Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

"Mỗi cuốn sách - Một ước mơ" - Thăm Bệnh viện Nhân Ái

Hoinhammit, 6/5/2015
BBT Hoinhammit: Thật vui vì mới sơ khởi đã phát động chương trình "mỗi cuốn sách - một ước mơ" trưa qua thì nay đã nhận được sự hưởng ứng của bà con với hơn 300 đầu sách cho dự án thư viện mini phục vụ trẻ em ở bệnh viện Nhân Ái, một thành công ngoài sự mong đợi.
Và để bà con khắp nơi ủng hộ chương trình cũng như hiểu hơn về một bệnh viện đặc biệt với những bệnh nhân đặc biệt và cả những người thầy thuốc hết sức đặc biệt, xin mời bà con theo chân nhóm của LinhPhan một trong những thành viên khởi xướng dự án thư viện mini đến thăm bệnh viện này nhé.
BỆNH VIỆN NHÂN ÁI
Một ngày giữa tháng 4, Linh Phan và tôi có dịp đến một nơi mới, để chia sẻ, học hỏi và đã có những trải nghiệm không thể nào quên ở đây, Bệnh Viện Nhân Ái.

Giới thiệu
Tọa lạc tại Huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và cách TpHCM khoảng 230km nhưng Bệnh Viện Nhân Ái lại thuộc quản lý của Sở Y Tế TpHCM. Khởi đầu là một trại cai nghiện, rồi là một trung tâm y tế và gần 10 năm trở lại đây là một Bệnh Viện (hiện có 300 giường), chuyên chăm sóc cho người nhiễm HIV và AIDS.


Với gần 300 nhân viên, đa số còn rất trẻ, đến từ tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Hàng ngày, các bạn đang “cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc giảm nhẹ và điều trị có hiệu quả bằng thuốc kháng virus HIV” nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người “có H” (hay còn gọi là B20) ở những ngày cuối đời.

Sau 4h30 phút xe máy từ TpHCM, chúng tôi đã đến đây! “Bệnh viện gì mà như.. resort!” – ngay câu đầu tiên, Linh Phan đã phải thốt lên như vậy khi vừa bước qua cổng bệnh viện.

Bệnh viện có 12 Khoa/phòng, trải dài trên một con đường gần 3km tính từ cổng Bệnh viện. Bắt đầu là Khu Cấp Cứu, Hành Chánh, đến các Khoa điều trị và cuối con đường là.. Nhà Tang Lễ và Khu Hỏa Táng!

Tất cả người bệnh ở đây đều được điều trị MIỄN PHÍ 100%!

Khách hàng của Nhân Ái
Tất cả đều là người “Có H”, hầu hết đều nghiện hút và ít nhiều có “số má”. Phần lớn được chuyển từ các trại, trung tâm cai nghiện trên cả nước về đây. Ngoài “H”, họ cũng mang trong mình nhiều bệnh cơ hội khác, thể trạng suy kiệt, đói thuốc và đặc biệt là với tâm lý bị kỳ thị, bị gia đình ruồng bỏ dẫn đến thái độ không hợp tác, luôn tỏ ra hung hăng chống đối và sẵn sàng trốn viện khi có cơ hội.

Nếu là một nhân viên y tế bạn có SỢ KHÔNG khi bạn biết “một người có H đang lên cơn nghiện, đang cầm dao lam rạch tứ tung trên cơ thể đứng trước mặt mình và sẵn sàng ăn thua đủ với bạn”?

Còn với “nhân dân”, không phải nhân viên y tế, câu hỏi này là thừa. Bản thân tôi RẤT SỢ và tôi tin nhiều người khác cũng vậy!

Vậy mà ở đây, tất cả được nhân viên y tế tiếp nhận, điều trị, chăm sóc, thậm chí là “đấu tranh” với chính những “thói hư, tật xấu, những khiếm khuyết về tâm lý” mà người bệnh đang mắc phải, để giúp phần đời còn lại của họ được kéo dài ra, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Sau khi bước qua cổng BV, người bệnh được tiếp nhận ở khoa Cấp Cứu (đồng thời, kiểm tra tư trang để tránh người bệnh mới vào..tiếp thuốc cho người cũ), tiếp đến là phân lọc và điều trị cắt cơn nghiện ở Khoa Nội D. Sau đó:

+ Người còn khỏe thì về Nội A.
+ Người có bệnh Lao thì về Nội B.
+ Người suy kiệt, cần chăm sóc đặc biệt thì về Nội C.
+ Và sau cùng, có thể nhanh, có thể chậm, nhưng “căn nhà ở cuối con đường” luôn chờ họ, những người bệnh ở đây!
Đa số bệnh nhân còn người rất trẻ

Không thiếu những câu chuyện liên quan đến những người tiếng ngoài đời từng là bệnh nhân ở đây. Con trai ca sĩ NL, con trai diễn viên LB, con của một lãnh đạo cấp TW,..

Nhiều bệnh nhân quậy phá,tìm cách hút chích, trốn viện thì cũng có những người bệnh hơp tác, hỗ trợ hết sức cho nhân viên y tế ở đây. Với họ, Bệnh viện Nhân Ái đã là nhà, và nhân viên y tế là “thầy cô” như tiếng gọi chung nhân viên y tế nam và nữ ở đây.

Trong ảnh là bác H, một thành viên hội đồng đẳng. Bác sống ở đây đã hơn 7 năm. Phòng của bác ở Khoa Nội A như là một “thiên đường âm thanh”với đầy đủ các thiết bị nghe nhìn và dán toàn ảnh người mẫu. Bác chia sẻ “âm nhạc là một thứ giúp người ta thư giãn và quên đi những muộn phiền”. Tháng rồi, bác H đã về Sài Gòn và đưa lên 4 người đồng cảnh ngộ, giúp họ có cơ hội được chăm sóc tốt hơn và quan trọng hơn cả chính là “giảm nguy cơ, rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng”. Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa mà những người như bác H và các anh chị em Bệnh Viện Nhân Ái nỗ lực làm bằng được trong những năm qua.

Khi tụi mình xin phép được chụp ảnh với bác, bác nói vui: “chụp thì được thôi, nhưng chờ tui.. mặc cái quần dài vào cho lịch sự!” :D

Khẩu phần ăn của người bệnh
Người bệnh được ăn uống theo khẩu phần đã được phê duyệt từ Sở, dao động trong khoảng 22-25K/ngày/người. Một người bệnh ở đây phải uống hàng chục loại thuốc mỗi ngày thì với khẩu phần ăn hiện tại, gần như là không thể chống chọi với bệnh tật.
Do vậy, nhân viên và bệnh nhân ở đây đã tự cải thiện bữa ăn cho chính mình bằng việc tự tăng gia:


Tăng gia
Đàn lợn rừng hơn 200 con, đàn gà hơn 300 con, trồng nấm,.. Anh trai trong ảnh cũng là một người bệnh, anh cùng nhân viên y tế và những người bệnh còn khỏe khác tham gia nuôi trồng để cải thiện bữa ăn.

Ngoài ra, các loại cây ăn quả như xoài, mít, chôm chôm, mận, ổi,.. thì rất nhiều. Như Linh Phan thì đi đâu cũng.. xin hết trái nọ đến quả kia.

Anh Danh ở Khoa Cấp Cứu cũng tăng gia với nhiều luống rau xanh ngay sau lưng Khoa.. xà lách, dền, cải, ngò, hành,.. nói chung là có rau ăn quanh năm. Anh kể, đất ở đây cằn cỗi lắm, phải cải tạo rất nhiều mới có được vườn rau như bây giờ.

Quả thật, sự kiên nhẫn có lẽ đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhân viên ở đây. Tôi nghĩ, người bệnh cũng như đất ở đây vậy, phải thật kiên trì thì mới có thể cảm hóa được họ. Giúp người bệnh thay đổi tâm lý – suy nghĩ tích cực hơn là việc làm khó khăn nhất. Phải làm được việc tưởng chừng như không thể này thì việc điều trị mới có thể có tác dụng.

Trong hoàn cảnh như vậy thì các hoạt động vui chơi, giải trí cho người bệnh gần như là “liệu pháp tinh thần” vô cùng hữu hiệu. Chúng tôi may mắn đến đúng vào dịp cuộc thi thể thao – văn nghệ cho người bệnh được phát động. Nhìn các anh chị “có H” tập văn nghệ, bạn sẽ thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao”!


Khi bọn tôi đến khoa Nội C, khu chăm sóc đặc biệt, có một anh trai mắt lim dim nói không ra hơi, nhưng khi nghe “một thầy” rủ hát là ảnh cũng “em ơi có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời…”.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét