Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Cất cánh

Nghệ xĩ đích thực của nhà Nham
Hoàng Anh Đinh
Rất nhiều người bạn hỏi mình, làm gì với nỗi đau. Mình cũng viết nhiều thứ về điều này. Nhưng hôm nay, tình cờ xem lại một đoạn phim "Nàng Hwang Jin Yi", nói về cô kỹ nữ tài hoa Hàn Quốc, chợt nhớ lại những hồi ức, của mình, của bạn bè, của những người gặp tình cờ...

Trong đoạn phim ấy, khi cô kỹ nữ phải chia ly với mối tình đầu, nữ sư phụ của cô ấy (cũng là một kỹ nữ cực kỳ tài hoa), không an ủi học trò của mình, mà ngược lại, buộc cô ấy phải múa. Bà ta dạy Hwang Jin Yi cúi xuống, dang rộng hai tay như đôi cánh một con chim, rồi hít thật sâu, làm những động tác nhanh và mạnh với hai tay và đầu, như kiểu một con chim sải cánh,... và bà ấy nói:
"Con đừng kím nén nỗi đau, hãy chuyển hóa nó, hãy đưa nỗi đau đi khắp cơ thể, lên hai cánh tay, lên toàn thân, quan sát nó, để nó chuyển động như một luồng khí mãnh liệt bên trong, như một ngọn lửa, và con cứ khóc nếu muốn, khóc bằng tất cả lồng ngực và con tim, khóc cho tan nát cõi lòng, nhưng không ngừng múa và múa, như thể con đã hóa thân thành một cơn gió đang gào thét, một dòng sông đang sôi réo, hãy múa và múa, cho đến khi nào những giọt nước mắt hóa thành nụ cười... Bởi vì, đối với một nghệ sĩ, cái quan trọng nhất không phải là rượu, là tài năng, là tình yêu... mà là đau khổ, khi nó được chuyển hóa nó sẽ trở thành sức mạnh vô song. Và điệu múa, bài ca của con sẽ khiến cho trời đất phải rung động, và con người phải lay chuyển tâm can...".

Và, người nghệ sĩ múa ấy đã trả lời câu hỏi muôn thuở của thế gian: Làm gì với khổ đau. Không thể tránh nó, không thể dập tắt nó, đó là nguồn năng lượng hoang dại, dữ dằn, có sức mạnh ghê gớm, có khả năng hủy diệt nhiều thứ... Bạn dựng lên những con đê chắn nó lại, nhưng đê có thể vỡ. Bạn dựng lên những bức tường che bão tố, nhưng tường có thể đổ. Vậy sao không chuyển hóa năng lượng ấy thành sự sáng tạo. 

Con người sinh ra đã là những nghệ sĩ. Con người ẩn chứa bên trong khát vọng và khả năng sáng tạo. Vậy thì, hãy làm như người nghệ sĩ thời xưa ấy, hít thật sâu, đưa cơn đau đi khắp mọi ngóc ngách trong cơ thể và tâm hồn, sống với nó, và cất cánh... Bạn có thể không biết chơi đàn, không biết hát, không làm thơ, không vẽ tranh, hãy thử đi, thử lần đầu tiên trong đời. Hay là hãy nhảy múa, hay là trồng hoa, hay là nấu ăn, hay là chăm sóc giúp đỡ ai đó, lao động... làm bất cứ việc gì bạn từng yêu thích, nhưng với sự chú tâm tuyệt đối, sự thăng hoa của nghệ sĩ... 

Đừng quên rằng đau khổ chứa đựng sự thăng hoa vô tận của tâm hồn, đau khổ là minh chứng cho những trái tim nồng nhiệt, là ngưỡng cửa của sự hiểu biết. Những tâm hồn đã nguội lạnh không thể cảm nhận đau khổ mãnh liệt. Đau khổ là ánh sáng rực rỡ của con người. Bạn có muốn trở thành robot không?

Vậy nên, không hiếm lần chúng ta sẽ có dịp gặp gỡ nỗi đau, nếu có thể, nếu muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp, mọi chiều sâu của cuộc đời, hãy thử một lần, như những nghệ sĩ cổ xưa, đưa nỗi đau vào bên trong, tan chảy trong từng đường gân thớ thịt, và với sức mạnh khôn sánh của nó, hãy cất cánh vào trời xanh.

1 nhận xét:

  1. Từ nỗi đau tình yêu thương, sự sáng tạo cất cánh, và cuộc đời này đẹp hơn lên.

    Trả lờiXóa