Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Chụp cái mũ xuống tai và mắt thì nhắm lại

Đào Tuấn
Luận về sự bất an
Mỗi một ngày, người dân lại phải vắt tay lên trán khi đọc trên báo hàng chục những cái tin: Thiếu nữ bị cuồng dâm làm nhục 4 ngày đêm. Nhảy cả xuống sông để thoát thân, nhưng vẫn bị lôi lên làm nhục tiếp. Vợ tức chồng vì tư thế lạ, cho một nhát dao. Côn đồ giết người xong giơ dao khoe máu tươi. Vừa được đặc xá đã chém chết người. Rồi Phó Thanh tra giơ cuốc bổ đầu dân. Phó trưởng công an “lau súng”, bạn gái vỡ đầu. Còn công an thì đập chết tươi một con người chỉ vì anh này không chịu nói tuổi.
Ngày nào cũng như ngày nào. 365 ngày/năm. Với “Tốc độ gia tăng tội phạm còn nhanh hơn cả dân số”.
Trong lĩnh vực quản lý kinh tế: Vừa Vinashin đã lại Vinalines. Chưa xong ACB đã đến Agribank. Tất cả những khuôn mặt tư Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên…đều giống nhau ở chỗ hôm qua còn mũ cao áo dài mở miệng là nói đến quyết tâm, đến những lời lẽ tốt đẹp vốn không thể phân biệt .

Có một chi tiết cần được nói tới là khi tìm kiếm xác nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường trên sông Hồng, người ta đã phát hiện tới 6cái xác trôi sông. Trong chỉ chưa đầy hai tuần.

Hình như không ngẫu nhiên nhà ngoại cảm xuất hiện khắp nơi. Hình như không ngẫu nhiên nhà chùa đông nghịt khách. Lại càng không ngẫu nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng ngậm ngùi: “Trước tự hào ra ngõ gặp anh hùng thì giờ cử tri nói ra ngõ gặp tội phạm”. Khi mà “Kẻ cướp mà thậm chí giờ nó còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, lột tài sản, uy hiếp. Từ nông thôn đến thành thị, công sở, đến những nơi trang nghiêm như trường học, bệnh viện… đều có tội phạm cả”. Và “Tôi giật mình khi nghe anh ấy nói hiện tượng của Dương Chí Dũng không phải là cá biệt”.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ nhiễu nhương, nơi tội phạm hoành hành từ phòng lạnh ra đường. Từ phòng ngủ thiếu nữ đến những nơi cao cả thâm nghiêm như trường học bệnh viện. Thật ra, cũng nên thông cảm cho ngành công an khi mà “số bắt vào đã hơn số mình đặc xá”, trong khi có cố gắng cách mấy “nhưng nhà tù có phải mở ra mãi được đâu”.

Có người nói vì báo chí đưa cướp hiếp giết quá nhiều. Xã hội sẽ bơn bớt bất an khi báo chí ngảnh mặt quay lưng với thực tế. Nhưng có báo chí nào xui người ta đâm chém nhau. Có báo chí nào ngụy tạo ra những vụ tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỷ. Và có bất an nào có thể được che dấu bằng việc chụp cái mũ xuống tai và mắt thì nhắm lại.

Vị ĐBQH tên Dũng, khi nhắc tới Dương Chí Dũng, đến câu chuyện “ra ngõ gặp tội phạm” đã nói trúng nỗi lòng của người dân, bằng hai chữ “bất an”: Chưa bao giờ lòng dân bất an như thế này.
Cái sự bất an không phải ở chỗ người ta phải thòng thêm một sợi dây xích mỗi khi muốn nghe điện thoại trên vỉa hè Sài Gòn, (ngay cả thế cũng dễ mất tay như chơi) không phải ở việc một cái liếc ngang cũng có thể bị coi là nhìn đều và bọn ngáo đá, ngay lập tức, cho đi thẳng vào nhà xác.

Sự bất an còn ở chỗ một người thầy cũng có thể trở thành một tên hiếp dâm. Một bác sĩ có thể một sát nhân danh y. Ngay sau sắc áo của những người giữ gìn trật tự, bảo đảm an toàn cho dân chúng, cũng có thể là một kẻ sát nhân. Còn những người giữ thuế, ai cũng tiềm ẩn nguy cơ “bộ phận không nhỏ”, dù chẳng ai biết cái bộ phận đó nó là ai, ở đâu.

Ông Bùi Đặng Dũng băn khoăn rằng không biết có phải do kinh tế khủng hoảng, cùng đường sinh thủy họa đạo tặc hay không mà tội phạm lại nổi lên như vậy?

Nhân dân, nạn nhân muôn đời của đạo tặc, đành chịu chứ biết trả lời sao. Không lẽ lại chụp cái mũ xuống tai và mắt thì nhắm lại. Không lẽ phải xây thêm nhà tù để xác nhận một thực tế rằng nơi nào càng nhiều nhà tù, nơi đó càng bất an.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét