HT: Những ai chơi Fb đều biết luôn có một câu hỏi trên "tường" nhà mình rằng "Bạn đang nghĩ gì ?" . Thật bối rối bởi ta nghĩ thì nhiều lắm và cuộc sống thì luôn vận động không ngừng. Nhưng nghĩ là một chuyện còn viết một stt lên "tường" nhà mình lại là chuyện khác. Sẽ viết gì, chia sẻ điều gì, với ai... và quá nhiều thứ nữa làm ta không đủ tự tin để viết lên những điều mình nghĩ trên chính "tường" nhà mình.
Lang thang vô tình đọc được một đoạn trên "tường" của nhà người khác (Fb: Hoàng Anh Đinh) thấy thật hay và đủ để nghĩ gì đó và có thể sẽ tự tin trả lời cho Fb biết mình đang nghĩ gì vào ngày mai.
Fb Hoàng Anh Đinh: Có một số bạn từng hỏi mình, làm thế nào khi các bạn yêu văn
chương nghệ thuật nhưng lại học ngành tự nhiên và đang làm nghề khác. Chắc là
các bạn muốn biết kinh nghiệm một người học toán nhiều năm, từng dạy toán ở Đại
học Bách khoa, rồi bây giờ làm kinh doanh, nhưng lại gắn bó với văn thơ.
Thực ra mình không thể có bất cứ lời khuyên nào, vì trải
nghiệm của mỗi người là khác biệt, nghệ sĩ càng cần sự độc lập trong suy nghĩ.
Mình chỉ kể lại một chút kinh nghiệm của riêng mình, còn nhận xét thế nào tùy mọi
người nhé.
Mình yêu thơ và âm nhạc từ lúc còn nhỏ, luôn luôn đắm chìm
trong thế giới mơ mộng, của vần điệu, âm thanh, thiên nhiên...Mình cũng làm thơ
từ nhỏ, như là một cách giãi bày mọi rung động nội tâm. Sau này lớn lên, đi học
chuyên toán từ lớp 5, mình vẫn luôn luôn ấp ủ tình yêu ấy. Nhưng mà từ khi bắt
đầu lớn, bắt đầu ý thức được cuộc sống, mình luôn tâm niệm sẽ không bao giờ kiếm
tiền, mưu sinh bằng thơ văn. Để cho mình có một khoảng trời thật sự tự do và
bay bổng. Tất nhiên nhiều năm học khoa học là quãng thời gian rất dài, rất biệt
lập, xa rời thực tế cuộc sống. Nhưng cũng những năm ấy mình luôn trăn trở, rằng
người ta có thể viết cái gì, viết để làm gì, viết trên cách nhìn thế nào về cuộc
sống...
Cho đến năm mình bắt đầu bén duyên với Đạo Phật. Cuốn sách đầu
tiên mình đọc được là cuốn "Thiền thư" của Ni cô Đặng thị Ngọc Nữ. Giống
như là gặp được một con suối mát, trong lành, dẫn mình đi ngược về thượng nguồn,
về bản thể tâm linh của mình...
Rất nhiều điều tưởng như quên đi được nhớ lại,
rất nhiều cánh cửa được mở ra. Dần dần, ít một, ít một, mình bắt đầu viết lại,
nhưng không như trước, mình bắt đầu hiểu thơ văn chỉ là con thuyền chở ta đi
vào cõi đạo. Viết là quá trình Thiền, là quá trình tu tập, là con đường để ta
hiểu mình, hiểu người, rèn tâm mình...Viết là để trò chuyện, với bản thân và với
người có duyên với ta như bè bạn, tất nhiên khi đã sáng tạo thì ai cũng muốn
trau dồi ngôn ngữ, hình ảnh... Nhưng đó cũng chỉ là phương tiện, không phải là
mục đích. Mà nói đúng hơn sáng tạo đối với mình không có mục đích. Sáng tạo là
quá trình nở hoa của cảm xúc, Đến thì hoa sẽ nở, thời khắc chờ đợi cũng thiêng
liêng như thời khắc nở hoa hay thời khắc lụi tàn. Sáng tạo là cuộc chơi say đắm,
không tiền khoáng hậu, và niềm hạnh phúc nó mang lại không gì sánh nổi... Chỉ vậy
thôi.
Còn một điều này nữa. Theo mình, một tác phẩm dù nhỏ bé đến
đâu, cũng giống như một ngọn đèn. Có thể có những cái đèn thô sơ, có những cái
đèn tinh xảo, có những cái đèn chỉ làm từ lá cây hay vài miếng giấy, lại có những
cái làm từ kim cương... Nhưng cái chính vẫn là ánh sáng bên trong của nó. Chỉ
khi nào đèn sáng, sáng rực rỡ và ấm áp thì mới mang lại ý nghĩa cho thế giới
xung quanh, còn không thì dù có làm từ vàng mười mà không có ánh sáng, cây đèn
cũng vô giá trị mà thôi. Ánh sáng này chính là cảm xúc của nghệ sĩ, là tình yêu,
trải nghiệm, sự hướng thiện, lòng trắc ẩn, sự hiểu biết... Ánh sáng này không
trường đại học nào, không thầy giáo nào có thể trao cho bạn, cũng không thể mua
được dù với giá nào. Ánh sáng này bạn phải tự tìm lấy ngay trong trái tim mình,
nó được giấu kín trong những hang động của bản ngã, sự kiêu mạn, tham vọng và mọi
sân si mê muội của kiếp người. Chỉ cần mở ra những cánh cửa, rất nhiều cánh cửa...
và hãy mang ánh sáng của bản thân mình đến với thế gian, góp thêm một ngọn đèn,
một vì sao đơn độc nhưng trong trắng và khiêm nhường...
Chỉ vậy thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét