Lời dẫn của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Theo tác giả Khả Xuân thì ông Nguyễn Trung Phong, tác
giả vở kịch dân ca Nghệ Tĩnh “Khi ban đội đi vắng” đã viết ra bài hát này cho
nhân vật người vợ hát khuyên chồng. Ông Phong đã phác thảo ra bài Giận mà
thương và nhạc sĩ Thanh Tùng, cán bộ âm nhạc của tỉnh, chỉnh lý và ghi lại
thành bản nhạc. Vở kịch được Đội văn nghệ Diễn Bình biểu diễn và bài hát Giận
mà thương đã lan nhanh đi khắp nơi trong tỉnh, nhất là qua các đợt hội diễn.
Tháng 9-1969, Bác Hồ của chúng ta ra đi. Nhân dân đau thương
vô hạn, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã kịp thời đưa ra bài Trông cây lại nhớ đến Người.
Tác giả tự chép tay rồi gởi ngay cho tỉnh Nghệ An bài đó. Ông Võ Thúc Đồng, lúc
bấy giờ là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đã viết thư cảm ơn
Đỗ Nhuận về tình cảm đối với Bác Hồ, với dân tộc. Nghệ sĩ Song Thao là người đầu
tiên hát thành công bài đó ở trong nước và ngoài nước.
Về âm nhạc, có lẽ bài Giận mà thương là tiền đề, nếu không
nói là âm điệu chủ yếu để Đỗ Nhuận cho ra đời bài Trông cây lại nhớ đến Người.
Khi biết tin bài Giận mà thương có tác giả, nhạc sĩ Đỗ Nhuận gởi tặng ông Nguyễn
Trung Phong một cuốn lịch tay, bìa ni lông. Tờ đầu cuốn lịch tự tay Đỗ Nhuận viết:
“Thân tặng anh Nguyễn Trung Phong – người bạn cộng tác tình cờ”.
Phía sau bài dân ca “Giận mà thương”
CAO THÂM
Lâu nay, khán giả được nghe nhiều ca sỹ hát thành công bài
dân ca Nghệ Tĩnh “Giận mà thương”. Tiếc rằng, dù trên sân khấu hay trên các đài
phát thanh, truyền hình, khi ca sỹ thể hiện bài dân ca này, đều không thấy giới
thiệu tác giả đặt lời. Và nhiều người cũng không hiểu nội dung của bài dân ca
nói về chuyện gì. Tác giả của nó là nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, nguyên
Phó Giám đốc Ty văn hóa Nghệ Tĩnh. Ông là tác giả vở chèo “Cô giái sông Lam” nổi
tiếng. Theo Thiếu tướng, Nhạc sỹ An Thuyên, ông xứng đáng được giải thưởng Hồ
Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật nhưng tiếc rằng, đến nay, sự cống hiến của ông
chưa được ghi nhận.
Lời của bài dân ca là
như sau: “Anh ơi khoan vội bực mình/ Em xin kể lại phân minh anh tỏ tường/Anh cứ
nhủ (bảo) rằng em không thương/Em đo lường rất chi cặn kẽ/Chính thương anh em
bàn với mẹ/Phải ngăn anh đi chuyến ngược Lường/ Giận thì giận mà thương thì
thương/ Anh đi sai đường em không chịu nổi/ Anh ơi anh, xin đừng có giận vội/
Trước tiên anh phải tự trách mình”. Rõ ràng, nghe hát, nhiều người không hiểu
được, người con trai ấy “đi sai đường”, là đường gì mà khiến cô gái “không chịu
nổi”? Lại nữa, “chuyến ngược Lường” nghĩa là sao? Họ là vợ chồng hay anh em ruột?
(vì có chung người mẹ) v.v.
Thưa, lời bài hát trên chỉ là trích đoạn trong vở kịch dân
ca Nghệ Tĩnh “Khi ban đội đi vắng” của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong
(1929-1990). Ông quê ở làng Trung Phường, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, Nghệ
An, Thời cấp ba, tôi học cùng trường với con gái ông, là chị Nguyễn Thu Hương.
Thời ấy, thi thoảng đến thăm chị Hương, tôi đã được gặp ông, nhưng không biết,
khi đó ông đang là Phó ty Văn hóa tỉnh Nghệ Tĩnh; là tác giả vở chèo “Cô gái
sông Lam”nổi tiếng (tỉnh Nghệ Tĩnh sau này chia tách thành Nghệ An và Hà Tĩnh).
“Khi ban đội đi vắng” là vở kịch ngắn, trong đó các nhân vật
đối đáp với nhau, giải quyết xung đột bằng cách hát các làn điệu dân ca xứ Nghệ,
giống như diễn chèo, cải lương vậy. Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong là một
trong những người đầu tiên đưa dân ca Nghệ Tĩnh vào kịch sân khấu. Vào những
năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, một số vở ca kịch của ông, trong đó có
“Khi ban đội đi vắng” đã được Đoàn dân ca và chèo Nghệ Tĩnh và nhiều đội văn
nghệ nghiệp dư của địa phương dàn dựng thành công. Năm 1973, Ty văn hóa Nghệ
Tĩnh cũng cho xuất bản tập kịch hát dân ca lấy tên là “Khi ban đội đi vắng”, tập
hợp một số vở kịch hát của các tác giả Nguyễn Trung Phong, Nguyễn Trung Giáp
v.v. Thể loại sân khấu này phát triển mạnh ở Nghệ An, với nhiều vở kịch dài được
Đoàn dân ca Nghệ An dàn dựng. Một số vở đoạt giải cao tại các kỳ Hội diễn sân
khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Mới đây, tỉnhh Nghệ An cho sáp nhập các đơn vị nghệ
thuật lại, thành Nhà hát Dân ca Nghệ An.
Vở kịch ngắn “Khi ban đội đi vắng” kể về anh cu Thành, lợi dụng
lúc “Ban đội đi vắng”, định làm một chuyến buôn lậu chè xanh. “Ban đội” là gọi
tắt của Ban quản lí đội sản xuất của Hợp tác xã nông nghệp thời bao cấp. Nơi
anh cu Thành nhắm tới đó là chợ Lường. Chợ Lường ở mạn ngược, thuộc huyện Đô
Lương, Nghệ An, nổi tiếng về buôn bán trâu bò và chè xanh. Dân ở mạn xuôi thuộc
các huyện Diễn Châu, Yên Thành… lên mạn ngược mua trâu bò, khoai sắn, chè xanh
về xuôi bán kiếm lời gọi là “đi ngược”. Anh cu Thành tranh thủ “khi ban đội đi
vắng”, lên chợ Lường buôn lậu gọi là “đi ngược Lường”. Trong vở ca kịch này, âm
mưu của anh cu Thành là đi “ngược Lường” buôn lậu… chè xanh! Đó là loại chè người
ta chặt cả cành, bó lại thành mớ như mớ rau. Khi cần uống, cấu bớt cành, rửa sạch,
cho vào ấm đun như… sắc thuốc bắc!
Ngày ấy, đối với dân mạn xuôi, chè xanh là
thứ hết sức xa xỉ! Những ông cán bộ như Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, nhân
tiện đi công tác, mới dám mua mấy bó chè xanh về thết đãi hàng xóm chứ dân nông
thôn, tiền của mô! Tối ấy, chủ nhà sai con sang hàng xóm: “cha tui (bố cháu) về,
mời ông (bà, chú, bác) sang uống nác (uống nước). Mấy cái chiếu được trải ra
sân. Hàng xóm kéo đến. Chiếc đài orinton của Hung Ga Ri đặt trang trọng trên
chiếc ghế đẩu. Gia chủ lễ mễ bê nồi chè xanh ra, cẩn trọng rót vào đọi (bát),
kính cẩn mời. Mọi người nâng đọi chè lên, suýt xoa, xì xụp, vừa nghe đài vừa
bình luận thời sự. Mấy hôm sau, nồi chè xanh này còn được gia chủ hâm đi hâm lại,
bao giờ “chạ”, tức lá chè đã hết chất mới thôi. Khi đó, người ta đổ bã chè ra,
đem phơi. Phần lá, quắt lại, đem đun; phần cọng, tận dụng làm… tăm! Thời học
cùng chị Hương con gái ông Nguyễn Trung Phong, tác giả bài viết này đã vài lần
được uống nước, nghe đài ở nhà ông Phong.
Có lẽ thế hệ trẻ bây giờ, nhiều người không hiểu nổi, vì sao
thứ chè xanh ngày ấy lại khan hiếm và là hàng quốc cấm? Là bởi, thời bao cấp,
nông dân sản xuất ra hàng nông sản, thực phẩm như chè, lạc, trâu bò, lợn v.v.
chỉ được phép bán cho Nhà nước; người nào mang chè xanh, chè búp, lạc v.v. đi
bán kiếm lời được cho là buôn lậu. Vì vậy, mới có chuyện anh cu Thành lợi dụng
“khi Ban đội đi vắng” để buôn lậu chè xanh! Ban đội gồm có đội trưởng, đội phó,
thư kí đội là những người trực tiếp phân công công việc hàng ngày cho xã viên.
Bữa đó, Ban đội đi vắng, việc quản lí nhân sự trong đội sản xuất bị buông lỏng.
Nhân cơ hội này, anh cu Thành quyết đi buôn chè xanh! Nhưng, âm mưu đen tối của
anh ta nhanh chóng bị cô vợ vạch trần! Khi biết được âm mưu của chồng, cô ta liền
bàn với mẹ chồng, tìm cách chặn đứng hành vi sai trái của anh ta. Biết chuyện,
mẹ của gã định buôn lậu này là bà Tâm, một đảng viên lâu năm, phẩm chất trong sạch,
đã cùng con dâu lập phương án, chặn đứng hành vi đi sai đường của anh cu Thành!
Âm mưu bị phá sản, anh cu Thành trách vợ rằng không thương
chồng. Cô vợ thanh minh rất quyết liệt rằng, dù anh có giận thì giận mà thương
thì thương, còn cô, trước âm mưu phạm pháp của anh, anh định đi buôn lậu chè
xanh, “anh đi sai đường”, cô không chịu nổi! Chính thương anh nên cô đã bàn với
mẹ chồng, phải chặn đứng âm mưu của anh. Việc cô làm không phải là nông nổi, bồng
bột mà đã “đo lường rất chi là cặn kẽ” rồi, đã cân nhắc kỹ lưỡng rồi, lại được
mẹ chồng, một đảng viên lâu năm đồng tình, ủng hộ.
Anh không thể trách cô là
không thương chồng được, mà hãy tự trách mình ấy! Gia đình nhà mình là gia đình
đảng viên, giàu truyền thống cách mạng, không thể dung túng cho con buôn, bọn
bóc lột! “Trước tiên anh hãy tự trách mình” ấy. Đã “đi sai đường” lạc lối lại
còn…
Đoạn thanh minh của người vợ với chồng trong vở ca kịch trên
chính là nguyên văn của bài dân ca “Giận mà thương” mà lâu nay chúng ta được
nghe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét