Bà Tố Hoa, PGĐ Sở Nội vụ Hà Tĩnh |
Theo Vietnamnet - Có một thực tế, con số thừa gần
1000 giáo viên tại Hà Tĩnh chỉ có ý nghĩa về số liệu. Thừa vậy nhưng nhiều
trường vẫn thiếu giáo viên trầm trọng, phải hợp đồng ngoài để dạy...
Thừa ảo, lãng phí thật
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số giáo viên dôi dư do Sở GD-ĐT công bố lên đến
700 người nhưng thực tế con số thừa này chỉ là tượng trưng, thừa ảo - không có
danh sách thực.
Bà Phan Thị Tố Hoa, Phó GĐ Sở Nội vụ Hà Tĩnh thừa nhận đúng là có tình trạng
trên. Thừa ở đây phải hiểu theo kiểu “thừa định mức biên chế, giữa con số thực
tại với số được giao. Không có ai được xem là thừa, mặc dù con số là thật. Thế
nên sẽ không có ai được đưa vào danh sách dư thừa”.
Theo như lý giải của lãnh đạo Sở Nội vụ thì những năm vừa qua, do tình trạng
giảm sinh nên đã dẫn tới giảm lớp trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó việc sáp nhập các
trường học, điều chỉnh nội dung giảng dạy, giảm số tiết... nên đã dẫn tới số
viên chức giáo dục bị dư thừa ngày càng cao. Số thừa này trải đều trên toàn
tỉnh, ở vùng đô thị có mức cao hơn.
Thầy giáo Đinh Hữu Thường một mình dạy 4 lớp tại
Điểm trường
Bản Giàng 1 (xã Hương Lâm, Hương Khê).
|
Việc dư thừa giáo viên như thế đã dẫn tới việc các trường học trên có tình
trạng này phải điều chỉnh số tiết. Phân bổ đều số tiết trong tuần của các môn
học có giáo viên thừa. Số tiết dạy theo định mức của giáo viên sẽ bị bớt đi, và
chẳng có giáo viên nào không có việc.
Việc điều chỉnh tiết dạy trên đã dẫn tới nhiều chuyện bi hài.
Trò chuyện với chúng tôi, một giáo viên dạy cấp 3 lâu năm ở TP. Hà Tĩnh nói
rằng, việc điều chỉnh tiết dạy như vậy gây ra nhiều chuyện bức xúc. Thông
thường định mức số tiết dạy của giáo viên THPT là 18/tuần. Việc dôi dư giáo
viên khiến số tiết phải san ra. Có những giáo viên mỗi tuần chỉ dạy 6 tiết
(trung bình mỗi ngày 1 tiết).
Thế nhưng, những giáo viên dạy ít tiết này vẫn hưởng lương bình thường như
những giáo viên dạy đủ định mức 18 tiết/tuần khiến nhiều người cho rằng không
công bằng. Bởi vừa dạy ít, vừa có thời gian rảnh rỗi nhưng lương thì vẫn được
đảm bảo.
Bi hài hơn, có những trường sinh ra loại “tiết giám thị” để bổ sung số tiết cho
những giáo viên ít tiết dạy. Công việc là giáo viên các bộ môn đi giám sát các
hoạt động trong trường (vốn dĩ đã có bộ phận chuyên trách). Thế là từ 6 tiết
mỗi tuần, một số giáo viên được cộng thêm 3-4 “tiết giám thị”.
Mặc dù số liệu thừa giáo viên một cách... chung chung thế nhưng về kinh phí mỗi
năm chính quyền trả cho số dôi dư này thì không ảo tý nào. Theo ước tính của
lãnh đạo Sở Nội vụ, mỗi năm ngân sách lãng phí khoảng gần 50 tỷ tiền trả lương
cho số dư thừa này.
Dôi dư sẽ tăng thêm
Cũng chính vì việc không thể xác định danh sách dư thừa nên việc điều chuyển
giáo viên từ chỗ thừa qua chỗ thiếu rất khó thực hiện. Thực tế ở cơ sở vẫn đang
còn thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù. Không được tuyển thêm giáo viên, xin
điều chuyển trên tỉnh không được, các trường buộc phải thuê thêm giáo viên,
hoặc bố trí dạy trái chuyên môn như kiểu giáo viên Anh Văn đi dạy thể dục.
Giáo viên Anh Văn dạy thể dục ở huyện Thạch Hà.
|
Trò chuyện với chúng tôi, một lãnh đạo huyện H. cho biết, đầu năm qua huyện này
thiếu giáo viên tiểu học đứng lớp, do không được tuyển thêm nên buộc phải xin
tỉnh điều chuyển nơi khác đến. Tuy nhiên tỉnh cũng không thể điều chuyển được
vì chẳng có ai nằm trong danh sách thừa, thế nên trường thiếu GV phải hợp đồng
thêm để dạy.
Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho rằng, tình trạng trên là có, tuy nhiên để giải
quyết vấn đề này không hề đơn giản. Trước mắt tỉnh sẽ không tuyển thêm giáo
viên trong năm 2012 và dự kiển cả những năm tới. Các huyện phải linh hoạt trong
việc điều chuyển cho phù hợp với tình hình thực tế như việc điều chuyển giáo
viên THCS sang tiểu học...
Và với việc tỉnh không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên nên hàng trăm sinh viên
hệ sư phạm tốt nghiệp Đại học Hà Tĩnh năm nay (và những năm tới) sẽ không có cơ
hội được tuyển dụng trong ngành giáo dục ở Hà Tĩnh. Lãnh đạo Sở NV cho rằng,
thực tế này phải chấp nhận, sinh viên sư phạm nếu muốn làm đúng ngành phải tìm
việc ở địa phương khác.
Theo số liệu tại Sở Nội vụ Hà Tĩnh, năm học 2012, ngành giáo dục thừa 643 trong
biên chế, trong đó cấp THCS thừa 520 người, THPT thừa 123 người. Con cấp tiểu
học thì lại thiếu 99 giáo viên.
Với việc sáp nhập trường trên toàn tỉnh diễn ra trong thời gian tới, con số
viên chức “thừa” này dự kiến sẽ tăng lên 812 người trong năm 2013. Và theo như
tính toán của Sở Nội vụ thì đến năm 2015 trên toàn tỉnh sẽ giảm khoảng 111
trường các cấp. Và như thế lượng viên chức giáo dục bị thừa ra sẽ không dừng
lại.
Có ý kiến cho rằng, trong quy hoạch mạng lưới giáo dục ở Hà Tĩnh trong những
năm qua đã có sự hạn chế về tầm nhìn. Và cũng có ý kiến nói rằng, việc thừa
giáo viên nhiều như thế là do một thời gian đã tuyển dụng một cách ồ ạt mà
không tính đến việc giảm học sinh, trường và lớp tự nhiên...
Duy Tuấn - Trần Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét