Mùa hè, nhà nào nhà nấy phụ huynh mệt lử hơi tai vì lũ trẻ đang nghỉ hè ở nhà quậy phá, nhảy múa, ăn, chơi các kiểu. Nhớ mọi năm ngày Quốc tế Thiếu nhi bà con nhà Nham tổ chức hoành tráng lắm, năm nay vắng tanh mà chẳng rõ lý do. Có lẽ người lớn quá bận rộn với mưu sinh, quá mệt mỏi đủ đường cơm áo nên chẳng muốn thêm một ngày vất vả nữa...
Mà thôi, yên tâm nhé ! Bữa nào chán chán nhưng thấy vui vui trong lòng, phụ huynh nhà choa sẽ lại sắp xếp cho bọn trẻ tụi bây một bữa ra trò nhé. Chắc thế bà con nhể, chuẩn bị tinh thần để quẩy lên nhá nhà Nham.
Còn bi chừ thì xem một bộ phim cực ngắn, chỉ vỏn vẹn 04 phút thôi để cảm nhận những đứa trẻ, những thân phận trôi nổi đâu đó quanh ta ...
Chia sẻ của nhạc sỹ Tuấn Khanh: Trong ngày 1/6 vừa qua, có một bản video ngắn với chủ đề về
trẻ em miển Tây Việt Nam được âm thầm đưa lên các trang mạng. Bản video chỉ có
4 phút nhưng đã nhanh chóng tạo nên một niềm xúc động khó tả cho nhiều người.
Chỉ trong vài ngày “Thì sông cứ chảy” – tên của video này – thu hút một lượng lớn
khán giả vào xem. Bản upload chỉ riêng một trang trên facebook đã leo đến gần
con số một triệu người vào theo dõi.
Phim rất ngắn, và chỉ có những hình ảnh mô tả lướt qua đời sống
của những gia đình nghèo, sống trên sông nước tại Long Xuyên – hay với cái nhìn
rộng hơn đầy ngụ ý – là dành cho cả miền Tây Nam bộ đất Việt giàu có, sảng
khoái nhưng phải đội nghịch cảnh và nghèo nàn. Xem video, người ta có thể cảm
nhận rằng những người thực hiện có thể đã bỏ ra không ít hơn 4 tháng để suy
nghĩ và thực hiện hoàn tất 4 phút phim này. Được biết người viết kịch bản là
Mai Huyền Chi, và quay phim là Tạ Nguyên Hiệp, những người có tay nghề thật chắc
và tâm huyết thật đáng trân trọng. Hãng phim sản xuất và phát hành cũng rất
quen thuộc: công ty Chánh Phương.
“Thì sông cứ chảy” nói về những đứa trẻ nghèo sống cuộc đời
lang bạt cùng cha mẹ mình trên sông nước. Chúng không có khai sinh, không có giấy
tờ cư trú, không có cơ hội đến trường, và chỉ có thể ước mơ loanh quanh với số
phận cùn quẩn của mình. “Con muốn được đi học”, “Con muốn làm ra tiền trả nợ
cho cha mẹ”, “con muốn lấy chồng”… những đứa nhỏ hồn nhiên không còn cánh cửa
nào khác để nhìn thấy tương lai to lớn hơn. Cuộc đời mòn mỏi bên tiếng mái
chèo, tiếng máy đuôi tôm và tiếng nước vỗ. Những đứa trẻ của Việt Nam tương lai
đó, đành để phận mình trôi theo dòng nước chảy.
Một trong những bình luận cho video này, có lời thảng thốt
vang lên “Cuộc đời bèo dạt mây trôi như vậy, những đứa nhỏ đó đi về đâu?”. Câu
hỏi đó, không có ai trong chúng ta có thể trả lời được vào lúc này, mà cả cha
ông Việt xa xưa cũng đã bất lực khi đã khéo dùng chữ “bèo dạt mây trôi” – chứ
không là “bèo trôi mây dạt”, như đúng với hình tượng của nó. Bởi sự hoán vị
ngôn ngữ đó chỉ để nói lên một điều là sự vô định của những cuộc đời. Sự vô định
như tiếng chuông chiều buồn bã, đóng vào ngày Quốc tế Thiếu nhi một vết khắc
đau nhói trong trái tim của bất cứ ai còn một chút yêu thương với quê hương
mình.
Vết khắc rướm máu đó, nhắc người Việt trưởng thành hôm nay
phải nhớ rằng sau lưng mình, con cháu dòng giống Việt đang vật vã lớn lên – có
thể trong khốn khó, và cả trong đầy đủ. Phát triển và giàu có chỉ là một vẻ
ngoài tạm thời, nhưng trái tim của những đứa trẻ có nguyên vẹn với phần hồn
nhiên và tử tế hay không trong thời đại này lại là một điều khác.
.... "
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét