng trơ gốc rạ giữa đông.
Bếp lửa nhỏ trẻ mục đồng nghịch đốt
Không làm muà đông vơi đi chút lạnh nào.

Cánh đồng gầy xanh xao
Trong chiều đông tím tái
Tự làm ấm mình bằng tiếng chim còn sót lại
Không kịp theo bầy để trốn mùa đông.

Nhưng giữa mênh mông
Tiếng chim không còn nghĩa lý
Hót lên như tiếng khóc
Rồi rơi vào thinh vắng đến xót xa

Cánh đồng tự làm mới mình bằng chuyến xe qua
Chia mình thành hai nửa
Nhưng cả hai vẫn thế
Rơi vào đìu hiu trong xám xịt mùa đông

Chỉ còn lại những mồ mả
Cánh đồng đành bất lực nằm im
Để mùa đông trút gió lên mình
Thở dài bằng tiếng vi vu của những bờ cây dại.
Chờ đợi lúa về sau chuyến trú đông.


NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN TÓC
Cơn mưa bóng mây giữa hạ
Dồn oi nồng vào hết làng tôi.
Con đường vắng chông chênh khô và ướt
Tiếng rao mua tóc xé lòng

Những người đàn bà quê tôi
Mở cửa thận trọng nhìn và nghe ngóng
Rón rén như làm điều khuất tất
Giữ lại tiếng rao sau cánh cổng nhà mình.

Những người đàn bà quê tôi bán tóc
Trong nỗi nhọc nhằn của cuộc mưu sinh
Những ánh mắt thẩn thờ nhìn tóc
Xa xăm về phía cuối chân trời

Những mớ tóc được xếp cạnh nhau
Ngắn, dài, khô, đen, cháy nắng và chẻ ngọn…
Mỗi mớ tóc mang trong mình số phận
Của những người đàn bà nghèo khổ quê tôi

Những người đàn bà quê tôi bán tóc
Như bán những linh hồn
Giữ lại tiếng thở dài từng đêm nhớ tóc
Những mái tóc giờ phiêu dạt nơi đâu

Trong giấc mơ tôi thấy phía chân trời
Những mái tóc tìm đường trở lại
Như cánh đồng quê tôi – lúa đang thì con gái.
Xanh mướt những bờ vai…


CÁNH ĐỒNG
Mùa hạ
Lũ cào cào mặc áo dài- trở thành thiếu nữ
Cánh đồng thơm mật mùa yêu
Những con nhện giăng tơ ở hai đầu lá lúa
Trồng cây chuối đợi mồi lẫn lộn ánh thời gian
Những chiếc lá mải mê uống nắng
Một ngày ngẩn ngơ để lộ tuổi già

Mùa thu
Những con cào cào đã trở thành thiếu phụ
Cánh đồng mùa ấp trứng
Những con nhện ngậm ngùi để lộ đường tơ
Lũ cá rô đồng đến lớp
Lo sợ, bồn chồn thức trắng suốt đêm.

Mùa đông
Mùa đi ngủ và chạy trốn.
Chỉ còn lại những cơn gió
Vung tay vào mặt cánh đồng
Chỉ còn lại những cơn rét
Lũ cá rô đồng gầy, lộ cả những chiếc xương

Mùa xuân
Mùa của sự hồi sinh
Tất cả chen chúc để tìm về sự sống
Những con nhộng ngạo nghễ tung cánh bướm
Những mầm chồi xé toạc lớp vỏ khô
Những hội hè đình đám
Lũ côn trùng nông nổi hát thâu đêm
Tôi tìm lại mùa xuân
Khi đã viết những câu thơ ngậm đầy bóng tối

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét