(Blog Đào Tuấn) - Trong
cuốn sách gây tranh cãi “Sát thủ đầu mưng mủ”, một “biểu dương lực lượng” của
ngôn ngữ tuổi teen thời @, có một câu khiến người lớn phải suy nghĩ “Không mày
đố thầy dạy ai”.
Đã có sự hoán đổi quan trọng vị thế của thầy, và trò
trong câu thành ngữ thời @ này. Dường như, càng ngày hình ảnh người thầy càng
ít long lanh và khả kính hơn trong mắt một bộ phận giới trẻ, dù chúng ta thường
chặc lưỡi rằng chúng chỉ là một bộ phận thiếu giáo
dục, hoặc thậm chí hư hỏng.
Bốn năm trước, sau vụ một học sinh ở Tam Nông, Phú Thọ
uống thuốc sâu tự tử vì không chịu nổi nối nhục bị cô giáo “khám xét toàn thân
trước cả lớp” vì nghi ăn cắp 100 ngàn đồng, dư luận đã đặt ra vấn đề về cần
thay đổi quan niệm “Gõ đầu trẻ”. Trên báo, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng
Huỳnh Mai tâm sự bà không thể quên hình ảnh một người thầy đã dùng thước lim
đánh toạc đầu học sinh.
Chiếc thước kẻ, từng gắn với quan niệm truyền thống
về những ông đồ “gõ đầu trẻ”, từ lâu đã không thuần tuý chỉ là công cụ đo lường
chuẩn mực, nó đã trở thành công cụ trừng phạt.
Năm 2008, một học trò ở Mỹ Tho, Tiền Giang đã bị
thầy giáo đánh gãy tay. Bằng thước, tất nhiên.
Rồi ở Hải Dương, cô giáo dung thước lệnh (cây ăng
ten) quật vào đầu học sinh. Cây thước vô tình gãy. Đầu thước vô tình cắm thẳng
vào mắt cậu học trò. Và, cái này thì không vô tình, cậu trò nhỏ bị mù con mắt.
Báo chí mấy hôm nay đưa rất đậm câu chuyện một cô
giáo ở Huế, bắt hàng chục học sinh, bất phân nam nữ, bất kể sức khỏe bình
thường hay “không bình thường lắm”, nằm lên bàn để đánh. Lần này thay vì thước,
công cụ là cái cán chổi.
Dù chổi hay thước thì trong mọi trường hợp chỉ có
thể hiểu nó hiện hữu như là phương tiện để củng cố vị thế tối cao của người
thầy trong nhà trường.
Dư luận hẳn cũng chưa quên sau vụ việc clip “cô giáo
nhục mạ học trò suốt 18 phút” được tung lên Internet, Sở GD và ĐT Hải Phòng ra
quyết định cấm học sinh được dùng máy ghi âm trong lớp.
Dùng thước, hoặc chổi đánh học sinh, hay cấm ghi âm,
đang chỉ thể hiện sự bất lực của người thầy và lớn hơn, của cả ngành giáo dục
trong việc củng cố vị thế người thầy trong mắt học trò, một vị thế mà quan niệm
truyền thống phương đông còn xếp trên cả bậc có công sinh thành dưỡng dục, vì
người thầy có công dạy dỗ kiến thức, và đạo lý làm người.
Khi vụ đánh đập học trò ở Huế xảy ra, có nhiều người
tỏ ra thông cảm cho việc cô giáo đánh học trò, rằng: Đánh là để…giáo dục, đánh
là để học trò…đi lên.
Có người còn trách báo chí đã làm toáng lên những
câu chuyện không hay ho về người thầy, dù đó chỉ là thiểu số, là những con sâu,
vô hình chung làm ảnh hưởng đến hình ảnh thiêng liêng về người thầy trong con
mắt học trò.
Nhưng chưa bao giờ, lại có nhiều sâu trong giáo dục
như bây giờ. Và ngẫm ra, việc đưa những vụ “Cái thước” ra trước dư luận, thực
ra, chỉ là hình thức tự vệ của những người không có khả năng tự vệ, để bảo vệ
danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sức khoẻ tính mạng của mình trước những…người
thầy.
Trên mạng, đã có một giai thoại mà đằng sau những nụ
cười là một những thực tế chua chát: “Đi nhà trẻ thì bị bảo mẫu Trần Thị Phụng
tắm kiểu bạo hành. Lớn lên thì làm học trò thầy Sầm Đức Xương. Vào đại học thì
gặp thầy Đỗ Tư Đông..”. Bạo lực học đường, giờ hoàn toàn không chỉ là chuyện
học trò đánh nhau lột áo quay clip nữa.
Sẽ không ai có thể bảo vệ các thày cô giáo thay cho
chính họ, bằng sự mực thước. Và đời nào cũng vậy, sự mực thước không bao giờ có
thể tạo dựng được bằng những cái thước./.
Hình minh họa & tiêu đề: BBT Hoinhammit
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét