Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Gánh hàng rong


A "chuối" đơi ...
Hoinhammit (25/5/2013): Chẳng biết từ lúc nào cái quang gánh lại từ quê ra phố và trở thành thân quen gần gũi đến thế. Nếu ai đã từng ra Hà Nội vài năm trước có thể ngơ ngẩn cả người vì những gánh hàng rong với đủ thứ những món hàng dân giã từ những gánh hàng hoa, gánh bún đậu mắm tôm, cốm xanh hay chỉ là vài ba trái cóc xoài ổi...  Cái hình ảnh ấy tuy bình dị, giản đơn nhưng cũng đầy gợi nhớ, lãng mạn giữa sự ồn ã của phố thị.  

Mua đê mấy eng, em còn phải ... chạy
 né mấy anh bên chánh q đơi
Nhưng rồi chẳng hiểu sao người ta cho rằng đó là sự quê mùa, xấu xí làm mất đi cái mỹ quan của đô thị văn minh tươi đẹp hiện đại. Và thế là cấm, cấm triệt để. Từ HN rồi nhiều TP khác các lực lượng chức năng được lệnh cứ thế dẹp, tich thu và thậm chí là phải giật gánh hàng rong từ tay chính chủ của nó để đảm bảo lệnh cấm được thực thi. Một hình ảnh không thể phản cảm hơn ở những đô thị được cho là văn minh nhất của cả nước. Rồi cũng chẳng biết thành phố có đẹp đẽ hơn, thu hút được thêm khách du lịch không nhưng có vẻ như nó mất đi cái rất riêng hoặc chí ít cũng là chút gì đó hồn cốt của người Việt. 

Theo Đời sống – Ngân hàng ADB vừa công bố dự án hỗ trợ cho người bán hàng rong, nhưng Hà Nội – thành phố nhiều hàng rong nhất nước - không có tên trong danh sách được hỗ trợ vì đã cấm từ lâu.

Thông tin trên tờ Thanh niên, ngày 22/5, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố dành số tiền 2,5 triệu USD (hơn 52 tỉ đồng) từ Quỹ giảm nghèo của Nhật Bản để xây dựng 3 khu chợ nhỏ  và hỗ trợ những người bán hàng rong tại 3 thành phố gồm thành phố Đông Hà (Việt Nam), Battambang (Campuchia) và Kaysone Phomvihane (Lào).

Mục tiêu dự án này đặt trọng tâm cụ thể vào việc hỗ trợ những phụ nữ bán hàng rong.

Dự án sẽ dành cho những người phụ nữ bán hàng rong một diện tích tại các khu chợ mới xây, giúp họ tiếp cận được những dịch vụ chăm sóc trẻ em hiện có của chính quyền địa phương để đảm bảo họ có thể mưu sinh một cách an toàn. Ước tính tương lai sẽ có 600 người bán hàng rong nghèo đủ điều kiện được hỗ trợ.


Đáng lẽ, ở Việt Nam, dự án này phải dành cho Hà Nội mới đúng, vì Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội của cả nước, còn là kinh đô của hàng rong, hàng vỉa hè. Nhưng vài năm trước, vì cho rằng hàng rong làm xấu hình ảnh Thủ đô, chính quyền Hà Nội đã ra lệnh cấm. Nhưng cấm rồi người dân nghèo vẫn phải bán, vì chính quyền không đưa ra giải pháp khác để giải quyết nhu cầu mưu sinh của họ. Và việc bán hàng rong chạy trốn công an đã là chuyện cơm bữa.

Thực tế hiện nay hàng rong vẫn nhiều, nhưng ADB cũng không thể hỗ trợ Hà Nội được, vì trên danh nghĩa là đã bị cấm từ lâu, và cấm rồi thì tất nhiên danh nghĩa là phải không còn, chẳng nhẽ lệnh của chính quyền mà không được thực thi nghiêm túc sao được. Một chính sách đưa ra thì không thể không mang lại hiệu quả gì. Và chắc chắn, trong báo cáo của các quận, phường sẽ không thể thiếu phần “đã dẹp bỏ nạn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị”.

Một mệnh lệnh hành chính được đưa ra khi tất cả cùng phản đối, cùng đặt vấn đề phải có chính sách hỗ trợ những người bán hàng rong chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng điều đó đã không hề có. Chỉ đơn giản, cấm là cấm, còn người nghèo chuyển làm cái gì thì đấy là việc của họ, đói thì tức khắc họ phải bò.

Còn với chính quyền, là cơ quan quản lý nhà nước, việc bán hàng rong làm mất mỹ quan đô thị, xấu hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, nên phải cấm, để ít ra trông cho văn minh, lịch sự hơn. Và cái sự văn minh, lịch sự đấy được điểm tô thêm phần nghiêm minh của pháp luật bằng cảnh công an phường, dân phòng đuổi, hàng rong chạy, rồi hai bên mỗi người một đầu gánh giằng đi kéo lại chẳng khác cảnh kéo co co trong hội làng là mấy.

Kể ra, với khách du lịch nước ngoài đấy cũng là một sự lạ lắm, rồi Tây họ sẽ quay ra hỏi nhau, Việt Nam quả là đất nước giàu văn hóa truyền thống, giữa phố phường tấp nập mà trò kéo co trong lễ hội dân gian xưa vẫn được diễn lại hằng ngày để mọi người cùng xem thì kể ra chỉ Việt Nam là một, văn hóa truyền thống đã được xã hội hóa triệt để đến thế là cùng.

Ngân hàng ADB hỗ trợ xây chợ cho hàng rong, còn Hà Nội, những khu chợ hiện đại, kết hợp trung tâm thương mại hoành tráng trên cái nền chợ cũ, với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mọc lên như nấm, nhưng chả ai vào bán, không người nào mua, giờ để không mặc gió mưa. Còn người trong chợ thì không bán được hàng lại rủ nhau ra vỉa hè lập chợ cóc, chất hàng lên xe đi bán rong. Thật là, ở đời lắm sự lạ, quý vị nói có phải không?
Phạm Thanh

Hoinhammit: Chương trình The Voice năm nay đã mở màn vòng đấu đầu tiên. Trong số các thí sinh dự thi có chàng trai Nguyễn Viết Văn, ku ni rất mộc mạc khi kể về hoàn cảnh nghèo khó của mình và mong ước dự thi The Voice phần thỏa mãn đam mê ca hát và phần muốn giúp đỡ gia đình vượt qua hoàn cảnh gia đình nghèo khó hiện tại. Có lẽ vậy nên anh đã thể hiện bài hát "gánh hàng rau" khá xuất sắc và tràn đầy tình cảm.
Bàn con có thể nghe và xem ở đây: Gánh hàng rong; Viết Văn thể hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét