Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Tính dục trong truyện ngắn Chí Phèo


Linh Sơn
Sự xuất hiện của thị Nở, xét ở góc độ tính dục, đem lại cho Chí Phèo sự xoa dịu, thỏa mãn những ẩn ức dồn nén đó, xét ở góc độ nhân sinh, điều đó tạo lập cho Chí Phéo niềm tin vào tình người, sự hoàn lương.

Ý nghĩa đích thực đằng sau bát cháo hành
Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao được xem là tác phẩm kết tinh nhất tài năng và tư tưởng nghệ thuật của ông. Đã có rất nhiều cách lí giải về quá trình thức tỉnh thiên lương của Chí Phèo mà chủ yếu xoay quanh thị Nở và bát cháo hành. Tuy nhiên, tôi cho rằng bao nhiêu đó chưa đủ làm nên tài năng phân tích tâm lí nhân vật xuất sắc của Nam Cao.
Sự xuất hiện của thị trong cuộc đời Chí Phèo có tác dụng khơi dậy và làm bùng cháy dữ dội ngọn lửa thiêng lương trong tâm hồn con quỷ dữ này. Đã có rất nhiều bài viết khi đánh giá quá trình thức tỉnh đó chủ yếu cho rằng nó được thực hiện bằng một phép màu đầy quyền năng: bát cháo hành – biểu hiện của tình yêu thị Nở. Để rồi khi ăn nó, Chí Phèo trải qua rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ, trong đó dấu hiệu đáng mừng nhất chính là hắn muốn xây dựng mái ấm gia đình với thị, muốn được làm người lương thiện.

Cách lí giải đó đúng nhưng chưa đủ. Nếu cực đoan sẽ vô tình làm nghèo nàn đi giá trị thẩm mĩ và tư duy nghệ thuật mà Nam Cao dồn nén trong tác phẩm này. Bát cháo hành đã góp phần đáng kể làm rung động, làm xao xuyến, làm thổn thức trái tim của con quỷ dữ làng Vũ Đại, nhưng hãy suy kĩ mà xem, chỉ một món ăn mà làm thức dậy lương tri của một tên hung đồ quả đúng là tư duy chỉ tồn tại trong truyện cổ tích. Còn một nhân tố bao quát hơn, thuyết phục hơn: đó chính là tính dục.

Nếu đọc kĩ lại tác phẩm ta sẽ thấy, sự biến đổi của Chí Phèo đâu phải chỉ xảy ra sau khi thị mang đến bát cháo hành cho hắn. Mà đúng hơn, sau cái đêm ăn nằm với thị, sáng hôm sau thức dậy, trong tâm hồn tên côn đồ này diễn ra những biến đổi xưa nay chưa từng có: Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài. Hắn sợ rượu cũng như người đói thường sợ cơm. Lắng nghe như âm thanh của cuộc sống đời thường (tiếng chim hót, tiêng những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá), nhớ lại khát vọng bình dị, chân chính một thời: Hình như có một thời hắn đã ao ước một mái gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải… Ý thức được tuổi già, bệnh tật và sự cô độc… Từ đó Chí Phèo rơi vào trạng thái sợ hãi, hoang mang. Chính trong lúc đó thị Nở đã xuất hiện và mang đến bát cháo hành ấm nóng tình đời, tình người…

Do đó ta thấy, không thể thần thánh hóa bát cháo hành một cách tuyệt đối để xem nó là phép màu duy nhất gột gữa đi bản chất côn đồ và hóa giải hết những hận thù nơi Chí Phèo. Mà nhìn cho sâu, cho kĩ chính sau cái đêm ăn nằm với một người đàn bà (dù là người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn) đã giúp tâm hồn con quỷ khát máu này tìm lại sự cân bằng, trở về đúng nghĩa là một con người (một thằng đàn ông), và có những khát khao hạnh phúc chính đáng như bao nhiêu người đàn ông khác.

Từ góc nhìn Phân tâm học
Phạm trù tính dục rộng hơn tình dục. Trong khái niệm này nó bao hàm cả hai mặt sinh lí và tâm lí của con người. Sự thỏa mãn về sinh lí, nhìn một cách nghiêm túc, nhân bản và khoa học có khả năng điều hòa tâm lí của con người. Do trong quá trình sống có những chấn động nào đó gây thương tổn để lại trong bộ não, trong tiềm thức con người một dạng bệnh lí mà các nhà tâm lí học theo trường phái của Freud gọi là ẩn ức tình dục. Chính nó là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn con người đến tình trạng kẻ giết người hàng loạt, những tên biến thái, cuồng dâm… Tôi không dám chắc rằng Nam Cao có tiếp cận trọn vẹn tinh thần của Phân tâm học hay không nhưng tôi đã nhận thấy một sự tương đồng kì lạ trong cách ông lí giải và mô tả tâm lí nhân vật. Ta xem cách hiểu này như một giả định và tiếp tục đi tìm những cơ sở có thể khiến ta tin theo hướng này.

Vậy theo đó, cái gì làm nên ẩn ức ?
Câu trả lời nằm ở nguyên nhân trực tiếp dẫn Chí Phèo bị Bá Kiến đẩy đi tù:  Đàn bà. Khi đón nhận bát cháo hành của thị với tất cả lòng biết ơn và rung động sâu sắc, có lúc Chí đã hồi tưởng đến quá khứ đầy tổn thương đó: Đời hắn chưa bao giờ được chăm sóc bởi một tay đàn bà. Hắn nhớ đến “bà ba”, cái con quỷ cái hay bắt hắn bóp chân mà lại cứ bóp lên trên, trên nữa. Nó chỉ có nghĩ đến sao cho thỏa nó chứ có yêu hắn gì đâu… Người ta không thích cái gì người ta khinh. Sự kiện “bà ba” có một vết tích không thể nào quên được trong cuộc đời Chí Phèo. Nó khiến Chí mất lòng tin vào “đàn bà”, vào con người nói chung… Để rồi từ đó nó dẫn đến tâm lí hận thù, oán ghét cả cuộc đời, coi tất cả mọi người là thù địch.

Sự xuất hiện của thị Nở, xét ở góc độ tính dục, đem lại cho Chí sự xoa dịu, thỏa mãn những ẩn ức dồn nén đó, xét ở góc độ nhân sinh, điều đó tạo lập cho Chí niềm tin vào tình người, sự hoàn lương.

Một giả thiết có vẻ ngô nghê đưa ra nhưng lại cho ta những suy luận hợp lí là, liệu cái đêm ngoài vườn chuối, không có một cô thị Nở nào ngủ ở đó, mà chỉ một người đàn ông khác đến chia sẻ, làm bạn tâm giao với Chí, sáng hôm sau nấu cháo chăm sóc cho Chí thì liệu anh ta có những thay đổi như trên chăng? Chắc hẳn điều đó không thể xảy ra mà nếu có xảy ra thì cũng không đem lại tác động tích cực nào làm thức dậy thiên lương và khát vọng hoàn lương của hắn. Bát cháo hành đó chỉ thực sự có phép màu kì diệu khi nước được bưng đến bởi một tay đàn bà. Con ác quỷ ấy chỉ thực sự có cảm giác mình là đàn ông, là con người, là kẻ khát vọng hạnh phúc gia đình khi hắn ở chung, sống chung với một người đàn bà…

Vậy rõ ràng, chúng ta không thể bỏ qua được sự hiện hữu của phạm trù tính dục trong tác phẩm này. Tất cả những diễn biết tích cực ở con quỷ dữ này chỉ có thể xảy ra với một dạng đối tác: đàn bà (dù là người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng). Chúng ta không làm điểm nhục và hạ thấp con người bằng cách cho rằng tình dục cứu chuộc nhân cách, nhưng trong trường hợp rất nhân bản này, ta có quyền kết luận nó là một trong hai nhân tố có tác động mạnh mẽ làm thay đổi con người. Sự thỏa mãn về tính dục, sự xoa dịu và khoái lạc của thân xác có tác dụng điều hòa giải tỏa ẩn ức tâm lí con người. Bởi thể cho nên trong y học về con người mới sinh ra phạm trù tâm sinh lí. Dĩ nhiên, con người không phải là con vật, lí giải về quá trình thức tỉnh thiên lương của Chí, ngoài yếu tố tính dục (và cả tình dục) ta còn phải xét đến một nhân tố quan trọng khác: tình người chân thành, tình yêu dịu dàng của thị…

Nhưng cũng với cách giả thiết trên, ta cứ thử đặt ra vấn đề, nếu thị chỉ đến trong cuộc đời Chí với vai trò là kẻ bầu bạn, ngày ngày nấu cháo hành cho Chí ăn (không trải qua chuyện ăn nằm trong cái đêm ngoài vườn chuối kia, càng không có năm ngày chung sống với Chí Phèo như vợ chồng) liệu con quỷ này có biến đổi và khát khao làm người lương  thiện mãnh liệt như thế không? Câu trả lời là không.

Tôi cho rằng điều đã đến lúc chúng ta nên nghiêm túc nhìn lại vấn đề tính dục đối với quá trình thay đổi tâm lí của con người trong cuộc sống cũng như trong văn học. Như vậy không phải là tôn sùng phần con vật và làm điếm nhục hai chữ con người mà là mở ra cái nhìn nhân bản, khoa học đúng với quy luật sinh tồn của con người. Đó là lí do mà Cao Hành Kiện đã đưa vào Linh Sơn yếu tố sex dày đặc, cứ mỗi lần nhân vật đau khổ, rơi vào trạng thái khủng hoảng là họ lại làm tình. Trong Rừng Nauy của H. Murakami cũng vậy, sex được các nhân vật trao đổi một cách tự nhiên không áy náy, bởi với họ nó là một phần hiện hữu hiển nhiên trong cuộc sống… Lẽ dĩ nhiên, cái gì cũng trong chừng mực của nó để đảm bảo tính nhân văn, tránh cách viết dung tục. Nam Cao đã thực sự có cách nhìn và khám phá tầng sâu trong tâm lí con người những ngõ ngách liên quan đến tính dục một cách rất thấu tình đạt lí. Ở ViệtNam, rất nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra điều này. Song bởi bức thành trì của định kiến, của những quy định về thuần phong, mỹ tục và tâm thức văn hóa đã khiến các nhà nghiên cứu lờ đi, không muốn nhắc đến vấn đề này.

Trương Tửu, Nguyễn Bách Khoa cũng đã từng vận dụng Phân tâm học, xoáy sâu vào phạm trù tính dục để lí giải những biểu tượng có tính “dâm” và “tục” trong thơ của Hồ Xuân Hương. Tuy kết quả hơi phản cảm nhưng nhìn kĩ lại thật sự nó có cơ sở tâm lí, khoa học của nó. Người ta cứ sợ điều đó làm hạ thấp hình tượng nhà thơ Hồ Xuân Hương và giá trị những trang thơ của bà, nhưng người ta quên rằng cho đến nay Hồ Xuân Hương vẫn là một hiện tượng thơ mù mờ, bí ẩn nhất trong lịch sử văn học nước nhà. Không tránh khỏi tình trang đơm đặt, thêm thắt biến những bài thơ nặc danh của những tay nhà nho đáo để thành sản phẩm của Hồ Xuân Hương. Do đó, nên nhìn thơ Hồ Xuân Hương ở như là một hiện tượng thơ, có sự pha trộn giữa những bài thơ kết tinh từ tâm hồn tài năng của bà, phần còn lại (chiếm số lượng lớn) là những bài thơ do các thế hệ thêm thắt để thỏa mãn một dạng ẩn ức. Trong xã hội phong kiến nghiêm khắc, họ không dám trực diện phát ngôn những điều mình phẫn uất, họ đã mượn hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương là bức bình phong, tự sáng tác, cố tạo ra sự tương đồng rồi tung hỏa mù, biến nó thành thơ của bà lưu truyền trong dân gian… Nhìn ở góc độ vô thức tập thể, nghiên cứu hiện tương thơ Hồ Xuân Hương theo hướng này chắc chắn sẽ mở ra một cái nhìn thú vị khác mang ý nghĩa học thuật góp phần hóa giải tình trạng rối mù như bao nhiêu năm nay.

Một thời người ta vin vào cái cảnh làm tình ngoài vườn chuối của Chí Phèo và Thị mà cho rằng ông chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tự nhiên nên miêu tả nhân vật có phần dung tục. Tôi cho rằng Nam Cao đã thực sự có cái nhìn rất nhân bản, nghiêm túc và khoa học khi nhận thức về tâm lí, bản chất của con người. Lí giải về bi kịch cũng như quá trình thức tỉnh của Chí Phèo nhất định không được bỏ qua phạm trù tính dục. Và đó thực sự là một trong những điểm nhấn mới mẻ, tiến bộ vượt qua thời đại bấy giờ trong tư duy nghệ thuật và cách nhận thức về con người của Nam Cao.

1 nhận xét:

  1. Khi ta nhau ve ma vo cho mot doi chao hanh thi ngon piet may Chu nhi.

    Trả lờiXóa