Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Khi giang hồ bước lên bàn… nghị sự

Đào Tuấn
Giang hồ Chợ Lớn
Rất nhanh chóng, người ta đã tìm ra “nghi phạm” đã phát tán phim Bụi đời Chợ lớn lên mạng Internet, một hành vi mà đạo diễn Charlie Nguyễn, cũng rất “bụi đời”- mô tả trên…facebook là “bị sốc và đau buồn như có ai đang giết đứa con của mình”.

Bụi đời Chợ lớn đã bị cấm chiếu vĩnh viễn sau kết luận của Hội đồng duyệt phim rằng nó “chứa đựng yếu tố bạo lực, không phản ánh đúng hiện thực xã hội Việt Nam”.
Có lẽ, những “cảnh băng đảng xã hội đen ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán đẫm máu bằng dao, lưỡi lê trên đường phố, trong các ngõ hẻm của TP HCM mà tuyệt nhiên không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất cứ lực lượng xã hội nào”, khiến cho các vị đạo đức mũ cao áo dài trong Hội đồng cảm thấy sốc nặng.

Nhưng chuyện ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán đẫm máu…suy cho cùng, chỉ là một biểu hiện dễ thấy của một thế giới ngầm đang tồn tại trong lòng xã hội.

Xã hội chúng ta có giang hồ? có bụi đời? có xã hội đen? có băng nhóm không?

Câu trả lời xuất hiện với mật độ hàng ngày, trên mục pháp luật của các tờ báo.

Câu trả lời không phải chỉ từ ngoài đường phố.

Ngày hôm qua, trong một cuộc họp Chính phủ với quy mô toàn quốc, trước câu hỏi quyết liệt của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những điểm nóng cụ thể Quất Lâm (Nam Định), Đồ Sơn (Hải Phòng), Bình Thạnh (TP HCM) “trắng trợn như thế mà sao chúng ta không ra tay? Công an có biết chuyện này không?”. Phó Chủ tịch TP HCM Hứa Ngọc Thuận, trên Thanh Niên, đã nói một câu đáng chú ý và đầy ý nghĩa: “trong quá trình các đoàn công tác thực thi công vụ, có đối tượng giang hồ bám theo uy hiếp, đe dọa, thậm chí còn quăng mắm tôm khủng bố”!!! Tất nhiên, ông không nói là các đoàn thực thi công vụ sợ hãi trước sự đe dọa, khủng bố này.

Trước đó 3 hôm, cũng trong một cuộc họp cấp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cực kỳ thẳng thắn- nói về tình trạng “giang hồ cát cứ, xã hội đen, thế giới ngầm ở địa phương thâu tóm nguồn cung vật liệu xây dựng, vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền”. Bộ trưởng còn nói thêm rằng “Nguồn vật liệu khai thác tại chỗ, ở địa phương thì được cung cấp, còn đưa chỗ khác đến thì lực lượng này không cho vào hoặc nếu vào mà muốn mua được lại phải nộp tiền”.

Thật tình cờ, trong khi những người dân hả lòng hả dạ với sự thẳng thật của Bộ trưởng, thì y chang như phản ứng với phim Bụi đời Chợ lớn, một số địa phương ngay lập tức đã lên tiếng. Rằng “làm gì có chuyện đó”. Rằng “chưa nghe thấy”. Rằng “không nhận được đơn từ về vấn đề này”. Rằng “ không thấy biểu hiện”.
Bụi đời nhammit đang luyện tập

2 câu chuyện về giang hồ, về xã hội đen đang chứng thực nỗi lo toan của dân chúng. Một vị tư lệnh ngành nói thẳng nói thật về một hiện trạng xã hội. Một quan chức địa phương nại khó bằng “khủng bố mắm tôm”. Một vị phó chủ tịch Thành phố lớn nhất nước không thể nói dối. Một vị tư lệnh ngành không thể nói sai, về một hiện thực xã hội mà có khi, người ta không dám đưa lên phim. Nhưng từ lâu, người dân tay không tấc sắt đã phải đối mặt với “sự nghiêm trọng”, với nỗi bất an có tên là giang hồ, là xã hội đen, là băng nhóm ngầm, là…bụi đời này. Bởi khi đã dám “uy hiếp”, “đe dọa”, “khủng bố” nhà chức trách, những người thực thi công vụ với nhân danh pháp luật trên đầu, tay trái hình luật, tay phải còng số 8, thì câu chuyện không đơn thuần là việc những người dân không tấc sắt có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào. Mà còn là chuyện kỷ cương.

Bởi khoảng cách giữa 2 lần giang hồ, băng nhóm, xã hội đen với “uy hiếp”, “đe dọa”, “khủng bố”, “cát cứ”, “thế giới ngầm” và “thu tiền” không phải chỉ là vài ngày giữa 2 phát ngôn. Mà là khoảng cách giữa một đằng là việc nói thẳng về một hiện thực làm chậm tiến độ công trình xây dựng cấp quốc gia và một đằng dùng hiện thực để bao biện cho những khó khăn trong công tác quản lý mãi dâm ở một địa phương được coi là điểm nóng.

Trần đời mới có chuyện giang hồ, xã hội đen, băng nhóm và…bụi đời xuất hiện trên bàn nghị sự quốc gia như một sự cản trở đối với công việc nhà nước.

Và dường như người dân mong muốn cơ quan công quyền nhìn thẳng vào sự thật, để dẹp bỏ phần nào nỗi bất an đang treo lơ lửng trên đầu họ, hơn là cãi nhau xem có hay không có chuyện băng nhóm giang hồ thâu tóm, cãi nhau xem có phản ánh đúng hiện thực xã hội hay không. Bởi một nhà nước, ngoài việc không thể sử dụng xã hội đen trong các ứng xử với nhân dân thì cũng không thể dùng xã hội đen làm lý do biện minh cho sự lỏng lẻo trong quản lý. Một nhà nước không thể “sợ” xã hội đen. Và một nhà nước lại càng không thể che dấu hiện thực xã hội đen, giang hồ, băng nhóm, và…bụi đời- dù nó xuất hiện hàng ngày- chỉ để được cái tiếng là bình an.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét