Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Thành phố, quê nhà = vợ và mẹ

Đức Hoàng
Một góc Kỳ Khang 2013
Nếu bạn là một kẻ tha hương, thì quê nhà là mẹ, thành phố bạn đang sống là vợ, và bạn luôn có nguy cơ trở thành một người chồng tồi, một đứa con vô tâm.
“Bạn cũ ngồi than thở, nói ghét Sài Gòn lắm, chán Sài Gòn lắm, trời ơi, thèm ngồi giữa rơm rạ quê nhà lắm, nhớ bé Năm, bé Chín lắm. Lần nào gặp nhau thì cũng nói nội dung đó, có lúc người nghe bực quá bèn hỏi vặt vẹo, nhớ sao không về. Bạn tròn mắt, về sao được, con cái học hành ở đây, công việc ở đây, miếng ăn ở đây.

Nghĩ, thương thành phố, thấy thành phố sao giống cô vợ dại dột, sống với anh chồng thẳng thừng tôi không yêu cô, nhưng rồi đến bữa cơm, anh ta lại về nhà với vẻ mặt quạu đeo, đói meo, vợ vẫn mỉm cười dọn lên những món ăn ngon nhất mà cô có. Vừa ăn chồng vừa nói tôi không yêu cô. Ăn no anh chồng vẫn nói tôi không yêu cô. Cô nàng mù quáng chỉ thản nhiên mỉm cười, lo toan nấu nướng cho bữa chiều, bữa tối”
(trích “Yêu người ngóng núi”, Nguyễn Ngọc Tư)

Đấy là một căn bệnh phổ biến, cái bệnh rõ ràng là sống bám vào thành phố, chẳng rời bỏ được, nhưng cứ mở miệng ra là khó chịu, là than phiền, chê bôi, rồi hồi tưởng bất tận về quê hương tươi đẹp.
Chẳng phải riêng Sài Gòn, người ta rất khó yêu nơi không phải quê mình. Nhất là khi những đô thị ở ta còn nhiều chuyện xấu xí theo kiểu rất… đô thị, thứ mà ở quê chẳng có. Sài Gòn và Hà Nội đều quá chật chội, đều có nhiều người bon chen, ngột ngạt, con người sống với nhau không tình cảm. Mới đây rộ lên phong trào tố cáo các hàng quán, đặc biệt là ở Hà Nội, vì thái độ cư xử kiểu “ăn thì ăn không ăn thì biến”. Chuyện đấy đúng là khó chịu thật, và ở phố nhiều hơn quê thật.

Nhưng anh có thể trở thành một người chồng tồi, nếu cứ sống với vợ mình, cứ ăn những bữa cô ta nấu, rồi chì chiết cô ta, ngầm so sánh cô ta với mẫu thân (hay tệ hơn là với mối tình đầu). Đành rằng là “người vợ” ấy cũng cần đến sự lao động của anh để tồn tại, anh cũng cống hiến chứ chả phải ăn bám. Nhưng nếu cứ giữ thái độ ấy thì hai người sẽ mãi là những kẻ xa lạ cạp lại vì lợi ích kinh tế. Không có tình yêu thì cũng thành hôn nhân được thôi, nhưng là hôn nhân không hạnh phúc.

Chi bằng hãy tìm những điểm tốt đẹp ở phía bên kia mà yêu thương lấy thành phố ấy, rồi trong sức lực của mình, hãy nghĩ đến việc cống hiến nhiều hơn nữa: làm cách nào cho “người vợ” ấy trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn, thay vì bài xích.

Còn một điểm quan trọng nữa mà người ta hay quên trong cách hành xử ấy: anh hay so sánh “vợ” với “mẹ”, giữa Sài Gòn và Hà Nội với quê anh, nhưng liệu trong thâm tâm và trong hành động, anh có thực sự quan tâm hay nghĩ đến việc chăm sóc người mẹ già đang đau yếu ấy?
Người Mẹ trên đồng lúa Kỳ Khang - 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét