Theo báo NNNN
Vợ chồng bà Phượng bơ vơ trước
cảnh rừng trồng nhà mình bị tàn phá
|
Thời gian gần đây, NNVN nhận được đơn kêu cứu khẩn
thiết của bà Lê Thị Phượng, thường trú tại tiểu khu 4 - thị trấn Kỳ Anh,
Hà Tĩnh về việc bà được nhận khoán trồng rừng 50 năm tại khu vực rừng phòng hộ
xã Kỳ Liên, Kỳ Anh, nhưng đùng một cái, cả khu rừng trên 10 ha của gia đình bà
đã bị một doanh nghiệp tư nhân tổ chức đào phá tan tành để khai thác đá.
Kêu cứu
Qua đơn trình bày gửi các cơ quan chức năng của bà Phượng,
tháng 1/2005, bà được Cty Rau quả Hà Tĩnh, kiêm BQL Dự án Rừng phòng
hộ Kỳ Anh ký hợp đồng kinh tế về việc khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng
phòng hộ (RPH) đầu nguồn, thời hạn 50 năm theo QĐ số 178/2001 QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ.
Phần cuối của hợp đồng được ghi rõ, quá trình thực hiện, nếu
có gì vướng mắc, hai bên cùng nhau bàn bạc, tìm hướng giải quyết. Nếu một trong
hai bên cố tình vi phạm hợp đồng bên đó phải chịu bồi hoàn kinh tế theo pháp
luật quy định.
Sau khi ký kết hợp đồng, tháng 2/2005, gia đình bà Phượng đã
tập trung mọi nguồn lực với 50 lao động thuê máy móc khai hoang trồng mới rừng
đúng với yêu cầu hợp đồng đã được ký kết. Trong quá trình thi công do đất đồi
núi cằn cỗi nên gia đình bà phải trồng đi trồng lại nhiều lần mới có được cánh
rừng phòng hộ xanh tốt trên tổng diện tích 19,5 ha.
Trong lúc gia đình bà đang tiến hành chăm sóc, phát triển diện
tích rừng phòng hộ qua 8 năm bỏ bao công sức, tiền của, mồ hôi nước mắt, bỗng
nhiên, ngày 8/10/2013, UBND xã Kỳ Liên có giấy mời làm việc với nội dung: “Thực
hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Liên phối hợp với Hội
đồng BT-HT-TĐC huyện tổ chức buổi làm việc với các hộ gia đình có đất bị ảnh
hưởng bởi dự án khai thác và chế biến vật liệu xây dựng (mỏ đá) của Cty CP Việt
Gia - Song Hui".
Cũng trong ngày 8/10/3013, ông Nguyễn Việt Đức - Phó
chủ tịch Hội đồng BT-HT-TĐC huyện ký thông báo về việc tổ chức bảo vệ thi công
đối với các hộ dân không chấp hành chủ trương thu hồi đất, bồi thường GPMB dự
án khai thác, chế biến đá xây dựng của Cty Việt Gia - Song Hui.
Thông báo có đoạn: Kể từ ngày 10/10/2013, các cơ quan chức
năng sẽ tiến hành tổ chức các lực lượng để bảo vệ thi công khu đất thuộc dự án
khai thác, chế biến đá xây dựng của Cty Việt Gia - Song Hui. Mọi thiệt hại về
tài sản, gia đình phải tự chịu trách nhiệm; kinh phí tổ chức bảo vệ thi công sẽ
được trừ vào số tiền bồi thường, hỗ trợ của gia đình…
Thấy tréo ngoe vẫn cứ làm!
Ngày 22/9/2010, ông Lê Văn Huận - Giám đốc Cty CP Nông
Lâm sản Hà Tĩnh (tiền thân là Cty Rau quả) ký Tờ trình số 459/TTR-NLS gửi các
cơ quan chức năng về việc xin trả đất rừng sản xuất. Nội dung có đoạn: “Cty CP
Nông Lâm sản Hà Tĩnh xin trả 11,54 ha diện tích đất rừng sản xuất tại khoảnh 2,
tiểu khu 389a, thuộc địa bàn hành chính xã Kỳ Liên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Những vạt rừng 8 năm tuổi còn sót lại |
Số diện tích nói trên, Cty đã giao cho các hộ dân nhận khoán
theo Nghị định 01/CP (các hộ tự bỏ vốn đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ), bao gồm
các loại cây trồng, keo tràm, do Cty CP Nông Lâm sản Hà Tĩnh quản lý. Nay xin
trả để cho Cty CP Việt Gia - Song Hui thuê đất làm bãi chế biến khai thác mỏ đá
xây dựng...”.
Theo nội dung của Tờ trình này, diện tích đất Cty Nông Lâm
sản xin trả để cho Cty Việt Gia - Song Hui làm mỏ đá là diện tích đất rừng sản
xuất thuộc khoảnh 2, tiểu khu 389a, thuộc địa bàn hành chính xã Kỳ Liên, Kỳ Anh.
Cũng tại Công văn số 769/UBND-TNMT ngày 8/10/2010 do ông
Phạm Khắc Dạ - PCT UBND huyện Kỳ Anh ký về việc thu hồi và cho thuê đất khai
thác, chế biến vật liệu xây dựng tại mỏ đá khe Rú Mài, xã Kỳ Liên, ghi rõ: UBND
huyện Kỳ Anh đồng ý, đề nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT thực hiện thu hồi
11,54 ha đất lâm nghiệp tại khu vực Núi Mài, xã Kỳ Liên (thuộc khoảnh 2, tiểu
khu 389, do Cty CP Nông Lâm sản quản lý).
Nếu chiếu theo các văn bản trên, phần đất của bà Phượng được
giao hoàn toàn không liên quan gì đến phần đất được trả để cho Cty Việt Gia -
Song Hui làm mỏ đá.
Mặt khác, diện tích Cty Rau quả giao cho bà Phượng là đất
thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, trong khi đó, phần diện tích đất của Cty Nông
Lâm sản xin trả lại là đất rừng sản xuất. Rõ ràng, phần đất của Cty Lâm Nông
sản trả (khoảnh 2) và phần đất của Cty này giao cho bà Phượng (khoảnh 1) hoàn
toàn không liên quan gì đến nhau.
Thế nhưng, không hiểu do động cơ gì, UBND huyện Kỳ Anh lại
điều động một lực lượng hùng hậu, trong đó có hàng chục công an vào để “bảo vệ
thi công”, tiếp tay cho doanh nghiệp phá rừng phòng hộ của bà Phượng một cách
vô lý như thế?!
Thi công theo kiểu chụp giật
Việt Gia - Song Hui mặc nhiên tàn phá rừng phòng hộ đầu nguồn |
Như đã nói ở trên, chiều ngày 9/10/2013, theo ý kiến chỉ đạo
của UBND huyện Kỳ Anh, xã Kỳ Liên đã tổ chức gặp các hộ dân có đất bị ảnh hưởng
bởi dự án khai thác và chế biến vật liệu xây dựng của Cty CP Việt Gia - Song
Hui. Thế nhưng, trước đó, ngày 8/10, ông Nguyễn Văn Bổng - Chủ tịch UBND
huyện Kỳ Anh đã ký quyết định số 2504/QĐ-UBND điều động lực lượng vào “bảo vệ
thi công".
Theo đó, 30 chiến sỹ công an huyện và 35 cán bộ cấp xã đủ
các thành phần, 3 y bác sỹ, 1 xe cứu thương, bông băng, thuốc men, 1 xe ô tô
đặc chủng (xe chở tội phạm)… ra hiện trường “bảo vệ thi công”.
Gạt dòng nước mắt trên khuôn mặt hốc hác đầy mệt mỏi, bà Phượng mếu máo: “Chúng tôi nhận đất rừng phòng hộ của Nhà nước, cầm cố hết tài sản nhà cửa, đất đai vay ngân hàng, vay hết anh em, bạn bè để trồng được cả một cánh rừng như thế.Được thể, doanh nghiệp Việt Gia - Song Hui liền huy động cả loạt máy xúc, máy đào, máy ủi và các phương tiện khác cùng nhân lực vào ầm ầm tàn phá trên 10 ha rừng phòng hộ mà gia đình bà Phượng đã dày công trồng, chăm sóc, bảo vệ suốt cả 8 năm trời.
Nay, sắp đến kỳ thu hoạch, vợ chồng con cháu hớn hở chuẩn bị
bán lấy tiền trả nợ thì bỗng nhiên chính quyền huyện Kỳ Anh điều động lực lượng
đến tiếp sức cho Cty tư nhân ngang nhiên tàn phá rừng của chúng tôi. Toàn bộ
hơn tám vạn cây keo tràm trên 10,4 ha của chúng tôi đã bị đốn hạ và tẩu tán.
Tiền tỷ của chúng tôi, phút chốc trắng tay!”.
Người trong cuộc nói gì?
Qua tìm hiểu nguyên nhân sự việc, ông Ngô Trọng Vân -
Phó BQL KKT Vũng Áng cho rằng, theo quy định của UBND tỉnh, các doanh nghiệp
khi đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng sau khi hoàn tất các thủ tục về đất đai
được các cơ quan chức năng tổ chức bàn giao sang cho Ban, lúc đó Ban mới ra
quyết định giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án.
Với quy định trên, nhẽ ra Cty Việt Gia - Song Hui phải
nhận đất từ BQL KKT Vũng Áng rồi mới được phép tiến hành thi công dự án. Nhưng
không hiểu vì sao, cho đến nay, Ban chúng tôi chưa được tiếp nhận bàn giao diện
tích đất nói trên mà Cty này lại đưa máy vào thi công là sai.
Ông Phương chồng bà Phượng xót xa
bên mỗi gốc cây bị đốn hạ
|
Tại Quyết định số 1195/QĐ-UBND ngày 8/4/2011 do Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn ký, cũng đã ghi rõ: Sau khi thực hiện xong việc
bồi thường, GPMB theo quy định, Sở TN-MT có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở
NN-PTNT, Cty CP Nông Lâm sản Hà Tĩnh, UBND huyện Kỳ Anh, xã Kỳ Liên và thủ
trưởng các cơ quan liên quan xác định cụ thể mốc giới bàn giao đất trên thực
địa cho BQL KKT Vũng Áng...
Thế nhưng, không hiểu sao, huyện Kỳ Anh và một số cơ quan,
đơn vị khác lại vội vàng cho DN làm trái quy định.
Ông Phạm Hồng Phương (chồng bà Phượng) tay run run nâng gốc
cây rừng mà mình trồng đã 8 năm bị phía thi công đốn hạ, nghẹn ngào nói:
“Đất đai chúng tôi được Nhà nước giao theo Nghị định 01-CP của Thủ tướng Chính
phủ nhằm phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn. Chúng tôi đầu tư lên đây biết bao
công sức, tiền của, mồ hôi nước mắt kể cả phải đổ máu ra nữa.
Thế mà bỗng dưng bị ông Chủ tịch huyện tổ chức lực lượng
đứng ra "cưỡng chế" cho một đơn vị tư nhân, tàn phá rừng
chúng tôi. May sự việc đã kịp thời phản ánh đến các cơ quan báo chí nên họ mới
dừng lại".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét