BBT Hoinhammit: Bạn đã từng nghe truyền thông nói ra rả vài chục năm qua về căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS, về cách phòng tránh nó, về việc chống lại sự kỳ thị và những giải pháp cho người bệnh nhưng có lẽ đó chỉ là lý thuyết trên sách báo, tv và khẩu hiệu giăng giăng ở ngoài đường. Thực tế thì dù có được truyền thông đến cỡ nào thì chúng ta vẫn có cảm giá sởn gai ốc khi nói về những điều đó chứ chưa nói gì phải tiếp xúc và đối mặt với nó hàng ngày.
Vậy nhưng ở Bệnh viện có cái tên rất Nhân Ái ấy vẫn có hàng trăm thầy thuốc đầy lòng nhân ái suốt ngày đêm sát cánh bên người bệnh để phần nào làm dịu nỗi đau và đem đến sự thanh thản, bình yên cho những ngày cuối đời của những bệnh nhân đặc biệt này. Hãy tiếp tục theo chân nhóm của LinhPhan để biết và hiểu hơn những công việc hàng ngày mà những thầy thuốc nơi đây đã, đang sống và làm việc.
BỆNH VIỆN NHÂN ÁI (Tiếp theo)
Các “thầy cô”, họ là ai?
Theo yêu cầu của BGĐ Bệnh Viện, toàn bộ nhân viên trừ các bạn
đang trực đều phải lên lớp, nên có lẽ đây là lớp đông nhất mà Linh Phan từng giảng.
Nhưng nhờ vậy mà được gặp cùng lúc rất nhiều nhân viên của Bệnh Viện Nhân Ái.
Lúc đầu, mọi người có vẻ còn lạ lẫm với thảo luận nhóm,
nhưng sau đó thì quen dần. Và kết thúc khóa học, ai cũng hiểu “Quản lý chất lượng
và An toàn người bệnh là làm sao để Nhân viên y tế và khách hàng của mình được
An toàn và Hài Lòng”.
Làm cho những người “có H, từng là giang hồ cộm cán, đang
nghiện, tâm lý khiếm khuyết, đến người thân của họ phải từ bỏ họ” phải Hài Lòng
sao? Việc đó liệu có khả thi không nếu không có một tấm lòng bao dung, sự kiên
nhẫn đến vô cùng?
Nói như Bác Sĩ Long (Trưởng phòng KHTH): “Nói một lần mà người
bệnh chưa hiểu thì nói nhiều lần, làm một lần chưa được thì làm nhiều lần, cứ
“mưa dầm thấm lâu” rồi họ cũng sẽ hợp tác”!
Làm việc ở một nơi heo hút (thị xã gần nhất cách 30km, chợ gần
nhất cách 7km), đối tượng khách hàng vô cùng đặc thù, điều kiện làm việc, cuộc
sống còn rất nhiều thiếu thốn. Nhưng hãy xem, khi nói về khó khăn họ đã nói gì?
Phơi nhiễm thuộc nhóm khó khăn.. cuối cùng! Cho thấy các “thầy
cô” ở đây đã sẵn sàng đối mặt với nó. Và
đây là nhân chứng sống cho một sự kiện gần nhất bị phơi nhiễm, “thầy Tuấn”.
Anh Tuấn – Khoa Nội D – vừa bị tai nạn giao thông vài ngày
trước, trên cánh tay vẫn còn nhiều vết thương, nhưng đúng ca trực của anh thì
người bệnh lên cơn nghiện nên “quậy”, cầm dao lam tự hủy hoại cơ thể mình. Anh
cũng xông vào để giúp người bệnh cắt cơn, và máu người bệnh cũng bôi đầy cánh
tay anh. Một lần khác, anh bắt quả tang một người bệnh đang chích, để lấy được
kim tiêm, anh cũng bị chích một mũi.
Sau mỗi sự cố như vậy, đương nhiên ARV (là một phác đồ điều
trị H) là bắt buộc. Uống thuốc này theo đơn vị tháng, và tác dụng phụ thì vô
cùng “tuyệt vời”, giúp sụt cân – giảm béo cực nhanh!
Khó khăn lớn nhất đến từ Người Bệnh, rồi đến trang thiết bị.
Sau đó , nếu tách nhỏ ra thì khó khăn tiếp theo là Chế độ dinh dưỡng cho Người
Bệnh, rồi mới tới những khó khăn của cá nhân các “thầy cô”. Rõ ràng, khẩu hiệu
“lấy người bệnh là trung tâm” không ở đâu xa. “Đãi ngộ, kinh nghiệm công
tác,..” đặc biệt có hai khó khăn gần như không giống bất kỳ nơi nào mà chúng
tôi đã đi qua: “Thiếu nơi gửi con để cha mẹ yên tâm công tác” và “Cập nhật
thông tin cho NVYT”.
Ở đây có 174 trẻ là con em của nhân viên, đa số từ 1 đến 8
tuổi. Độ tuổi thích tìm tòi, học hỏi. Vậy mà, nhiều em ở đây vẫn chưa được đến
trường. Khi bố mẹ đi làm thì các em túm tụm chơi với nhau, hoặc chơi ở một nhà
trong khu tập thể. Những bé nào đi học cùng trường thì các “thầy cô” sẽ thay
phiên nhau đưa một lúc 2-3 bé đến trường. Nhiều hôm, cả bố và mẹ bé đều trực
đêm thì bé sẽ đi.. ngủ nhờ nhà hàng xóm!
Những thiên thần nhỏ ở Nhân Ái
Hiện tại, Bệnh viện cũng đã bắt đầu tiếp nhận những hỗ trợ
cho các bé là con em nhân viên. Anh chị nào có điều kiện thì hãy chung tay giúp
các bé nhé!
Ngoài ra, toàn Bệnh viện chỉ có một khu vực duy nhất được kết
nối internet (Khu hành chính). Còn lại thì giữa các khoa hệ thống mạng nội bộ
chưa có, kết nối internet thì càng không. Nên việc cập nhật tin tức, kiến thức
chuyên môn là vô cùng khó khăn.
Một số hình ảnh ở Bệnh Viện
Dưới tán phượng đỏ rực này là Khoa Nội D – phân lọc và cắt
cơn nghiện cho người bệnh, kín cổng cao tường và có hàng rào bao quanh. Bảo vệ
trực 24/24.
Phòng hành chánh của Khoa Nội A
với khẩu hiệu “Hãy chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân mỗi
ngày”. Trong bức hình trên có chị Dâu, chưa đến 30 tuổi nhưng đã có 10 năm kinh
nghiệm làm việc ở đây.
Ấn tượng nhất đối với chúng tôi là khuôn viên các khoa phòng
luôn sạch bóng và rất ngăn nắp.
Khu đồi phía xa xa, đối diện qua Hồ Thác Mơ là nơi vừa tổ chức
lễ động thổ, bắt đầu xây dựng khu nhà công vụ của Bệnh Viện Nhân Ái. Rồi đây,
nhân viên và gia đình mình sẽ được dời về nhà mới, không phải ở trong bệnh viện
nữa! Đây cũng là một trong những thành quả lớn lao mà BS.CKI Giám Đốc Bệnh Viện
Nguyễn Thành Long đã làm được cho nhân viên bệnh viện sau hơn 10 năm gắn bó!
Bệnh Viện Nhân Ái đẹp như thế nào?
Nhưng có lẽ đây là hình ảnh đẹp nhất..
Một “cô” Điều Dưỡng và một Sơ đang chăm sóc cho người bênh ở
Khoa Nội C – chăm sóc đặc biệt. Người bệnh này đã thở máy và chuyện “ra đi” chỉ
còn tính bằng ngày. Nhưng mỗi ngày, các “thầy cô” và các Sơ vẫn tranh thủ tập vật
lý trị liệu. Vừa làm vừa nói với người bệnh “ráng tập đi, để vài hôm khỏe lại
thì chân không bị teo, còn đi tới đi lui được”.
Nhiều câu chuyện kể lại, dù trước đó người bệnh có hung dữ,
quậy phá, không hợp tác đến đâu đi nữa thì tới những ngày cuối cùng này, khao
khát được sống luôn rất mãnh liệt! Ai cũng mong chờ được gặp gia đình mình lần
cuối, nhưng thật tiếc, không phải ai cũng có được niềm vui nhỏ bé này vì gia
đình họ đã chối bỏ họ từ lâu rồi.
Để kết thúc, xin được phép gửi một bức ảnh về một người bệnh
đang ươm mầm cho một cây con – cây SỐNG ĐỜI – hỏi anh sao trồng cây này, anh
nói “thấy nó đẹp”!
Xin được cảm ơn toàn thể các “thầy cô” là những người đang
ngày đêm chăm sóc người bệnh ở Bệnh Viện Nhân Ái. Các “thầy cô” đã một lần nữa
chứng minh câu nói “lương y như từ mẫu” vẫn còn nguyên giá trị. Một vấn nạn xã
hội đã và đang được giải quyết ở một nơi nhân ái như chính tên gọi của mình.
Hy vọng, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân chung tay với
các “thầy cô” đưa hoạt động của Bệnh Viện Nhân Ái đến với cộng đồng, để những
người bệnh không còn bị kỳ thị, và được tập trung về đây để được chăm sóc, điều
trị, giảm nguy cơ lây nhiễm cho xã hội.
Chúc tất cả mọi người nhiều sức khỏe, luôn tìm được niềm vui
trong công việc! Hẹn gặp lại vào một ngày không xa..
Papi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét