Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Đơn xin giữ xe

Lê Hoàng
Thanh Niên
Kính gửi: Ban quản lý công viên
Tên tôi là: Lê Tèo
Nghề nghiệp: Giáo sư
Dân tộc: Kinh
Tôn giáo: Gia đình
 
Xin gửi đến ban quản lý lời yêu cầu tha thiết như sau:
Là một giảng viên đại học, bao nhiêu năm nay tôi rất có ý thức về vai trò và địa vị của mình trong xã hội. Tôi hiểu việc truyền bá kiến thức là cao quý, nếu không nói cao quý nhất. Trong thế kỷ 21 này, thiếu kiến thức không thể làm gì được, từ keo bẫy chuột đến tên lửa vượt đại châu.

Có nhiều cách để đánh giá sự cao quý trên đời. Cách sang trọng nhất là trao giải thưởng, tặng huân chương. Cách đơn giản nhất là tặng hoa và lời cám ơn. Phương pháp nào đối với tôi cũng giá trị cả.


Nhưng nếu được phép lựa chọn, tôi thích phương pháp thông thường, đó là trả lương. Lương thường được quy ra tiền. Tiền, như tất cả chúng ta đều biết, là một thứ rất quan trọng, nhưng cũng rất nhạy cảm. Trên thế giới này có bao nhiêu lời ca ngợi tiền thì cũng có bấy nhiêu lời phê phán nó. Sự tranh cãi giữa phe yêu tiền và phe khinh tiền dữ dội đến mức nhiều người chưa khi nào có tiền cũng bị vạ lây.


Là một giáo viên, có trí tuệ và đạo đức nhất định, tôi hiểu một cách sâu sắc phải coi thường tiền, phải dửng dưng trước tiền và những kẻ có nhiều tiền. Đã bao nhiêu năm nay, tôi giữ vững phẩm chất này, như núi cao vững vàng trước sóng gió.
Thưa ban quản lý!
Tiếc rằng tôi không sừng sững một mình trong đời. Bên cạnh tôi có vợ tôi, một hòn núi vĩ đại và con tôi, một hòn núi nhỏ. Nhưng nếu núi chỉ cần đá để đứng vững thì vợ con lại cần có cơm gạo, chưa kể muôn ngàn những thứ vớ vẩn, tầm thường khác nữa như xe cộ, chén đĩa, quần áo, xà bông, chổi và nắp rác... Có thể gọi chúng bằng một cái tên tổng quát: vật chất.

Có nhiều cách để được sở hữu vật chất. Nhưng cách phổ biến nhất là mua. Muốn mua phải có tiền. Tuy tiền đáng ghét và không nên nhắc đến, nhưng tôi rất bực mình khi thấy nó có trở đi trở lại, ví dụ trong lá đơn này.


Tôi đành phải thú nhận một cách không vinh dự là tôi cần tiền, thậm chí càng ngày càng cần. Tiền như một con ruồi, cả tôi lẫn gia đình tôi cứ xua hoài mà nó cứ bay qua bay lại, vo ve. Tức nhất là ruồi có thể đập một nhát cho chết chứ tiền thì chúng tôi không dám vì biết chắc nếu tiền chết hay tiền hết, gia đình cũng bị thương.


Có nhiều phương pháp kiếm tiền ở trên đời. Kẻ thì đi đào vàng, kẻ thì đi trồng cây, kẻ thì cướp nhà băng. Phương pháp của tôi đứng đắn và nghiêm túc hơn: tôi đi dạy học.


Dạy học là một việc cao quý. Điều ấy chả ai có thể nghi ngờ. Và với trình độ giáo sư, tôi được nhận năm mươi ngàn đồng cho một giờ dạy.


Tôi chưa khi nào dám nghĩ năm mươi ngàn đồng là không thỏa đáng. Thậm chí còn quá cao. Trong một giờ đứng lớp, tôi có thể mua được nửa ký thịt, mà chả con vật gì, dù ăn cái gì, sau một giờ lại béo lên nửa ký. Nghĩ một cách khoa học như thế, tôi vô cùng hài lòng.


Tiếc rằng trong cuộc sống hôm nay, có một số thứ không tuân theo khoa học. Bình thường tôi không dám ghen tị, vì kinh nghiệm sống đã dạy cho tôi rằng thật ngây thơ nếu nghĩ khoa học sẽ là tối cao.


Nhưng nếu quá không bình thường thì tôi buộc phải nghĩ. Mà vừa qua, trong mùa lễ hội, có một thứ quá không bình thường đột nhiên phát triển rầm rộ: đó là nhiều bãi giữ xe máy bỗng dưng lấy 70 đến 100 ngàn đồng một chiếc xe!


Tôi thừa giáo dục để hiểu lao động nào cũng vinh quang, và người giáo sư và người giữ xe là những công dân ngang hàng. Nhưng tôi trộm nghĩ một cách mơ hồ: hình như đứng trên bục giảng một giờ đồng hồ thì nặng nhọc hơn. Tôi chỉ dám lấy sự nặng nhọc làm thước đo. Còn những thứ như ý nghĩa hoặc tầm quan trọng tôi không mơ ước tới.


Vì nếu có tồn tại một giờ ở bãi giữ xe thì chiếc xe cũng vẫn nằm im. Xe không thể phát biểu, không thể ngủ gật hoặc không có nhiều động tác như sinh viên khiến người giáo viên luôn luôn phải canh chừng. Muốn giữ xe chỉ cần đọc số xe, còn muốn lên bục giảng cần đọc muôn ngàn thứ phức tạp vô cùng.


Đó là chưa kể mỗi xe bảy chục ngàn, người giữ xe được trả công theo đầu xe, còn tôi năm chục ngàn không hề tính theo đầu học trò. Có một ngàn sinh viên trong lớp hay có hai đứa cũng vậy thôi.


Tôi sững sờ, tôi ngạc nhiên và tôi chợt cảm thấy ham thích trước hiện tượng giữ xe đắt đỏ này. Tuyệt nhiên không có chút ghen tị nào. Đối với trí thức, ghen tị xấu lắm.


Kính thưa ban quản lý!


Dù khiêm tốn đến đâu, tôi cũng khám phá ra mình có khả năng giữ xe được. Với đạo đức, kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy, tôi hoàn toàn tin mình sẽ trở thành một người giữ xe tốt.


Cho nên tôi làm đơn này, kính gửi ban quản lý, tha thiết đề nghị nếu có những lễ hội và những bãi giữ xe giá cao như thế, cho tôi được tham gia. Tôi không có tham vọng nhiều và tôi cũng yêu quý học sinh nên không thể bỏ nghề giáo viên, nhưng nếu như lúc nào đó, ở một bãi giữ xe ngon nào đó, có cần một nhân viên làm thêm thì tôi xin sẵn sàng.


Tôi xin hứa tuân thủ mọi luật lệ do những người giữ xe đi trước ban ra, và xin chịu trách nhiệm cá nhân về tính trung thực của lá đơn này.


Kính chào và cám ơn


Lê Tèo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét