Cua đồng (giam) |
(Báo Hà Tĩnh) - Khi những đợt nắng nóng mùa hè đã hạ nhiệt bởi những
luồng heo may mang theo hơi sương lành lạnh, ấy là lúc những đàn cua đồng theo
nhau bò ra khỏi ổ kiếm mồi ăn và sinh sản.
Chính cũng trong thời điểm ấy những con vật ký sinh, trốn
nóng trong chiếc mai cứng cáp cũng đã lần lượt rời thân cua ra ngoài sinh sống.
Chẳng những thế mà khoảng cữ cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch là con
nào con ấy béo ngậy, vàng hươm màu gạch. Người nông dân lại được đồng quê đãi ngộ cho một mùa thực phẩm mới...
nào con ấy béo ngậy, vàng hươm màu gạch. Người nông dân lại được đồng quê đãi ngộ cho một mùa thực phẩm mới...
Từ cua đồng, người ta có thể chế biến được rất nhiều món, món
nào cũng rất ngon và đậm đà hương đồng ruộng. Cua đồng rang muối, lẩu cua đồng,
canh cua nấu với rau khoai lang, rau cải, măng rừng, bún cua… đều đã làm nên
những món ăn mang hương vị riêng biệt đầy hấp dẫn trong ẩm thực Việt Nam. Những
món ấy hầu như người dân vùng quê nào cũng biết ăn, biết làm. Riêng có một món
mà chỉ một số nơi như Hương Sơn, Đức Thọ, Thạch Hà…đã “sáng chế” và duy trì đến
tận bây giờ - mắm cua. Nếu như nhiều loại mắm được làm bán rộng rãi thì mắm cua
lại chỉ giới hạn trong từng gia đình. Quê tôi, mỗi mùa cua về là hộ nông dân
nào cũng tự đi bắt cua và làm một bình mắm cua để dùng dần trong suốt mùa rét.
Bắt cua (giam) |
Mắm cua được làm chủ yếu từ cua đồng và 1 số phụ gia khác như
thính ngô, riềng, hạt tiêu, hành tăm, nghệ và đặc biệt là phải có vỏ quả tắt
(một loại quýt rừng có mùi rất thơm). Chẳng biết ai đã nghĩ ra cách cho vỏ tắt
vào mắm cua nhưng quả là cách phối hợp rất mang lại hiệu quả rất cao. Và cũng
thật kỳ lạ là tắt lại chín đúng vào thời điểm mùa cua béo rộ. Quy trình làm mắm
cua cũng lắm công phu. Sau khi rửa sạch cua là công đoạn bóc yếm, bóc mai, lấy
gạch cua và giã. Cua phải được giã bằng tay rồi lọc lấy nước mới ngon. Sau khi
đã lọc xong thì pha chế với muối trắng, thính ngô đã được rang, giã nhỏ và một
ít vỏ tắt, riềng, hành tăm giã nhuyễn. Mắm cua được cho vào hũ sành hoặc bình sứ,
đậy kín rồi đặt cạnh bếp củi. Sau khoảng 7 ngày là đã dậy lên đầy đủ hương vị
của đồng quê với vị ngọt của thịt cua, vị béo của gạch cua và mùi thơm của các
loại phụ gia. Mắm cua có thể dùng nguyên như thế hoặc một số người lại chế biến
thêm lần nữa bằng cách chưng lên với tỏi, hành phi mỡ. Bằng cách nào thì mắm
cua cũng rất thơm ngon và có thể dùng với cơm nóng và rất nhiều loại rau luộc
như: ngọn khoai lang, rau cải, rau mùng tơi...Thế nên, những ai đã thưởng thức,
đã trót mê hương vị của loại mắm này thì sẽ nhớ đến tận mùa sau.
Mắm cua đồng |
Từ hồi thôi làm ruộng, năm nào mẹ tôi cũng mua vài yến cua về
làm mắm, một phần để ăn và một phần để biếu anh em, bạn bè. Vì thế nên bếp củi
vẫn được mẹ giữ lại. Mắm cua do mẹ tôi làm rất ngon, thịt cua không quá nhiều
nên không bị chát, thính mẹ rang đều tay, độ cháy vừa phải nên thơm mà không
đắng, muối cũng nêm vừa độ giữ cho mắm không bị chua mà lại không quá mặn… Mắm
cua thành phẩm vừa thơm vừa có màu nâu đậm, sánh váng gạch cua…Năm nay, những
chiếc hũ sành sứ nhà tôi đã được làm nhiệm vụ quen thuộc của mình, chúng nằm
yên bên bếp lửa ấm áp mà như đã chạy khắp đồng quê gom về những mùi thơm đặc
trưng. Mỗi lần làm mắm cua mẹ lại nhắc nhớ một thời đói khổ, mùa lạnh đi làm
đồng về thèm một bữa cơm Chăm chan mắm cua mà không có nổi bát gạo để nấu toàn phải
ăn cơm độn sắn. Còn tôi, cứ mỗi mùa cua đến lại chênh chao nhớ những ngày mùa
đông theo bạn bè lội bì bõm qua các bờ đồng, bờ thửa, thò tay vào tận hang để
bắt đầy những oi cua đồng mang về cho mẹ.
Tôi cũng đã mang mắm cua biếu nhiều người, có những người ăn chỉ
để thưởng thức một loại thực phẩm thơm ngon, có người lại dùng để hoài niệm
những tháng ngày xưa cũ, để nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ anh em, bạn bè, nhớ chính mình
của một thời thiếu thốn… Mắm cua vì thế cũng đã vượt lên trên giá trị đơn thuần
của một món ăn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét