Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Bên Lề Áo Ấm Cho Em 2014 - (4)

CHUYỆN CỦA MỘT CÔ GIÁO MẦM NON

Hiệu trưởng MN Kỳ Lâm - Hải Thành
BBT: Khi BTC chuẩn bị kế hoạch cho mùa áo ấm thứ hai, chúng tôi được giới thiệu về trường MN Kỳ Lâm, và thật vui cũng như rất thuận lợi khi được sự ủng hộ, chia sẻ nhiệt tình của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hải Thành. Cô còn đề nghị BTC xin được làm một tình nguyện viên để được sát cánh cùng với chương trình đầy ý nghĩa này. Chương trình chỉ mới khởi động thôi nhưng cô gửi tin nhắn cho BTC rằng thật vui sướng, được khích lệ và thêm yêu nghề khi được mọi người khắp nơi ủng hộ, quan tâm đến các bé như vậy. Và dưới đây là một dòng cảm xúc trong những ngày này của chính cô, BBT xin được phép được đăng lên đây để mọi người cùng chia sẻ và hiểu hơn về những người giáo viên mầm non.
Nguyễn Thị Hải Thành (Hiệu Trưởng Trường MN Kỳ Lâm)
Khi biết mình không thể chống cự lại căn bệnh hiểm nghèo, cha đã cầm tay tôi và dặn: “ Đời cha cực khổ chân lấm tay bùn, nuôi bốn chị em con ăn học . Trong mấy chị em, con là đứa có năng lực nhất và được học hành đến nơi đến chốn ; với lại cả dòng họ nhà ta chỉ có con là cô giáo, cha biết giờ con rất vất vả nhưng hãy cố gắng lên nhé…” . Tôi không cầm được dòng nước mắt nhưng vẫn cố dấu cảm xúc trong lòng để cho cha ra đi thật thanh thản và tự hứa với lòng mình “vì mẹ và những người thân yêu, con sẽ bước đi thật mạnh mẽ …”. Tôi biết cha động viên tôi như thế nhưng cha vẫn chưa yên lòng vì trước mắt cha bây giờ tôi đang gắn bó với nghề giáo viên mầm non thật khó khan chỉ bằng chiếc xe đạp duy nhất để ngày 2 buổi đến trường.

Mười năm, một chặng đường không phải là dài, tôi thấy thời gian trôi thật nhanh bởi ngày nào cũng như thế, sáng đến trường lúc 6h30 để đón trẻ , buổi chiều về lúc 5h30 khi các cháu đã về nhà với bố mẹ. Mỗi ngày được quây quần bên những đứa trẻ ngây thơ tôi thấy mình thật hạnh phúc và cũng thật tự hào vì tôi và những người bạn đồng nghiệp của tôi thật giỏi, mỗi ngày mỗi người trong chúng tôi chăm sóc và dạy dỗ 30 - 35 bé. Sáng đến trường khi chia tay với bố mẹ là các cháu bịn rịn, khóc lóc, nhõng nhẽo… chúng tôi 2 nách 2 cháu, hết dỗ cháu này lại đến cháu khác, chưa kịp thả đứa này xuống đã vội ẵm đứa khác lên. Cứ như thế dỗ nín, dỗ ăn, vỗ về ru ngủ, dạy múa, dạy hát, pha trò, kể chuyện…, cô trò xoắn xuýt lấy nhau cả ngày nên đứa nào cũng yêu quý và xem cô như người mẹ thứ hai của mình.
“Cô giáo như mẹ hiền” nên dù nhiều bé mới đi học lần đầu, xa vòng tay yêu thương của bố mẹ để đến lớp khóc khan cổ nhưng sau vài buổi các cháu được làm quen với nề nếp sinh hoạt tại trường nên rất ngoan và tung tăng cười nói. Nhìn những ánh mắt thơ ngây, trong sáng và những câu hỏi ngộ nghĩnh đáng yêu, những nụ cười hồn nhiên ấy tôi như mình được tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu đi lên, vượt qua gian khó …cũng yêu đời hồn nhiên như chính các bé vậy. Có lẽ đó là phần thưởng lớn nhất của tôi – một cô giáo mầm non.

       Khi viết những dòng này tôi lại nhớ cha mình, lại tiếc và thương cha suốt cả đời nuôi tôi ăn học chỉ có một mong ước là đứa con gái mình trở thành một giáo viên yêu nghề, gắn bó với nghề. Cha yêu quý! Bây giờ đây con đã làm được điều ấy, và đã đến lúc báo hiếu cho cha thì cha không còn nữa …

Tâp thể giáo viên trẻ của trường
MN Kỳ Lâm trong ngày khai giảng
       Tôi nhớ như in năm đầu tiên tôi về trường MN Kỳ Lâm với bao bỡ ngỡ, nhưng tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm ngày ấy. Đó là cảm xúc được làm mẹ, được hát ru , được chăm sóc những đứa trẻ bằng bản năng của một người phụ nữ. Chăm bẵm lũ trẻ, say mê với công việc của mình đã giúp tôi chăm sóc các bé tốt hơn, cũng vì thế mà tôi trưởng thành rất nhiều và cũng có thêm kinh nghiệm.
Chị em giáo viên chúng tôi đa phần còn trẻ, ai cũng có con nhỏ nhưng khi đã vào nghề rồi phải chấp nhận việc mình đi chăm con người khác còn con mình gửi người khác chăm. Chúng tôi đi làm ngày 2 buổi từ sáng đến tối, công việc vất vả nhưng được ở bên “đàn cháu” ngây thơ nên gần như quên hết mệt mỏi. Chuyện con mình ở nhà khát sữa là chuyện chúng tôi ai cũng trải qua bởi những nhiệm vụ và trên cả là sự chấp nhận hi sinh việc gia đình để dành tình yêu thương trọn vẹn cho các bé. Coi các bé như con của mình nên các bé quấn quýt lấy cô, xa cô là nhớ, vắng cô là khóc…Chúng tôi vẫn hay chia sẻ cùng nhau rằng đó là niềm hạnh phúc và động viên nhau cố gắng vươn lên và dành một tình yêu, niềm đam mê với nghề, coi đó như là “ duyên nghiệp ”.

         Ngày nay xã hội phát triển, bậc học mầm non được quan tâm nhiều hơn, đội ngũ giáo viên được biên chế, đời sống ổn định, giáo viên an tâm công tác; các phòng học của trẻ được đầu tư xây dựng khang trang. Nhưng đâu đó và kể cả ở đơn vị tôi cũng vẫn còn những lớp học nhờ ở hội quán của xã; nhiều điểm học xa trung tâm đường ghập ghềnh qua khe, lên đồi xuống dốc rất khó khăn cho cả cô lẫn trò. Ở những điểm lẻ như thế, tôi và các bạn đồng nghiệp thay nhau đi mỗi năm một lần, khổ nhất là vào mùa mưa bão nước qua khe dâng cao, học sinh phải nghỉ học và chúng tôi cũng không đến lớp được. Trên trục đường đến các lớp lẻ đó phải qua ít nhất là hai khe có cắm mốc cảnh báo lũ, nhìn nước dâng cao, đứng bên này nhìn sang các cháu xóm bên kia mà rưng rưng khóe mắt…

Mùa mưa rét đến, lớp học thấm dột, nước chảy xuống, cô và cháu ngồi một góc, còn góc kia nước cứ chảy xuôi …Biết như thế là khổ, nhưng thương các cháu, nếu lớp học đóng cửa thì phụ huynh không có nơi gửi con để đi làm nương rẫy, mùa màng. Cơ sở vật chất như thế nhưng vì đời sống còn khó khăn nên mỗi năm nhà trường chỉ thu đóng góp tu sửa chứ không đủ kinh phí để xây phòng học mới. Các cháu MN ở vùng lẻ còn nghèo lắm, vào mùa mưa rét có lúc đến trường thấy các cháu ăn mặc sơ sài, chỉ mặc vài chiếc áo cũ, đầu không đội mũ, chân không dày, không tất… Tôi và các cô giáo lại góp nhau mỗi đứa mấy chục nghìn để mua khăn, mũ, dày và tất đeo cho các cháu.

Ở trường tôi có những chị đồng nghiệp gần về hưu nhưng các chị vẫn tâm sự, sợ về rồi buồn và vẫn muốn tiếp tục xin hợp đồng để ở lại với các cháu và còn bởi “ ở trường MN vui và trẻ được lâu hơn”. Tôi biết và hiểu rằng đó là cả một cuộc đời cống hiến không biết mệt mỏi và tự nhủ lòng mình phải cố gắng cho bằng chị bằng em, phải cố gắng học tập và trên tất cả là dành nhiều tình yêu thương cho các cháu – Những Mầm non tương lai của đất nước…Và tôi cảm nhận được trên mỗi bước đường tôi đi luôn có bóng cha dõi theo mình…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét