Cô dâu & chú rể thời bao cấp |
Vào thời kỳ bao cấp, để có một comple chỉn chu là điều cực
kỳ khó khăn. Do vậy, số đông muốn chút "lịch lãm quý ông" thì chỉ có
nước đi mượn!
Trong thời kỳ bao cấp, cái ăn cái mặc chẳng có, một chiếc áo may ô hay sơ-mi
lành lặn đã thuộc loại sang lắm rồi, có mấy ai dám mơ đến một bộ "củ"
(tên dân dã dùng để gọi comple). Vì vậy, trong những ngày trọng đại hay cần
kíp, muốn sang trọng, lịch lãm thì phương án duy nhất là ... đi mượn.
Đám cưới nhà giàu |
Ngày ấy, phần lớn chú rể đều chỉ mặc quần âu, áo sơ mi trắng
"cắm thùng", đi dép xăng đan. Muốn "diện", thì phải đi mượn,
và có khi phải qua nhiều cầu mới mượn được một bộ vừa người.
Xong comple lại lo giày. Giày xấu đẹp hay màu gì cũng được
miễn là phải vừa chân, nếu chật thì khốn khổ. Do ngày ấy hiếm xi nên có người
lấy dầu lạc đánh cho bóng và lúc chuẩn bị quần áo giày dép đi đón dâu mới biết
kiến xơi hết phần dầu để lại các vết lỗ chỗ trên mặt da. Dẫu sao, chú rể vẫn cứ
là "oách", là "lung linh", khi sánh cạnh cô dâu mặc áo dài,
hay chỉ là áo sơ mi trắng cổ lá sen.
Oách như cán bộ
Kể cả cán bộ được đi công tác nước ngoài, không phải ai cũng
có comple. Muốn có một bộ trang phục chỉn chu, họ thường phải lên phố Hàng Bột
để mượn. Ở đó có một cái kho của Bộ Tài chính, chứa khoảng vài trăm
bộ comple may sẵn các cỡ, đa số là màu tím than hoặc màu xanh cổ vịt, bằng
khaki hoặc dạ, viện trợ của Mông Cổ hoặc Trung Quốc.
Tất cả những bộ đó đều được dùng lá trầu không để in một chữ
"Kho" to đùng ở lưng quần và miệng túi áo trong. Do chưa có công nghệ
giặt khô như bây giờ nên sau một đợt công tác, mọi người lại vo viên cho vào
vali, nộp lại kho và bộ nào cũng nhăn nhúm.
Ngoài bộ comple, bộ sậu còn được mượn thêm cả một cái cà vạt
(cũng nhăm nhúm nốt, vì không phải ai cũng biết thắt), một cái vali có khung
đóng bằng gỗ, bọc vải giả da nặng đúng 4.5kg.
Trang phục thường ngày bao cấp |
Hầu hết các bộ comple đều được đóng dấu chữ "Kho",
vì vậy mới có chuyện vui rằng:
Có một đoàn ngoại giao 5 người, khi đến Liên Xô, việc đầu
tiên sau khi nhận phòng là trút bộ comple ra để giặt là cho phẳng phiu. Đến
chiều bà phục vụ đi các phòng gõ cửa, mồm luôn gọi (Ta - vơ - rít ) Kho có
nghĩa là "Đồng chí Kho" vì cả 5 bộ đưa đi giặt đều có chữ KHO. Bà
không biết trả cho ai, và bà nghĩ rằng cái tên Kho chắc hẳn là một cái tên rất
phổ biến ở Việt Nam
vậy. Một cán bộ đành phải biến báo nói với bà rằng cứ để ở phòng tôi rồi sau đó
gọi 4 vị còn lại đến thử quần áo nhận về.
Một thời kỳ bao cấp khó khăn về kinh tế, chính vì vậy, khi
ấy, sự lịch lãm của một người đàn ông thật hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào cách
hành xử của anh ta, thay vì những bộ cánh phù phiếm bên ngoài.
Dẫu sao, chính nhờ thời kỳ khó khăn ấy, mà mỗi người lại có
kỷ niệm đẹp và đáng nhớ hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét