Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Trẻ con không được ăn thịt chó!

BBT Hoinhammit: Vừa qua thấy bà con chém gió tứ tung cả lên chiện phong cho bọn lít nhít chức "lớp trưởng" với lị "chủ tịch" như thế lào, hợp ní hay không, sự cần thiết ra làm sao các kiểu đến điếc hết cả chin. Thực sự là nản vì cải cách đấu khẩu với cãi nhau lằng nhằng mờ khung mấy ai chịu ngâm cứu quả xem cải cách thực sự nó thay đổi như thế nào, thành ra toàn chém gió lưng cà tưng nhọc ngài. Nay vớ được bài hay hay lại gần gũi như chiện thịt chó với cuốc lủi nên nó dễ hiểu cho bà con mình, BBT chôm lại cho bà con ngâm cứu tí đầu tuần gọi là nạ.
1- Thịt chó.
Trước khi Dự thảo điều lệ trường tiểu học, trong đó có chức danh “Chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng tự quản” được đưa ra để lấy ý kiến, thì từ năm 2012, mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva) đã được triển khai.

Mô hình VNEN lấy trung tâm là học sinh tiểu học và mọi phần tử xung quanh đều hướng đến việc kích thích tính độc lập và sáng tạo của trẻ em. 

Dự án này do Quỹ hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ không hoàn lại (84,6 triệu USD giai đoạn 2011-2015). Trên thực tế, mô hình VNEN đã được triển khai từ năm học 2012 - 2013 ở 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu là các trường ở vùng khó khăn, đến nay đã nhân rộng thí điểm ở 2.500 trường tiểu học, trong đó có 1.039 trường tự nguyện áp dụng.

Tuy vậy, hiện đang có những luồng ý kiến khác nhau về các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng tự quản trong một lớp tiểu học.

Có người cho rằng đó là việc không thiết thực, “thừa giấy vẽ voi”, bắt trẻ con ganh đua chức tước từ sớm.

Rồi do bản thân người lớn thấy các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch có quyền hành lớn, rất là “oai” nên sợ các cháu có thể bị nhiễm tư tưởng tự mãn, tự cao tự đại vì “những chức danh cứng cỏi vô hồn ấy".

Có người còn hình dung ra chuyện “chủ tịch ỉa đùn” để dèm pha. Riêng ông giáo Sử đang đang đòi dịch ngược hai chữ "chủ tịch" thành "tổng thống" để xin can.

Chưa thấy ai thắc mắc về chuyện khác, chẳng hạn mối quan hệ truyền thống giữa giáo viên - học sinh có bị phá vỡ không, khi thay vào đó là Hội đồng tự quản.

Tựu trung, các phản ứng cũng chỉ xoay quanh chuyện chữ nghĩa, “chủ tịch” hay là “lớp trưởng”, những người phản đối cho rằng chức “chủ tịch” với học sinh tiểu học thì “oai” và “quan cách” quá và ... nên cấm.
Trẻ con, tốt nhất là đừng có ăn thịt chó (?).

Lớp học tự quản
2- Lớp trưởng hay "lớp choảng"?
Ngày còn bé đi học, lần đầu tiên mình biết đến bạn lớp trưởng là năm học lớp Hai (lớp Một trốn không học). Nhờ cô giáo lớp Hai phân công mà bạn này trở thành một lớp trưởng “chuyên nghiệp”, bắt đầu từ năm 8 tuổi. Bạn làm lớp trưởng luôn đến ba năm, sau mình đi sơ tán bom Mỹ đợt 2 về học lại cấp ba với nhau, thì vẫn bạn ấy làm lớp trưởng, lại kiêm bí thư chi đoàn. Quyền lớn lắm, bạn ấy có quyền xem xét kết nạp đoàn viên. Mà hồi ấy, nếu không phải là đoàn viên thì đừng có thi vào đại học cho mất công.

Sau này đi làm, gặp nhau, bạn dẫn mình ra phố Cấm Chỉ uống rượu. Tự bạn buồn buồn nhắc chuyện cũ, ân hận vì đã quá khắt khe trong việc kết nạp đoàn một bạn khác trong lớp (mình thuộc loại “thanh niên chậm tiến” được hưởng “ân huệ” vào năm cuối). Còn mình thì thương bạn những lúc bạn đứng trước lớp, móm mém nửa mếu nửa cười vì bạn bản tính nghịch như quỷ sứ, mà vẫn phải cố ém nụ cười phía sau cái áo cán bộ lớp nghiêm trang và quá khổ, mà thương thay, những ngần ấy năm. Cũng chả hỏi sau này, học đại học, bạn có được (hay bị) làm lớp trưởng nữa hay không.

3- Bây giờ thì sao?
Mới cách đây chưa tới nửa năm, tại trường Lý Tự Trọng, Trà Vinh, bạn lớp trưởng một lớp Bẩy chỉ đạo 18 bạn trong lớp dùng ghế đánh một bạn khác, lý do rất đơn giản là do “nó không nghe lời của lớp trưởng” (bắt đi mua đồ ăn). Sau khi đánh bạn xong, bạn lớp trưởng còn tiếp tục hăm dọa nên nạn nhân không dám hé môi kể lại sự việc với thầy cô và gia đình. Sự việc chỉ được phát giác hơn hai tháng sau, khi một clip do một học sinh khác quay phim và đưa lên mạng.

Như vậy, từ trước tới giờ, chức vụ “lớp trưởng” không những vừa “oai” mà vừa còn có tiềm năng trở thành nhà “độc tài”, dẫu có thể là do ý thức chưa đủ độ chín.

Thứ trưởng Bộ GD, Bùi Văn Ga hỏi thăm thí sinh thi TN PTTH
4- Chủ tịch hay chủ xị?
Ở miền Tây, nơi dòng chảy văn hóa dân dã Việt, Miên, Hoa giao hòa tới cả bàn nhậu, trong cuộc uống xoay tua, bao giờ cũng có một người giữ chức “chủ xị”. Ông/bà này cầm chai, rót rượu chuyền đến từng người và tất nhiên không được phép “quên mình”.

Chức “chủ xị” có khi được cử (do uy tín hoặc tuổi tác) và cũng có khi được bầu tại chỗ, với nhiệm vụ điều hành cuộc nhậu đảm bảo tính dân chủ. Vì thế, "chủ xị" phải trước hết là người “chịu chơi”, biết phân phối công bằng, biết thưởng phạt phân minh, lại phải biết giải quyết khiếu nại. Có khi “chủ xị” phải uống đỡ cho người tửu lượng kém hơn, vậy mà nếu rót không đều hoặc lỡ ăn gian bị bắt thì “chủ xị” sẽ bị mọi người “phạt”, nặng hơn thì bị truất quyền tại chỗ, người khác lên thay.

Xem ra, đó là một tập tục dân dã rất xứng đáng được bảo tồn và nhân rộng.
Có người bảo chữ “xị” có nguồn gốc từ cái chai “xá xị” (một loại nước ngọt) có dung tích khoảng 0,25 lít mà ra.

Nhưng không hẳn như vậy, chức “chủ xị” trong tiệc nhậu miền Tây chính là chức “chủ chiếu”, vì ngày xưa dân ta thường tổ chức tiệc tùng trên chiếu, chứ không trên bàn ăn như bây giờ.

“Chủ chiếu”, gọi một cách trang trọng thì là “chủ tịch” (vì “tịch” có nghĩa là cái chiếu, chữ Hán). Chữ “chủ tịch”, người Hoa họ phát âm là “chủ xị” hoặc "chủ xỉ" (zhủ xí). Vì thế trên chiếu nhậu mới có ông "chủ xị".

Với mô hình VNEN, Hội đồng tự quản là một tổ chức của học sinh, vì học sinh, do học sinh bầu ra, nó là một công cụ để các em thực hiện tự quản. Nó giảm đi tính ỷ lại và tăng cường tính tự chủ cho các em, thế thôi.

Điều quan trọng, là nó hướng các em tiếp cận với khái niệm “dân chủ”.

Bạn muốn được làm “chủ tịch” ư? Đầu tiên, bạn phải có uy tín, tức là phải giỏi hơn tớ - đó là việc riêng, rồi bạn lại phải giỏi lo việc chung cho cả lớp, bạn phải thuyết phục chúng tớ bằng “cương lĩnh hoạt động” và bạn lại phải biết diễn thuyết trước đám đông trong lớp.

Bạn hứa rồi nhé, hè năm nay cả lớp đi tham quan Hạ Long, bạn thắng cử là nhờ bạn có bà ngoại ở đó.

Rồi sau đó bạn phải khởi động cả hệ thống từ thầy cô cho đến các bố các mẹ, họ sẽ thực hiện đề xuất của chúng ta.

Bạn phải chủ động mọi việc còn cô chỉ là cố vấn thôi.

Năm nay, bạn làm chủ tịch và sang năm hoàn toàn có thể đến lượt tớ hay ai đó làm chủ tịch.

Như vậy hai chữ “chủ tịch” thì có gì gọi là “oai quá” và vì thế, chả có lý do gì để bắt con cháu chúng ta phải “kiêng khem”?

Về hai chữ "chủ xị", hồi bé, kẻ viết bài này đã từng “Mao chủ xỉ oan xây”để xin huy hiệu phục vụ cho sự nghiệp đánh đáo và khi đó, người cho là các tôồng chí bạn vẫn định khuyến mãi thêm cả cuốn “Mao chủ xỉ ỉa lu”, tức là cuốn bìa đỏ “Mao chủ tịch ngữ lục” (tên gọi khác là Trước tác Mao Trạch Đông).

Đã ỉa đùn thì “lớp trưởng” hay “chủ tịch” cũng cứ ỉa đùn, có sao đâu. Đấy, “Mao chủ xị” cũng “ỉa lu” kia kìa. 

Và hãy nhìn những người đã và đang lãnh đạo nước Mỹ, chẳng phải họ đã được rèn luyện để có năng lực hoạt động cộng đồng từ lúc còn là trẻ con, biết tự tin và biết dẫn dắt, bắt đầu từ cái đám "ỉa đùn" quanh mình?

Những ai còn sợ hãi hai chữ “chủ tịch” thì hãy hiểu đơn giản, nghĩa của nó chỉ là “chủ chiếu”, còn không thì cứ gọi các cháu là “chủ xị” cho nó bình dân.

Chứ đừng hô khẩu hiệu suông: Trẻ con không được ăn thịt chó!

----------------------
Phụ lục:
Năm 2013, Cố vấn cấp cao về giáo dục của tổ chức USAID (Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ) ở châu Phi, bà Koli Banik đã có một báo cáo đánh giá tính khả quan về việc triển khai dự án mô hình trường học sáng tạo tại một số trường học ở Việt Nam. Báo cáo này có tên: "Từ Colombia đến Việt Nam: Thành công của một mô hình trường học sáng tạo".

Báo cáo có đoạn viết:
“Hãy để tôi nhấn mạnh một vài phát hiện từ các trường VNEN:

- Học sinh không còn ngồi đối diện với giáo viên và được giảng dạy bởi giáo viên nữa. Giờ đây, các em ngồi theo nhóm 4-6 người ở bàn và giáo viên đi lại thảo luận giữa các nhóm. Mỗi bàn có một học sinh đứng đầu, giúp những học sinh còn lại bắt đầu thảo luận và làm việc nhóm.

- Cách tiếp cận mô hình VNEN giúp thúc đẩy các nhóm nhỏ học tập và giải quyết vấn đề dưới sự giúp đỡ, phát triển thái độ tích cực lâu dài. Chẳng hạn sẽ tác động đến khả năng sáng tạo, sáng kiến, lòng tự trọng, tự chủ, trách nhiệm, kỹ năng truyền thông và xã hội, và sự tự tin.

- Trường học VNEN cố gắng để cung cấp cho trẻ cơ hội học tập nhiều hơn tại trường. Họ tạo cho trẻ em những bức tường đầy màu sắc, giúp trẻ phát huy thành tựu xuất phát trong nội lực và thể hiện điều đó cho công chúng nhìn nhận. Họ mở cửa trường học để cộng đồng cùng tham gia, có các góc cộng đồng trong từng lớp học. Các học sinh trong hội đồng này sẽ tổ chức các cuộc bầu cử, và vì vậy, tất cả học sinh đều có cơ hội trở thành lãnh đạo.

- Cách tiếp cận mô hình VNEN đòi hỏi sự linh động của giáo viên thông qua việc chia sẻ thông tin thường xuyên hơn, đặc biệt là đối với các giáo viên có hiệu suất dạy học thấp.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục Việt Nam vui mừng với mô hình VNEN, và tôi tự hào về thành tích ban đầu của nó. Hiện nay, dự án đang thí điểm tài liệu cho 6 cấp lớp học, và cho thấy nó thích hợp với mô hình trường trung học cơ sở. Bộ Giáo dục hy vọng rằng mô hình VNEN sẽ là một phần của chương trình cải cách giáo dục của chính phủ, thay đổi sinh viên Việt Nam trở thành các nhà tư tưởng sáng tạo và chủ động trong tương lai....”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét