Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Một mình

BBT: Bạn đã từng nghe và mê đắm "Một mình" của nhạc sỹ Thanh Tùng qua sự thể hiện của Mỹ Linh, Hồng Nhung nhưng chắc chưa từng nghe bốn người phụ nữ cùng hát chung ca khúc này. 
Hãy cùng thưởng thức "Một mình" với cả Cẩm Vân, Hồng Nhung, Mỹ Tâm và Mỹ Linh để cảm nhận nhiều hơn khi một người đàn ông vắng bóng hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ bên mình.


Huy Phạm - Vnexpress:
Thanh Tùng đã có những năm tháng tuổi trẻ chọc trời khuấy nước, những niềm vui bất tận bên những người phụ nữ đẹp. Trong số ấy có cả các hoa khôi, nhưng sau này ai cũng an phận gia đình. Ông thường kể về chuyện yêu nhiều của mình như một chuyện vui. Và ông nói, tình yêu giúp ông nuôi được những cảm xúc lâu dài trong âm nhạc. Những người phụ nữ ông yêu, đều chấp nhận cuộc sống không ràng buộc, hoàn toàn chỉ “yêu như là yêu thôi”. Ông nghĩ lại về cuộc đời của mình: “Những cuộc tình đi qua, để lại cho tôi một điều, con người sẽ cô đơn, nhỏ bé, yếu đuối biết bao, đơn điệu biết bao nếu sống không có tình yêu”.

Quốc Bảo – Thế Giới Âm nhạc:
Ai đã từng nghe bài hát “Một mình” của nhạc sĩ Thanh Tùng cũng cảm thấy có chút gì bâng khuâng, xúc động. Hẳn mọi người sẽ nghĩ lúc vợ ông còn sống, ông rất yêu thương vợ và họ rất hạnh phúc, nhưng chính nhạc sĩ Thanh Tùng kể rằng:
“- Ngày xưa vợ chồng tôi sống cũng không phải hạnh phúc lắm đâu. Cũng có tất cả sự cãi vã, giận dỗi. Cũng đã có mấy chục lần muốn ly dị nhưng rồi không tụ đủ các yếu tố. Thí dụ người này ký thì người kia không. Người kia ký thì người này không. Lý do của sự dằng dai này nhiều lắm không thể nói hết được. Nhưng vợ tôi là người yêu tôi nhất.”
Mới biết chuyện vợ chồng là …chuyện của mỗi người, chẳng ai giống ai cả 
NS. Quốc Bảo viết về Thanh Tùng rất thú vị:
Thanh Tùng lãng mạn bẩm sinh nên cô đơn bẩm sinh, tuổi ấu thơ sống với bà ngoại và mẹ càng tạo điều kiện cho khí chất lãng mạn nảy nở, niềm cô độc có đất để lớn nhanh và dìm anh vào nhân cách hướng nội, khó kết bạn.
Anh sinh ở Sài Gòn, trưởng thành ở miền Bắc. Chính quê hương thứ hai này – mảnh đất Hà Thành đầy những hồ, chốn lý tưởng để suy niệm – mới hợp với thể tạng lãng mạn của anh, để lại trong anh nhiều kỷ niệm đẹp, trong đó có cả tình yêu.
Mỗi bài hát của Thanh Tùng, kể từ bài đầu tay “Cây sầu riêng trổ bông” viết năm 1975, ở tuổi 27, cho một vở cải lương, đều gắn bó với một tâm cảm bất chợt nhưng không kém mãnh liệt. Ý tứ lời ca rất giản dị nói về nỗi đau, cuộc được thua bằng một giọng thản nhiên, song đó là cái thản nhiên của người đã từng vắt khô lệ và máu của mình.
Thanh Tùng không hay nói về cõi mộng, không đào bới những tiên cảm để tìm lấy sự hợp lý cho mình. Anh viết như đi chân trần trên cát bỏng, tận hưởng nỗi đau một thân một mình và không đòi hỏi chia sẻ.

Vậy đó, Thanh Tùng dám trần thân nhận chịu những bất trắc do sự mơ mộng tác thành, không áp đặt chúng cho người khác.
Giai điệu và cách phát triển ý nhạc của anh tuân theo những nguyên tắc kinh điển của pop ballad: mở toang, thanh thoát và dành nhiều “đất” cho dàn nhạc phô diễn. Nhờ đầu tư kỹ về nền hòa âm, anh tạo được khoản tự do cần thiết cho sự ứng tác của ca sĩ. Thiên hướng tự do ấy ngày xưa vốn được coi là đặc điểm của dòng romantism Âu Châu.
Vật lộn mưu sinh để nuôi nghệ thuật, để được làm nghệ thuật một cách tự do và hết mình, Thanh Tùng quả có được lòng can đảm của kẻ leo núi. Ai bảo người leo núi không lãng mạn ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét