Theo VnExpress
Anh hùng La Thị Tám ngày nay |
Anh hùng La Thị Tám, nhân vật trong bài hát nổi tiếng 'Người
con gái sông La' của nhạc sĩ Doãn Nho giờ đã là bà của đàn cháu nhỏ, nhưng ký
ức về những năm tháng chiến đấu vẫn vẹn nguyên trong bà.
Trong ngôi nhà nhỏ nằm ven con đường Nguyễn Biểu (TP Hà
Tĩnh), anh hùng La Thị Tám (63 tuổi) vừa lần tìm đống ảnh tư liệu,
vừa kể về thời hoa lửa của cuộc đời mình cùng những chiến công trên
vùng đất Đồng Lộc huyền thoại.
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, đông anh em, cha mất
sớm, La Thị Tám phải bỏ học giữa chừng. Năm 1967, theo bước chân của hai anh
trai, cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn, đôi mắt sắc lẹm viết quyết tâm thư
lên đường nhập ngũ. Cô được phân công về đơn vị C2 chủ lực thuộc ngành giao
thông vận tải Hà Tĩnh, tham gia đảm bảo giao thông thông suốt để chi viện kịp
thời sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc xã Đồng Lộc
(Can Lộc, Hà Tĩnh). Trong chiến tranh, Đồng Lộc luôn là túi bom, là tọa
độ chết với âm mưu huỷ diệt nhằm chặn đứt sự chi viện. Chỉ 240 ngày đêm từ
tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom
các loại, như: bom phá, bom nổ chậm, bom sát thương...
Nhiệm vụ của La Thị Tám là đứng trên một quả đồi cao,
phía trái của ngã ba Đồng Lộc vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng
bom trút xuống. Sau khi máy bay Mỹ vừa đi, La Thị Tám chạy xuống cắm tiêu đánh
dấu cho công binh đến phát nổ.
Người con gái sông La thủa ấy |
Với chiếc ống nhòm nhỏ, sau mỗi lần máy bay Mỹ ném bom,
La Thị Tám lại như con thoi chạy lên đồi căng mắt theo dõi quả nào phát
nổ, quả nào chưa và chạy xuống ngã ba Đồng Lộc để cắm cờ tiêu. Suốt
200 ngày đêm ròng rã, bàn chân bỏng rát và in thành vệt mòn qua những
bãi bom nổ chậm, La Thị Tám đã đếm và cắm tiêu được 1.205 quả.
Ngày 22/12/1969, La Thị Tám được phong tặng danh hiệu Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 20 tuổi. "Ngày đó, cả
Đồng Lộc là túi bom, nắng như đổ lửa, phải đếm bom và cắm tiêu,
chạy xuống, chạy lên liên tục ai cũng lo là bị say nắng không thể
tiếp tục công việc vào ngày mai, chứ không ai nghĩ đến cái chết bao
giờ. Cả một thế hệ đều nghĩ rằng, nếu có mất mát, hy sinh, ấy là vì tổ
quốc!”, bà Tám nhớ lại những ngày tháng đếm bom ở Đồng Lộc.
Nắng tháng 6, gió Lào thổi bỏng rát, giữa bom đạn mù
trời, hình ảnh người con gái dũng cảm tay cầm cờ đi cắm từng quả bom
trở thành biểu tượng chiến thắng của từng đoàn xe tải ra tiền
tuyến. La Thị Tám là đề tài của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo
chiến trường, cô trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách
mạng, nơi sự sống và cái chết mong manh trong gang tấc.
Năm 1970, trong một lần đi công tác, nhạc sĩ Doãn Nho đã tận
mắt nhìn thấy quả đồi nơi La Thị Tám hằng ngày đứng đếm bom. Từ cảm xúc về vùng
đất anh hùng này, bài hát Người con gái sông La ra đời và ca sĩ Tường
Vi là người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này với những giai điệu tha
thiết: “Em vừa 18 tròn đẹp như xuân sang/Em chiến thắng sức mạnh bạo tàn/Đạp
lên cái chết dáng em hiên ngang/Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam”.
Mùa đông năm 1970, khi nghe bài hát này qua sóng phát
thanh, La Thị Tám đã xúc động khóc: “Chiến công đó là của tập thể, của
đồng đội, những người con gái quân khu Bốn vốn kiên cường, bất khuất. Chiến
công ấy không phải là của riêng mình tôi".
Chiến tranh kết thúc, anh hùng La Thị Tám chuyển ngành,
lập gia đình với một người lính ở vùng núi Hà Linh, huyện Vũ Quang
rồi về công tác tại cơ quan Dân chính Đảng tỉnh Hà Tĩnh với nhiệm vụ
chủ yếu là giảng bài, nói chuyện trong các lớp học tìm hiểu về
Đảng, lớp Đảng viên mới. Cách đây ít năm, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức
chương trình ca nhạc "Âm vang sông La", anh hùng La Thị Tám được
hội ngộ với nhạc sĩ Doãn Nho. Theo bà, cuộc gặp đó đầy cảm động mà có lẽ trong
đời không bao giờ quên được.
Đời thường của anh hùng La Thị Tám |
Giờ đây người con gái Sông La đã là mẹ của những đứa
con thành đạt, bà của những đứa cháu ngoan hiền. Về hưu, sống mộc
mạc trong ngôi nhà ở thành phố Hà Tĩnh, bà Tám vẫn tích cực tham
gia hoạt động tập thể ở khối xóm. Nhắc đến thành tích trong chiến tranh,
bà giản dị chia sẻ: "Với thế hệ chúng tôi, vinh quang đều thuộc về
tập thể. Tôi chỉ may mắn được phong anh hùng. Cả thế hệ chúng tôi
đều là những người anh hùng. Anh hùng trong chiến đấu và anh hùng
giữa đời thường".
Nguyên Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét