Bây giờ, đã thành quy định chính thức, nước ta ít nhất một năm một lần cả xã hội đổ xô chăm chút cho một việc mà ai cũng trải qua, ai cũng phải làm như một việc bình thường, nhưng vì chúng ta biến nó thành bất thường nên nó vô cùng bất thường, ấy là thi cử..
Trước ngày thi mấy tháng thì đã rộn rịp lắm rồi, họp hành quán triệt các kiểu, khắp các cơ quan ban ngành đoàn thể đều quán triệt, học sinh phụ huynh càng quán triệt. Các cấp các ngành lên kế hoạch rồi xin và xuất ngân sách cho thi cử. Học sinh và phụ huynh thì cũng tính toán cho thi cử. Bán cái gì, dành bao nhiêu cho con đi thi... cả xã hội rùng rùng như trận mạc.
Rồi ngày thi đến. Sinh viên tình nguyện, cảnh sát giao thông, cảnh sát bảo vệ, các nhà trọ khách sạn, vườn hoa, ghế đá... rầm rập phục vụ thí sinh. Càng ngày việc phục vụ thí sinh càng cẩn thận, chu đáo. Chu đáo tới mức các cháu lớp 12 tưởng mình là... mẫu giáo. Những là đút cơm cho con, quạt mát cho con, đến xe ôm chở đến tận nơi, thậm chí cả xe cảnh sát, xe quân đội, tình nguyện viên che dù dắt qua đường, làm hành rào sống giữa trưa nắng bảo vệ thí sinh (còn ai bảo vệ SV tình nguyện thì chưa biết, bởi mới năm ngoái thì sinh viên tình nguyện này cũng là thí sinh?). Rồi là cơm miễn phí, nước miễn phí đưa tận tay, nhà dân mời về nghỉ, nấu cơm cho ăn vân vân đủ loại đủ kiểu. Thí sinh chỉ việc nhớ không mang điện thoại và phao vào phòng thi. Thế mà chúng vẫn mang, làm gì nhau. Bố mẹ vật vờ chờ, nhiều người bị đột quỵ, nhiều người bị tai nạn giao thông, có người té lầu... Tóm lại cả xã hội tham gia vào thi cử, trong khi, nếu coi là bình thường, thì đấy là việc của bọn học sinh lớp 12, học xong thì thi, như học lái xe vậy, có ai đấy đã ví von như thế, giản đơn và tiện lợi.
Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng, học xong lớp 12 thì cho các cháu thi ngay tại trường, cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Các cháu dùng chứng chỉ ấy thi hoặc đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Các trường này được giao quyền và chịu trách nhiệm với chất lượng đào tạo của mình, xã hội và người sử dụng lao động sẽ là nơi đánh giá chất lượng từng trường. Và như thế thì cách tuyển người vào các cơ quan nhà nước cũng phải khác trước. Sẽ không còn kiểu ngồi cộng điểm cộng bằng cấp các loại để tuyển mà không nhìn thấy người dự tuyển như hiện nay.
Lâu nay chúng ta học theo kiểu tầm chương trích cú, và thi cũng thế. Sở dĩ phao phiếc tràn lan bởi phương pháp học thụ động, học theo ý sách giáo khoa, ý thầy cô là chính, nói ra ngoài là trượt nên đã biến học sinh thành những con vẹt. Đấy là lối học bất bình đẳng, thầy là thế lực tối cao, học sinh chỉ có nghe và nhớ chứ không có liên hệ, phản biện… vậy nên giờ có ra đề kiểu mới, để học sinh vận dụng kiến thức, áp dụng vào đời sống, thì không chỉ trò chết mà thầy chấm cũng… lao đao.
Khổ quá, không chỉ là lời thán của các phụ huynh học sinh, mà của cả xã hội trong những ngày nóng bức này chứng kiến học trò đi thi, và không phải học trò thì phục vụ thi. Tôi là người ủng hộ con gái khi còn là sinh viên cứ đến hè là tham gia sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi, rồi sau đó là đi mùa hè xanh. Nhưng nhìn cái cảnh các cháu tình nguyện viên nắm tay nhau giữa trưa nắng bốn mươi độ làm cọc tiêu sống thì lại thấy nếu con gái còn tuổi chưa chắc đã ủng hộ cháu đi làm như thế. Nói lại bảo cái gì cũng ngoái về ngày xưa, nhưng đúng là ngày xưa, chúng tôi đi thi, một mình đi, một mo cơm, nhà sang thì có mấy con tôm kho, còn không thì cà muối, và rồi cũng nên người…
Giải phân cách sống |
Ngóng con .. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét