(Trích một vài phần bài viết của Phạm Trần Lê)
Châu chấu nhà nhammit trong một buổi off line |
Có một câu chuyện kể có một người cha mua cho con trai mình
một trái bóng bay đẹp . Cậu con trai vui sướng cầm trái bóng đi bên cha nhưng
chẳng may lỡ tay tuột mất sợi dây khiến trái bóng bay vụt đi. Thấy con tiếc nuối,
đau khổ nhìn theo trái bóng bay xa dần, người cha an ủi : “Đừng buồn con ạ, cha
sẽ mua cho con một trái bóng khác”. Lát sau, cậu bé vui vẻ vơi trái bóng mới,
không còn nghĩ ngợi gì tới trái bóng đã mất nữa. Câu chuyện kết thúc với lời
bàn rằng, đó là một người cha giàu có, nhưng đứa con của ông rồi sẽ nghèo túng
về tinh thần.
Trong ánh mắt của đứa trẻ nhìn theo trái bóng bay xa dần có
một bầu trời phóng nhiệm. Đó là khi đứa trẻ có thể bắt đầu có những cảm nhận mơ
hồ nhưng rất trực quan về sự rộng lớn của thế giới, từ đó nhận ra sự hữu hạn
của bản thân mình. Thế nhưng, người cha của cậu bé đã vô tình phá vỡ không gian
phóng nhiệm này.
Người cha ấy cũng như đa số người lớn chúng ta thường sợ hãi
trước sự trống trải trong tâm tưởng và gán cho nó ý nghĩa tiêu cực. Chúng ta
xua đuổi nó bằng cách tự làm bận rộn bản thân mình với những suy nghĩ tính toán
lấp đầy trong tâm trí. Tương tự như vậy, chúng ta tìm cách xua đuổi sự trống
trải khỏi đầu óc con trẻ, lấp đầy tâm trí của chúng bằng những món đồ chơi. Mà
nếu để ý ta thấy rằng hầu hết các món đồ chơi – từ búp bê bé xinh tới chiếc ô
tô bằng nhựa nho nhỏ – đều chỉ nhằm thu nhỏ không gian trong tâm trí đứa trẻ,
tạo cho nó cảm giác mình đang xâm chiếm và làm chủ không gian riêng một cách
tuyệt đối.
Tạo hóa đã ban cho con người bản năng thiên tính là cảm giác
nhàm chán, nhằm giúp ta vượt thoát ra khỏi những không gian giả tạm chật hẹp.
Bởi vậy, dù món đồ chơi có tinh xảo đến đâu thì đứa trẻ sớm muộn sẽ cảm thấy
nhàm chán và không còn thỏa mãn với không gian hẹp mà món đồ chơi xinh xắn mang
lại. Sự trống trải xâm nhập tâm trí nó, ngầm nhắc nhở rằng ở ngoài kia là một
không gian rộng lớn hơn, thật hơn, tự nhiên hơn, mà sớm muộn nó phải đối diện
và tìm cách thích nghi. Thế nhưng, người lớn không cho con trẻ cơ hội được thích
nghi với không gian rộng lớn xa lạ ấy. Họ xua đi nỗi nhàm chán và nỗi trống
trải trong đứa trẻ bằng cách tiếp tục mua về những món đồ chơi mới, cái sau
cuốn hút hơn cái trước.
Cứ như vậy, đứa trẻ trở nên nghiện cảm giác lấp đầy tâm trí.
Tới một ngày kia nó chủ động tự làm bận rộn tâm trí của mình với những cám dỗ
từ trò chơi điện tử, phim hoạt hình, sách comic và manga, v.v.
Thay vì hứa hẹn mua bóng mới cho con, người cha trong câu
chuyện có thể trò chuyện với con về những sự vật xung quanh trái bóng, những
tán cây xanh, nóc nhà rêu mốc, những ô cửa sổ bí ẩn, về một em bé vô danh nào
đó trong tưởng tượng nhặt được trái bóng sẽ trân trọng và trở thành bạn thân
của trái bóng ra sao, v.v. Mục đích chính của những lời trò chuyện ấy từ người
cha không nhằm an ủi em bé, mà chủ yếu kích thích trí tưởng tượng của con trẻ,
tạo ra thói quen kiến tạo không gian trong tâm tưởng ở mọi tình huống, điều sẽ
giúp em tự lực vượt qua khoảng trống trong những lần tiếp theo.
Khi mà những món đồ chơi đã mất đi ánh hào quang long lanh
ban đầu và trở nên nhàm chán, người lớn không nên tìm cách lấp đầy khoảng trống
trong trẻ bằng cách mua tiếp những món đồ chơi mới, mà hãy cùng trẻ chơi với
những món đồ chơi cũ, trò chuyện và gợi mở để trẻ xây dựng một không gian mới
trong tâm tưởng, trong đó các đồ vật tưởng chừng như cũ kỹ nhàm chán được trẻ
phân công cho những vai diễn mới, qua đó tạo ra một hệ thống những xúc cảm mới
từ những đồ chơi cũ.
Đọc sách cùng con trẻ là biện pháp tuyệt vời để giúp trẻ
thoát ra ngoài cái tôi cố hữu, tự hình dung bản thân trong những không gian bên
ngoài mình, sống trong những cuộc đời khác, tâm thế khác, giúp hình thành trong
các em cái nhìn sâu và rộng hơn trước mọi sự vật. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên
đặt thật nhiều câu hỏi về không gian, thời gian của các đối tượng mà các em có
thể quan sát trong đời thực, hình dung suy nghĩ, xúc cảm của các nhân vật và
yêu cầu các em biểu đạt những xúc cảm này. Việc biểu đạt không nhất thiết bằng
ngôn từ mà có thể bằng ngôn ngữ tạo hình, ví dụ có thể yêu cầu các em nói về ấn
tượng sâu đậm nhất đối với một sự vật nào đó, và yêu cầu vẽ lại đúng theo ấn
tượng mà các em hình dung. Không gì kích thích trí tưởng tượng và năng lực tự
định vị bản thân ở trẻ em hơn việc diễn đạt bằng hình vẽ, màu sắc trên trang
giấy trắng.
Cuối cùng là dạy trẻ gắn kết bản thân mình với thế giới. Khi
đứa trẻ trong trạng thái buồn chán, hoặc tỏ thái độ cố thủ trong thế giới riêng
của mình và không muốn giao lưu, kết nối với bên ngoài, thì hãy tìm cách mở
rộng thế giới của các em. Hướng dẫn các em tập thể dục, chăm sóc người thân,
hoặc làm những việc nhà trong gia đình. Đây đều là những cách thức hiệu quả
giúp tăng cường năng lực tự định vị bản thân, sự nhận biết cuộc sống một cách
khách quan hơn. Dạy trẻ cảm nhận những tín hiệu trong lành của đời sống, như
hơi thở của chính mình, hơi thở của người thân, để giúp các em sống trong tâm
thế tự chủ, cảm thấy rõ hơn sự hiện hữu của bản thân mình và mối gắn kết với
không gian xung quanh.
Chúng ta thực hiện điều này và lắng nghe mỗi ngày. Khi trong
từng lời nói, câu chào, những hành vi sinh hoạt thông thường nhất, có những
chuyển biến tích cực về sắc thái biểu cảm; khi những tương tác hằng ngày trở
nên tự nhiên hơn, giảm đi những ràng buộc ước lệ; khi những thay đổi trong đời
sống được thích nghi bằng tinh thần đối diện và khám phá thay vì lảng tránh, cố
thủ, thì đó là căn cứ rõ ràng cho thấy các em đã gắn kết và thích nghi tốt hơn
với thế giới xung quanh mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét