Nếu chỉ nhìn trên mặt báo, người Việt dường như luôn đang ở
tầm thế giới. Bất chấp mọi con số hay hình ảnh trần trụi xót xa nào mà chúng ta
đang có, người Việt hôm nay lộng lẫy không khác gì công dân của các cường quốc
được hâm mộ.
Trên các bản tin, hình ảnh người Việt chen chúc nhau xếp
hàng cùng các công dân Nhật, Singapore… để chờ mua chiếc Iphone 6 vừa ra mắt.
Gương mặt của những công dân Việt Nam mệt mỏi nhưng đầy sự thoả mãn của sự hưởng
thụ cảm giác bằng vai phải lứa cùng cường quốc năm châu.
Không biết từ lúc nào, khát vọng về một đẳng cấp thế giới đã
ám ảnh người Việt từ sự khoe khoang sở hữu cho đến du lịch, bóng đá… Từng con
người hoặc từng đám đông đang cố nhoài người tách ra khỏi thực tế của một quốc
gia, chỉ để chứng minh rằng mình có một đẳng cấp thế giới.
Thật khó hiểu khi tiêu chuẩn để trở thành người được sáng
danh trên các trang báo, là các nhân vật mua được sớm nhất các thiết bị điện tử
có giá đắt đỏ vô lý. Người sở hữu chiếc Iphone có giá mua hơn cả một năm lương
của người nghèo lại được tung nghênh hơn một người lao động làm ra của cải hay
giúp đỡ cho người khác tương đương với số tiền ấy. Một ca sĩ không có giọng hát
hay bài hát nào ra hồn lại được ca tụng như một hit pop-star chỉ vì có Iphone sớm
nhất.
Vậy đó.
Thói đam mê ảo ảnh hơn người, như loại dục vọng không thể kềm
nén nổi tầm quốc gia, căn bệnh “đẳng cấp thế giới” đang lồ lộ trên báo chí,
truyền hình – mà ngay cả những bài viết ca ngợi những đẳng cấp đó, cũng không
giấu nổi sự sôi sục thèm khát của chính người viết.
Giấc mơ đẳng cấp thế giới không chỉ xuất hiện ở chiếc Iphone
hay mua được chiếc vé xem đá banh ở Nam Mỹ. Nó xuất hiện đôi khi trơ trẽn trong
các bản tin về những người trẻ “gốc Việt” thành đạt trên thế giới.
Phải chăng sự khốn khó kéo dài dễ dẫn đến ảo giác về một huyền
thoại chủng tộc Việt, khiến giới truyền thông hay chụp bắt các gương thành đạt
của người Việt trong chính trị hay y khoa, thể thao, điện ảnh… ở nước ngoài như
một điều tự hào dân tộc rất “chung và hiển nhiên” mà không cần biết điều kiện
nào đưa những người Việt đó đến đích.
Tôi vẫn còn nhớ chuyện đạo diễn Kim Nguyễn ở Canada với phim
War Witch được đề cử Oscar 2013. Báo chí Việt Nam trong căn bệnh thích có chân
trong đẳng cấp thế giới đã tìm mọi cách để nhắc Kim Nguyễn về cội nguồn của
anh. Kết cục là khi được hỏi anh có ý định nào làm phim với người Việt, xứ Việt
hay không, Kim Nguyễn đã nói nhanh rằng “không” và giải thích rằng mình không
thấy có mối liên hệ nào ràng buộc mình để phải làm vậy cả. Gần hơn, là chuyện cầu
thủ trẻ Phạm Huy Tiến ở Romania. Sau khi tung hô rằng xứ sở của “người Việt
mình” cũng có người “gốc Việt” đẳng cấp thế giới, báo chí cũng nhận được gáo nước
lạnh từ chàng trai này là kiên quyết không quan tâm về nước thi đấu, dù được
trãi thảm đỏ.
Trong những trận bóng của U19 vừa rồi, một bạn trẻ nhắn cho
tôi rằng anh ta buồn chán vì thấy người Việt thật tệ trong việc ném chai nước,
chiếu đèn vào cầu thủ Nhật khi họ thắng đội Việt Nam. Tôi đã phải nói rất nhiều
để anh bạn đó phân biệt rõ: Yêu thể thao và khát vọng thượng đẳng là 2 điều
khác nhau. Việc thù ghét kẻ vượt trội hơn mình trong thể thao hay văn hoá có thể
bị coi là một cuộc đấu tranh giai cấp điên cuồng đáng khinh.
Tệ hơn nữa là sự thù ghét kẻ hơn mình lại khoác chiếc áo chủ
nghĩa ái quốc cực đoan. Việc coi mình phải luôn hơn kẻ khác cũng là tiền đề dẫn
đến sự bùng phát của chủ nghĩa Facist, từ chủng tộc thượng tôn Aryan. Đó là thảm
hoạ. Tôi và anh bạn trẻ đó hẹn nhau ở những trận bóng tới, sẽ nhìn ngó xem bao
nhiêu là người yêu thể thao và bao nhiêu là người chỉ là nhân danh.
Anh bạn trẻ nói với tôi rằng dẫu sao, người Việt cũng có một
hành động đẹp là chia nhau lượm rác sau trận đấu. Tôi lại phải giải thích rằng
hai trạng thái đó cũng khác nhau, và những nhóm người đó cũng khác nhau. Việc bắt
chước hành động thượng đẳng của người Nhật trên sân vận động không hề chữa lành
được việc làm nhơ nhuốc trước đó, khi thua trận bóng. Thậm chí nếu trong nhóm
người nhặt rác đó có người đã ném chai, chiếu đèn… vào đội Nhật, nó cũng trình
bày một hiện trạng của người Việt: phong trào thích bắt chước những hành động
cao quý nhưng lộ rõ sự giả tạo bề ngoài, che đậy những trái tim không thượng đẳng.
Có lần, một anh bạn người Pháp hỏi tôi rằng “nước của anh
tuyên bố có rất nhiều tiến sĩ nhưng sao lại rất ít bằng phát minh?” Thật khó mà
giải thích được một cách ngắn gọn rằng đó chỉ là những tuyên ngôn trình diễn giấc
mơ thượng đẳng của những người không màng trách nhiệm với đất nước. Nó giống
như việc Viện trưởng Viện Kinh tế chiến lược VN –châu Á, ông Nguyễn Xuân Kiên mới
đây tuyên bố rằng 20 năm nữa Việt Nam là một trong những nền kinh tế lớn nhất
thế giới. Làm sao mà giải thích được tượng đài mơ đẳng cấp thế giới treo đèn kết
hoa ấy, được dựng nên bằng cát đá của hàng ngàn công trình hạ tầng đang sụp đổ,
của những món nợ công khổng lồ mà nhiều đời con cháu Việt phải gánh trả hay một
quốc gia bị tham nhũng đục ruỗng từng ngày đến mức ông Nguyễn Minh Triết,
nguyên chủ tịch nước đã phải kêu lên “tham nhũng đang đe doạ chế độ” (ở đây).
Đẳng cấp thế giới của người Việt chắc chắn không là chuyện sở
hữu các loại smartphone mới nhất, không phải là chen chân vào đoàn siêu xe với
các triệu phú Việt kiều đi vòng quanh nước Mỹ mượn ý nghĩa Hoàng Sa -Trường Sa,
không phải là đám đông thích giương cờ hò hét trong các trận bóng hay nguyện
quan tâm đến sự sống chết của loài tê giác ở Châu Phi… Tôi tin là người Việt sẽ
có một đẳng cấp thế giới khi thật sự biết đau xót từ chuyện già trẻ giành nhau
những chiếc áo đi mưa, bốc hốt trong bữa tiệc buffet… cho đến biết tức giận và
hành động trước nạn bạo hành con trẻ, biết quan tâm và chia sẻ việc đòi công lý
những điều oan khuất vẫn hiện ra trên báo chí mỗi ngày.
Sự thượng đẳng nằm trong trái tim mình – nó đang bị giam cầm
bởi sự chập choẻng bề ngoài như một thảm nạn của dân tộc. Sự chập choẻng ấy biến
chúng ta thành một dân tộc thiếu sự trưởng thành. Đẳng cấp thượng đẳng của một
dân tộc – nếu có – sẽ thật sự đánh thức từng người, rằng cuộc sống không chỉ cần
riêng mình no đủ và nhởn nhơ vô tâm với cuộc sống thật chung quanh mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét