Có những tên làng rất nho nhã, nhưng cũng có những tên mới
nghe người đang buồn cũng phải phì cười. Lại có những tên làng mà nói đến, đàn
ông thì hả hê, đàn bà che mặt xấu hổ, tạm gọi là những tên làng kỳ dị…
Chuyện làng Trinh Tiết
Trên đường vãn cảnh Chùa Hương, ngang qua xã Đại Hưng, huyện
Mỹ Đức (Hà Nội), sẽ dễ dàng bắt gặp một cái cổng làng sơn vàng, mái cong. Cổng
được xây dựng khá công phu và hoành tráng, trên cổng đắp hàng chữ to mang tên
“Làng văn hóa Trinh Tiết”.
Lần đầu tiên khi thấy tên ngôi làng này, anh đồng nghiệp đi
cùng tôi đã ôm bụng cười rũ rượi đến nỗi tí nữa thì va vào xe của người đi bên
cạnh. Xã hội phong kiến xưa kia nặng về quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân” và
rất coi thường phụ nữ, những công việc trọng đại ở làng xã “phàm” phụ nữ không
được tham gia. Ấy thế mà cả mấy nghìn dân ở nơi này lại lấy chữ trinh tiết, những
từ ngữ nhạy cảm về người con gái làm tên của làng mình.
Buồn cười vì lạ vậy thôi chứ đi tìm hiểu về gốc rễ việc đặt
tên làng này mới thấy cũng khá thâm sâu. Theo người dân địa phương, làng vốn có
tên là Bối Lang, sau đó lại đổi thành làng Sêu, nổi tiếng khắp vùng vì có nhiều
cô gái xinh đẹp, dịu dàng, đảm đang.
Tương truyền người mẹ của Thành Hoàng làng Triệu Quốc Bảo là
một phụ nữ nhan sắc tuyệt trần. Sau khi sinh hạ con trai thì người chồng qua đời.
Kể từ đó, bà ở vậy một mình thờ chồng nuôi con. Dung nhan xinh đẹp lại phải sớm
chịu cảnh mẹ góa con côi nên trong làng có rất nhiều chàng trai giàu có đến ngỏ
lời cầu hôn nhưng đều bị bà từ chối.
Đến thế kỷ XI, khi Vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy
và được người dân nơi đây kể cho nghe câu chuyện về người phụ nữ thủ tiết thờ
chồng nuôi con thành tướng giỏi, Vua đã vô cùng xúc động. Nhà vua đã lập tức đổi
tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.
Tạm rời câu chuyện cảm động về làng Trinh Tiết, chúng ta ghé
về làng Tè. Làng Tè nằm tại xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, cách
trung tâm Thủ đô Hà Nội gần 80km. Không biết dụng ý của người xưa như thế nào
nhưng hễ nói đến từ “Tè”, không ít người dễ liên tưởng đến “cái của không thể
khoe”, hoặc hiểu là cái nhu cầu “giải quyết nỗi buồn” tất yếu mỗi ngày của con
người.
Khi giao du bên ngoài, được yêu cầu giới thiệu về quê quán của
mình, nhiều người dân làng Tè có lẽ cũng ngượng ngùng khó nói. Về nguồn gốc tên
làng, nữ Chủ tịch xã Song Vân lắc đầu không biết vì sao. Nghe đâu vì cái tên xấu
quá nên người dân đã nhiều lần kiến nghị được đổi. Vậy nhưng chẳng hiểu thế
nào, đến nay người làng Tè vẫn dùng tên cũ. Có lẽ nó đã gắn liền với tiềm thức,
với cuộc sống của người dân mất rồi. Nhắc đến làng Tè, lại nhớ đến làng Hố Giải
ở Chí Linh, Hải Dương.
Một cái tên làng cũng thuộc dạng kỳ dị bậc nhất Việt Nam là
thôn… Hành Lạc. Thôn Hành Lạc cách Thủ đô Hà Nội khoảng 40km. Thôn nằm trong địa
phận thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Từ Hà Nội, đi qua cầu
Thanh Trì hoặc cầu Long Biên sang đất Kiêu Kị của huyện Gia Lâm, làng Hành Lạc
cách Kiêu Kị chưa đến hai cây số.
Đến thôn Hành Lạc đúng là có nhiều chuyện khiến khách phải…
ngất ngây. Đây là một thôn thuần nông nhất thị trấn Như Quỳnh với khoảng hơn
4.000 dân. Dulichgo
Xưa, người Hành Lạc sinh sống bằng nghề nấu rượu. Người thôn
Lạc Đạo bên cạnh hay sang lấy rồi mang đi bán. Kể từ đó, khách hay nhắc đến rượu
Lạc Đạo chứ ít ai biết nguồn gốc sản phẩm là do người Hành Lạc nấu.
Lạ lùng hơn nữa, trước ở vùng này người dân còn có tục gọi
tên con gái là… “đĩ”. Cứ một hai gọi “đĩ” ơi về ăn cơm, “đĩ” ơi về ngủ, “đĩ” ơi về tắm…
Có một người bạn của ông phó thôn Hành Lạc từ miền Nam ra
mua men rượu, khi đã cơm no rượu say, bạn trong Nam mới “tây tây” mà hỏi rằng:
“Tôi đến lạ với làng các ông. Bao nhiêu cái tên hay không đặt, lại đi chọn cái
tên Hành Lạc. Nghe sao mà nó tục. Nghe sao mà nó… gợi mấy nơi ở Hải Phòng”.
“Người đen tối nên thấy cái gì cũng nghĩ đến điều đen tối” -
ông trưởng thôn Hành Lạc vừa nói vui như vậy, vừa để cảnh cáo những người có ý
nghĩ không tốt về cái tên đầy tự hào của làng.
Để minh chứng câu nói của mình, ông kể rõ ràng lịch sử ra đời
tên làng mình: “Hành Lạc trước vốn là bãi bồi sông Hồng nhưng sau đó có bốn họ
Nguyễn, Vũ, Ngô, Trần về đây lập nghiệp rồi đặt tên là trang Bình Lạc, sau đó lại
đổi tên thành thôn Hòa Lạc, nghĩa là bốn họ cùng vui chung. Đến giai đoạn kháng
chiến chống Mỹ, có lệnh phải đổi tên làng nên các cụ đã đổi từ Hòa Lạc thành
Hành Lạc. Hành Lạc theo ý các cụ là đi trên đường vui”. Còn từ “đĩ” dùng gọi
con gái xuất phát từ quan niệm gọi tên xấu nuôi con cho dễ của người xưa.
Mỗi lần nghe một tên làng gợi những liên tưởng “nhạy cảm”,
người viết bất giác nhớ câu nói của vị trưởng thôn Hành Lạc: “Người đen tối nên thấy cái gì cũng nghĩ đến
điều đen tối”.
Theo Thu Trang (Báo Pháp Luật)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét