Vào một tối mùa thu năm 1997 có một bọn sinh viên Kỳ Eng tại HN đã chui rào trốn vé vào công viên LeNin (Thống Nhất ngày nay) để dạo chơi. Kỳ cục vì trí thức trẻ phơi phới tương lai ai lại chui rào trốn vé nhưng tại bởi hồi đó các công viên không như bây giờ (được coi là khu vui chơi công cộng vào cửa tự do) mà vẫn còn thu vé vào cửa. Hồi đó cả đám đang mắc dịch bệnh viêm mang túi nặng nên đứa nào đứa nấy đành vui vẻ chui rào cho nó thêm phần tránh lây lan dịch.
Đám con bệnh đó gồm có MyHanh, N.Phuong, Dg.Hue và vài ba con nghiện khác nhiệt liệt đi bộ (cho tiện chui rào) đón chào ku K.Lẽm từ miền nam ra chơi. Hồi đó ku ni đang học khoa Báo Chấy ở trường khỉ gió gì đó trong nam nên khi ra Hà Nội ku mang dáng dấp của anh hai miền nam bụi bặm và bết hết biết. Vào công viên cạp ngô nướng hồi trệu mỏ ku lăn ra bãi cỏ và bắt đầu nghêu ngao hát. Ku thích lắm những bài hát về HN, tâm đắc từng ý từng câu. Đang nằm ku bật dậy mồm vẫn đang đầy cùi bắp bất ngờ hỏi theo bây thì "Lá RƠI vàng chưa nhỉ" hay "lá KHỞI vàng chưa nhỉ", cả bọn cãi nhau chi chóe nhưng cuối cùng cũng thống nhất với hắn là "lá KHỞI vàng chưa nhỉ" hay hơn rất nhiều. Thực ra đây là lời bài hát Có phải em mùa thu Hà Nội của nhạc sỹ Trần Quang Lộc mà thời điểm đó ca sỹ Thu Phương (chưa sang Mỹ) hát rất thành công và làm mê mẩn bọn SV viêm màng túi từ nam chí bắc.
Sau đêm đó thèng ku KL ở thêm vài ngày làm xôn xao HN nữa rời quay vô nam. Nhưng sau này MyHanh kể lại bảo tối sau hai cậu cháu lang thang vào công viên đạp lá vàng rơi và khào khào gãi ghẻ tiếp thì không ngờ bị mấy chú công ăn tuýt cho phát, cậu KL tỏ ra anh hai Xì Gòn đành ngậm ngùi lột hết ví mới được 50,000 đ mua một đêm mùa thu Hà Nội. MyHanh tức điên lên nhảy đành đạch chửi tứ lung tung trong đó có câu kinh điển rằng có biết ta là con gái trường Luật đơi không (câu này đến nay vẫn đúng). Chửi cho nó đã nư thế thôi nhưng cũng chẳng được giề, chỉ có mùa thu thấu hiểu nên thương tình và ưu ái cho hai cậu cháu thêm mấy lá vàng từ hàng xà cừ trăm tuổi.
Hơn mười lăm năm sau cái đêm mùa thu mà cứ ba đứa lại chia nhau cạp một bắp ngô nướng, vừa gãi ghẻ vừa cùng nhau say sưa hát những bản tình ca ấy bây giờ đã hết ghẻ, lành bệnh viêm màng túi (nhưng virut ấy mãi mang trong người). Chừ đứa nào đưa nấy con cái đã đùm đề, kể cả Thu Phương cũng không còn Huy MC nữa nhưng vẫn kịp tìm được hạnh phúc mới và sinh thêm vài đứa con và mỗi khi mùa thu về những con người đã lăn lóc nơi công viên ngày nào vẫn thoáng chút nhớ HN, đôi chút bâng khuâng về mùa thu và cả những hoài niệm mà đôi khi không dễ gọi thành tên... để thi thoảng vẫn ngơ ngác ông ổng lên "tháng tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ ...???"
MÙA THU VÀ CHIẾC LÁ
Phan Đăng (TTO)
Hà Nội chưa chính thức sang thu nhưng cô bé hàng xóm mấy hôm
nay cứ nghêu ngao hát câu hát ấy. Và hình như nhiều người, nhiều ca sĩ khác cũng thường hát
như thế: “Lá RƠI vàng chưa nhỉ?”. Nhưng có lần tiếp xúc với văn bản âm nhạc tôi
lại thấy cái lời: “Lá KHỞI vàng chưa nhỉ?”.
Chưa từng diện kiến nhạc sĩ Trần Quang Lộc để hỏi ông xem rốt
cuộc thì “rơi” hay “khởi” mới chính xác, nhưng với riêng tôi, trong tư cách một
người nghe thì chữ KHỞI hay hơn, tinh hơn chữ RƠI rất nhiều.
Bạn hình dung nhé: nếu là “rơi vàng chưa nhỉ” thì câu hát
đơn thuần chỉ diễn tả chuyển động của chiếc lá theo phương thẳng đứng từ trên
xuống dưới. Kiểu chuyển động, rơi rụng ấy ai cũng có thể nhìn và mô tả được.
Nhưng “Lá khởi vàng chưa nhỉ” thì lại diễn tả sự chuyển động
trong từng hạt diệp lục của chiếc lá, nơi màu vàng đang từng tí, từng tí xâm lấn
màu xanh.
Vẫn với ý tưởng này, Nguyễn Bính từng có câu:
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
(Tương tư)
So với chữ “khởi” thì chữ “nhuộm” gợi cảm giác chuyển đổi
mau lẹ hơn, chóng vánh hơn, tràn ngập hơn, và vì thế phải là KHỞI chứ không phải
là NHUỘM, càng chẳng phải là RƠI thì từng bước đi – từng chuyển động của mùa
thu mới hiện lên tế vi, dịu dàng.
Cũng cần thấy rằng với chữ “rơi” thì chiếc lá và hồn thu
trong hồn lá gợi một cảm giác tàn úa, nhưng với chữ “khởi”, với cái thanh trắc
vang lên từ nó thì hồn thu và hồn lá có một nét gì đấy khấp khởi, sáng tươi.
Và cái người thấy chiếc lá “khởi vàng chưa nhỉ” hình như
cũng đang khấp khởi, sáng tươi như vậy? Phần tiếp theo của bài hát củng cố thêm
suy luận này:
Một ngày gặp nhau, xôn xao phím dương cầm
Hóa ra, cái ngày mà chiếc lá KHỞI vàng kia, cái ngày mà từng
hạt diệp lục trên chiếc lá đang chuyển động rất tế vi, linh diệu kia cũng là
cái ngày mà từng tế bào tình yêu đang hóa thân vào từng tế bào âm nhạc.
Chiếc lá này, phím dương cầm này, tình yêu này, mùa thu này
– tất cả hiện lên thật ngân nga, thổn thức.
Vẫn là mùa thu và vẫn là chiếc lá trong mùa thu, nhưng trong
bài Mùa thu không trở lại của Phạm Trọng Cầu ta lại bắt gặp một cảm giác hoàn
toàn đối lập:
Lá úa khóc người đi
Sương mờ dâng lên mi.
Nếu như “lá khởi vàng chưa nhỉ?” mô tả quá trình mà những
màu vàng đầu tiên bắt đầu hiển hiện trên màu xanh của lá, thì “lá úa khóc người
đi” lại mô tả quá trình những màu vàng cuối cùng trên xác lá đang bị thời gian
kết tử.
Chao ôi, mùa thu và chiếc lá – vẫn những trường hình ảnh ấy
thôi nhưng từ “khởi vàng” đến “lá úa” ta thấy hai thế giới nội tâm hoàn toàn
khác biệt: thật lâng lâng và thật đau khổ, thật réo rắt và thật tan nát.
Nhưng cả hai trạng thái ấy xét cho cùng đều cho thấy con người
vẫn có thể sống, có thể rung cảm với những xúc cảm thật của mình.
Đời sống công nghiệp và thực dụng bây giờ chỉ sợ là mùa thu
đấy, chiếc lá đấy, gặp gỡ đấy, ly biệt đấy nhưng tâm hồn con người nếu không
khô khốc như gỗ đá thì cũng chỉ thoáng vui, thoáng buồn, chứ không còn cái khả
năng rung cảm thẳm sâu.
Nghe cô bé hàng xóm hát, ngẫm ngợi về những chiếc lá, về hồn
thu trên hồn lá tự nhiên lại lo chính mình đến một lúc nào đó sẽ bị sự đời đẩy
vào cái trạng thái gỗ đá đáng sợ kia!
Mùa thu dần đến rồi, hỡi những chiếc lá đầu tiên đang KHỞI
những chấm vàng đầu tiên, nếu có thể hãy nói với ta một điều gì đi chứ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét