Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Phong tướng ?

Dân Choa
Mấy ngày trước có đọc được thông tin từ VNTTX. Trong buổi tiếp xúc với cử tri ở Vĩnh Bảo / Hải Phòng, dân có thắc mắc tại sao Việt Nam lại liên tục phong tướng nhiều vậy. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có trả lời về vấn đề này:

„ Chúng ta đang trong quá trình hội nhập và hiện đại hóa quân đội, trong các buổi đàm phán, giao tiếp… các nước thường cử các vị tướng ra tiếp, nên mình cũng phải có người đồng cấp để tiếp lại họ. Như khi mình đóng tàu ngầm hiện đại đầu tiên mang tên Hà Nội, nếu người chỉ huy chỉ mang cấp tá thì không xứng với vị thế và lòng tự hào dân tộc.


Việc phong nhiều vị tướng trong thời gian gần đây cũng là đáp ứng nhu cầu xây dựng lực lượng quân đội, công an được chính quy, hiện đại. Giai đoạn mới trong thế kỷ mới nên cũng cần nhiều cấp hàm tướng cho tương xứng, không nên so sánh với giai đoạn ngày xưa.“

Câu trả lời của Thủ tướng làm mình suy nghĩ mãi.


Vị thế của đất nước là do thành quả phát triển thực về tổng lực, có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng quốc tế và được quốc tế công nhận.


Nếu một đất nước có nền kinh tế yếu kém, phụ thuộc vào dòng tiền FDI hay nguồn tài trợ ODA thì khó có thể gây được tầm ảnh hưởng lớn.


Muốn nuôi quân hùng tướng mạnh phải có thực lực dồi dào. Nền kinh tế mạnh và vững chắc. Nếu chỉ phong nhiều danh tướng để làm vị thế ngoại giao thì đấy chỉ là hão danh không có thực.
Thời chiến tranh thì tất cả dồn cho quân đội, số lượng quân đông hơn bây giờ, vật lực cũng nhiều thế nhưng số lượng tướng chẳng bao lăm. Nay thời hòa bình, số quân ít đi là điều tất nhiên nhưng số lượng tướng lĩnh tăng vùn vụt. Vậy tăng số lượng tướng để lấy danh và hưởng lương chứ đâu phải do tài năng chiến trường.


Trong các phương tiện chiến tranh hiện đại của Việt Nam thì hai chiếc tàu hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ có thể là bậc nhất ở biển hiện nay. Hai tàu mày thuộc lớp Gerpard hỗ vệ. So với thế giới thì còn nhỏ bé chưa ăn thua gì cả. Tổng quân số trên mỗi tàu chỉ 98 người.
Còn tàu ngầm Kilo tới đây cũng chỉ có đội hình 53 người.

Chợt nhớ tới con tàu của Mỹ đến Đà Nẵng mấy năm trước. Đây là tàu hạm USS Lassan, nó lớn hơn tàu Gerpard, có đội hình gồm 350 người. Tầm lớn như thế nhưng chỉ huy chỉ là anh thuyền trưởng gốc Việt Lê Mạnh Hùng mang lon trung tá. Tàu hạm USS Lassan tham gia nhiều chiến dịch trên biển ở nhiều nơi và đã giao lưu với vô số bến cảng quốc tế. Ở đâu đoàn do trung tá Lê Mạnh Hùng cũng được chào đón thân thiện, thậm chí ngay ở cả Đà Nẵng. Như vậy uy danh của một con tàu, uy danh của một đất nước đâu phải do cấp bậc của một cá nhân chỉ huy.

Từ câu chuyện trong quân đội thì suy rộng ra, đất nước ta có quá nhiều giáo sư và tiến sĩ. So với các nước khác trong khu vực hay thế giới thì thuộc loại rất cao. Thế nhưng thực chất chả có gì cả. Việt Nam vẫn là nước yếu kém về khoa học kĩ thuật và lạc hậu về giáo dục.

Người phương Tây vẫn có câu: „ Cái áo không làm nên thầy tu“

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét