Hoinhammit, 16/11/2015
Trong cái cay nồng của rượu quê những con người lâu lâu mới gặp lại xốn xang, say sưa với bao ký ức cũ. Trong lao xao nhưng câu chuyện khi rượu đã mềm môi có một chuyện làm ngẩn ngơ bao người. Chuyện kể vào một đêm mùa đông, có cặp vợ chồng đón một người bạn đến thăm, cả ba thu lu trên ghế cùng đắp chung một chiếc chăn nhỏ, người vợ nghịch ngợm đòi ngồi chen giữa hai người bằng được. Họ nói chuyện với nhau rỉ rả suốt đêm, về thơ văn đông tây kim cổ quên cả đêm đã về sáng, quên cả tấm chăn chẳng đủ ấm trong cái giá rét mùa đông. Người bạn bất chợt nhớ và đọc cho nghe bài thơ "Lỗi hẹn cùng ca dao", hay quá người chồng âm thầm ghi vội vào điện thoại cầm tay.
Sau đêm đấy
người đàn ông nọ đi đâu cũng mở đoạn ghi âm giọng đọc đầy xúc cảm của người bạn, khoe mới nghe được bài thơ hay, rồi tự hào khoe đấy là bạn gái mình. Người vợ cứ cười ngất vi chuyện đấy còn người bạn thì năn nỉ hết lời người chồng mới chịu xóa đoạn ghi ấm đó. Nhưng bài thơ thì vẫn lưu lại trong mỗi người và cứ bật lên mỗi khi những người bạn thân này có dịp gặp lại.
Và trong men nồng của bè bạn chẳng cùng trang lứa bài thơ lại được đọc lại như năm nào, chỉ khác mỗi một điều là người đọc thơ đầy cảm xúc năm ấy giờ đây mới biết tác giả bài thơ là một người phụ nữ thay vì cứ nghĩ đấy là một người đàn ông với trái tim yêu.
LỖI HẸN CÙNG CA DAO
(Thanh Nguyên)
Vườn nay người khác đã vào
Khóm mai thay chỗ khóm đào ngày xưa
Em ngồi giặt áo giữa trưa
Đâu rồi môi hát vu vơ một mình
Em ngồi giặt áo lặng thinh
Vò cho sạch những vết tình còn vương
Giũ cho vơi bớt giọt buồn
Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời
Đàn Kiều được mấy khúc vui
Thơ Kiều có vận vào đời em chăng?
Tình so chưa đủ ngũ âm
Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi
Áo ca dao gió cuốn rồi
Câu ca dao trả cho người khác qua
Tóc mai rủ bóng hiên nhà
Chuyện xưa dù nhắc cũng là chuyện xưa
Em ngồi giặt áo giữa trưa
Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng.
Và dưới đây xin trân trọng giới thiệu một bài viết (sưu tầm in tạc nác) của của cô giáo trẻ Bùi Lan Anh,THPT Nam Đàn I (Nghệ An) về bài thơ này.
Đời con người thật lắm nghịch lý; nghịch lý nhiều nhất của đời người thường lại tụ trong chuyện tình yêu trai gái. Bao nhiêu nước mắt đã rơi, trong đời, và trong thơ, bởi lỡ làng, lệch nhịp, chia xa,...Mỗi thi sĩ qua thơ mình có tiếng nói riêng thổn thức nỗi đau đớn ấy. Lỡ hẹn cùng ca dao có con đường ngôn từ độc đáo, đặc sắc nên góp vào mảng thơ tình một giọng không thể tan hoà.
Trước hết là tựa đề bài thơ- Lỡ hẹn cùng ca dao. Ca dao trữ tình, như ta biết, phần lớn, cũng là phần hay nhất dành cho tình yêu trai gái. Đành rằng trong xã hội cũ, trai gái lỡ duyên, thất tình không ít, nhưng không phải vì thế mà không có những bài ca dao rất nên thơ, tình tứ, kín đáo và mãnh liệt, say nồng giữa những trái tim trao gửi hẹn hò. Lỡ hẹn cùng ca dao, vì thế là lỡ nhịp, bẽ bàng với tình yêu đẹp, với ước hẹn kết tóc xe tơ. Và, đi suốt bài thơ là tiếng lòng của một chàng trai thời nay với người yêu giờ đã thành của kẻ khác. Thương cảm, xót xa cho em, cũng là thương cảm, xót xa cho chính mình...
Toàn bài làm bằng thể lục bát, thể thơ đâm chồi từ ca dao cổ và vững gốc, xanh um tán lá cùng Truyện kiều. Vào ngay cặp sáu- tám đầu, người đọc gặp ngay những vườn, mai, đào, đã vào, gợi nhớ đến bài ca dao rất mực tình tứ:
Đến đây mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.
Cái vườn hồng ái tình xưa hé lộ cuộc giao duyên bền chặt giữa đôi trai- gái Mận- Đào, mà nay, éo le thay, với chàng trai, nhân vật trữ tình bài thơ, thì Vườn nay người khác đã vào- Khóm mai thay chỗ khóm đào ngày xưa. Giải mã ca dao với những mô típ Vườn, mận, đào, mai cùng những từ Vườn nay, người khác, thay chỗ và giọng điệu đã không gì vui, thậm chí có phần ấm ức, ta hiểu ra rằng, chàng trai không lấy được người mình hằng yêu (Đào), mà phải sống với người con gái khác ( Mai). Nhưng rồi từ đó, anh không ngớt dõi theo thân phận cuộc đời người tình xưa- xưa mà không chịu cũ! Phần còn lại của bài thơ lục bát cứ xoáy vào chi tiết, câu chuyện em ngồi giặt áo. Giặt áo khi làm vợ người của em, dưới con mắt anh- nhân vật trữ tình của bài ca- thật cơ cực, nhọc nhằn. Nào là Giặt áo giữa trưa, lặng thinh, rồi rát bàn tay. Có lẽ bởi thương em quá đỗi nên nói quá lên đó thôi, chứ cái việc giặt áo âu cũng là thường nhật với người phụ nữ, người vợ. Mỗi chữ đều chở nặng lòng thương cảm người tình xưa. Đọng và day dứt nhất là câu thơ, hình ảnh:
Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi
Gánh nặng chồng con như món nợ đời đè lên đôi vai em, vút cong hình hài, cuộc đời em! Thơ hay thường câu chữ, hình ảnh rất mực giản dị, giản dị mà đeo bám mãi không thôi đối với người đọc...
Thơ trữ tình, trong bản chất, đặc trưng của nó là tiếng nói đồng cảm, đồng điệu. Trước hết, đồng điệu, đồng cảm giữa bộ đôi chủ thể trữ tình với đối tượng trữ tình. Chàng trai trong bài thơ Lỡ hẹn cùng ca dao không chỉ thương xót người tình như đã phân tích, mà còn đọc được thành lời những cử chỉ, việc làm rất nhỏ của cô gái mà với với người ngoài cuộc, có khi chẳng có ý nghĩa gì! Anh nhớ và đem đối lập cái hồn nhiên, xốn xang môi hát vu vơ cái thời cô đang yêu mình bên dáng hình tội nghiệp ngồi giặt áo giữa trưa...của hôm nay. Anh nhìn ra trong việc giặt giũ thông thường của người phụ nữ nỗi cay đắng, oán hận thân phận, cuộc đời lỡ làng của người yêu xưa. Chỉ hai cặp lục bát, 28 chữ Em ngồi giặt áo lặng thinh- Vò cho sạch những vết tình còn vương- Giũ cho vơi bớt giọt buồn- Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời sao lắm đay nghiến: Vò cho, giũ cho, phơi cho. Ngôn ngữ thơ khác ngôn ngữ văn xuôi, nó nối những sợi tơ nhện mảnh mai giữa hai nhịp cầu thực- hư, lấy cái hữu hình để diễn tả cái vô hình. Vò cho sạch áo hay đang vò sạch những vết tình còn vương của những tháng ngày say đắm yêu đương? Giũ áo hay cũng là giũ cho vơi bớt giọt buồn của những ngày chẳng có chút vui làm vợ? Phơi áo cũng phải chăng là phơi khô hết nhớ thương chàng? Thật quả là có những điều chỉ có thể nói được bằng thơ!
Tôi không nghĩ tựa đề Lỡ hẹn cùng ca dao là lối làm dáng, cố tỏ ra độc đáo của tác giả khi đặt tên khai sinh thi phẩm. Phải chăng trong chàng- nhân vật trữ tình- cứ thổn thổn, thức thức: Sao ca dao xưa có những bài tình ái đẹp thế, trai gái ở cái thời cơ cực ấy mà có những vận may đến vậy. Thế mà, cuộc tình với nàng lại trớ trêu??? Hay em là cô Kiều- đẹp nết, đẹp người của thời nay:
Thơ Kiều có vận vào đời em chăng?
Nên như Thuý Kiều thuở nào, khúc đầu so dây với chàng Kim Trọng chưa đủ ngũ âm ( cung, thương, dốc, chuỷ, vũ) đã phải đoạn tình, em chẳng đi hết con đường đắm say với anh! Thêm ít nhất lần nữa, trong lòng anh lại liên tưởng, sống với ca dao:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cấu gió bay
Chủ thể trữ tình Lỡ hẹn cùng ca dao không được cái phút giây nồng nàn, dâng hiến ấy, câu ca dao xưa đâu phải cho anh mà cho người khác đã qua. Anh cứ lấy ca dao ái tình mà vận vào mình: Buổi đầu hò hẹn giao duyên chẳng thành: Vườn nay người khác đã vào, nên những hạnh phúc âu yếm trời ban cho cho trai gái trần thế thật xa vời với anh:
Áo ca dao gió cuốn rồi
Câu ca dao trả cho người khác qua
Xót xa cho tình yêu không thành, đau đớn vì không được hưởng niềm đam mê, hạnh phúc của ca dao. Nhưng rất đẹp ở sự cao quý của tiếng nói trữ tình bài thơ: Giọng điệu toát lên trong cả bài và rồi đúc lại ở hai cặp lục bát cuối cùng- thương mình một, chia sẻ xót đau cho người yêu đến mười:
Tóc mai rủ bóng hiên nhà
Chuyện xưa dù nhắc cũng là chuyện xưa
Em ngồi giặt áo giữa trưa
Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng
Tóc mai rủ bóng hiên nhà! Làm sao mà hiểu hết hàm nghĩa của câu thơ đầy sức ám gợi này?! Em, em sống âm thầm như cái bóng trong ngôi nhà chồng hay chính Em đổ bóng đêm đau khổ, chịu đựng vào cuộc đời mình, bởi chuyện xưa dù nhắc cũng là chuyện xưa, còn chuyện nay Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi!
Trong ca dao cổ cũng như thơ Việt, rộng ra thơ Á Đông xưa nay, chiếc áo, tấm áo được nói đến thật tình tứ, ân nghĩa, không chỉ về tình trai gái, mà còn tình mẹ con, đồng bào, đồng chí,...Nhưng trong bài thơ cũng áo, mà giặt áo lại là chuyện cay cực của đời người con gái. Bài thơ cứ xoáy mãi hình ảnh khổ đau của đối tượng trữ tình và đầy xót xa, thương cảm của nhân vật trữ tình: Em ngồi giặt áo giữa trưa! Nhưng xót xa nhất chưa phải ở đó, ở Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi, mà ở cái quyết chí vò áo đến rát bàn tay mà không thể nào rũ sạch lòng một sinh mệnh tình yêu có sức sống dai dẳng trong lòng. Đau khổ và kỳ diệu thay tình yêu trai gái! Giữa chàng trai- chủ thể trữ tình và cô gái, em- đối tượng cảm xúc của bài thơ- có sự đồng điệu sâu thẳm, ấy là do gốc rễ tình yêu họ gieo trồng được, trở thành vốn chung về tình cảm muôn đời, mạnh hơn cái chết.
Khép lại bài thơ, người đọc cứ ám ảnh mãi... Đưa ca dao dân ca vào thơ hiện đại thì không ít người làm. Nhưng sống với tiếng nói của ca dao tình yêu như một ám ảnh, một khát vọng của Lỡ hẹn cùng ca dao thì thật hiếm! Ngôn từ bài thơ không có gì xa lạ lời ăn tiếng nói đời thường, chứ không phải thứ lời thơ khó hiểu, rắc rối, đánh đố người đọc của không ít thơ hiện nay, mà sao lay động đến sâu xa tâm trí độc giả. Có lẽ bí mật huyền diệu là ở sự mắc nối thực- hư, cái nhìn thấy và không nhìn thấy. Nhưng trên tất cả phải là một tấm lòng, một tình yêu say nồng mà cao quý, cao cả ở nhân vật trữ tình với đối tượng được gọi là em trên trang thơ và trong tim anh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét