Những
câu chuyện mang màu sắc huyền bí được người dân thêu dệt với nhiều điều
bí ẩn, ly kỳ cùng với đó là những nỗi oan truyền kỳ từ đời này sang đời
khác.
Sự tích “Ma thuốc độc”
Chúng
tôi tìm về với mảnh đất Hà Tĩnh đầy nắng và gió vào một ngày đẹp trời.
Đây là một trong những “điểm nóng” mà lời đồn về con “ma thuốc độc” vẫn
còn dai dẳng và để lại nhiều hậu quả nhất. Theo đường quốc lộ 1A đến với
xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, nghe hỏi thăm về chuyện nuôi
thuốc độc của người dân Cẩm Duệ, các cụ bà là những người hăng hái nhất
“xung phong” kể cho chúng tôi nghe. Câu chuyện ly kỳ cuốn hút như cổ
tích qua giọng kể của các cụ đã để lại trong chúng tôi nhiều dư vị. “Ma
thuốc độc”” – được truyền qua nhiều đời như một truyền thuyết. Họ cho
rằng ở những vùng rừng, vùng sâu, vùng xa ai muốn làm giàu thì bí mật
nuôi một con chuột bạch, bọ hung hoặc rắn nhốt trong chum, ché hoặc sành
giấu một nơi thật kín không ai biết. Sau ba tháng mười ngày gia chủ lấy
lông hay nước bọt của con chuột bí mật mang ra chợ bỏ vào đồ ăn, nước
uống, hoa quả… Sau đó chỉ cần “khấn” họ tên, tuổi, quê quán của người
mua quà đó, về nhà người ăn phải những đồ đó thì bị mắc bệnh thuốc độc.
Còn người bỏ được thuốc độc thì tống khứ được rủi ro, đón may mắn về,
“ăn nên làm ra”, nuôi heo heo chóng lớn, nuôi gà nuôi vịt đẻ được nhiều
trứng, trồng cây thì nhiều hoa trái.
Nghề nuôi thuốc độc là một
nghề “cha truyền con nối”, khi người cha đã làm thì trong gia đình nhất
định phải có người con nối dõi. Thường thì con trai trưởng là người phải
nối cái “nghiệp” nuôi thuốc độc, trong trường hợp không có con trai thì
con gái cũng phải gánh cái nghề đó của tổ tiên. Con vật thuốc độc sẽ tự
biết cách tìm đến dòng họ đã nuôi nó bao đời trước, nếu người được con
vật đó chọn mà không tiếp tục nghề thì sẽ bị bệnh tật mà chết. Nếu đầu
độc được càng nhiều người chết đi thì gia đình họ càng làm ăn phát đạt,
ngược lại nếu trong một năm mà gia đình này không thể làm cho ít nhất
một người nào đó mắc thuốc độc mà chết đi thì trong gia đình ắt sẽ có
một người phải chết. Triệu chứng của người bị mắc thuốc độc là khờ khạo,
nhìn như ốm nặng nhưng đi khám lại không có vấn đề gì, một thời gian
ngắn người bệnh sẽ chết. Nếu nghi ngờ bị mắc phải thuốc độc thì liên
quan đến chuyện này lại có nhiều cách để thử người bệnh. Nhưng hầu hết
ai cũng cho đó là một hủ tục chữa bệnh của thầy lang.
Nỗi oan truyền đời
“Ma
thuốc độc” thực hư như thế nào có lẽ đó vẫn là một điều bí ẩn, nhưng
những nỗi oan mà gia chủ có ma thuốc độc được xem như “xuyên thế kỷ”. Đó
là những câu chuyện dở khóc dở cười, những người thần kinh “có vấn đề”
thì bị gán cho là mắc thuốc độc, cứ đau ốm bệnh tật là lại sợ mắc thuốc
độc. Nhiều đôi nam nữ yêu nhau nhưng cuối cùng cũng không thể vượt qua
được sức mạnh của chuyện “ma thuốc độc” mà đôi ngả chia ly. Chị Trang ở
xã Phúc Trạch được xếp vào danh sách có con “chuột bạch ma thuốc độc”,
gia đình chị lại khó khăn, sống bằng nghề làm bánh tráng ở chợ. Lời đồn
thổi đã làm cho không ai dám mua bánh của chị vì sợ ăn phải thuốc độc
nên chị đành đóng cửa. “Ma thuốc độc” đâu chẳng thấy, chỉ thấy gia đình
chị bị đẩy vào đau khổ và miệt thị. Nghề bánh tráng mưu sinh phải nghỉ
vì không ai dám ăn.
Có những nỗi oan “ma thuốc độc” kéo từ đời
này qua đời khác. Nỗi oan mà con ma vô hình đổ lên đầu chỉ một người đã
thấy đáng thương, nỗi oan mang tính truyền kiếp lại càng bi kịch hơn. Ở
huyện Cẩm Xuyên mới đây người ta lại xì xào về sự oan ức của một gia
đình bị nhiều người ruồng bỏ, xa lánh cũng chỉ vì bị nghi ngờ là gia
đình đó có nuôi con ma thuốc độc. Đó là gia đình chị Phạm Thị Mai ở xã
Cẩm Duệ. Tìm đến nhà chị, chúng tôi chỉ thấy ngôi nhà vắng tanh không
bóng người. Chị Hậu hàng xóm cho hay: “Tôi không biết rõ thực hư chuyện
thuốc độc thế nào, nhưng như gia đình chị Mai cũng khổ. Không ai dám tới
nhà chơi, có tới cũng không dám ăn, dám uống cái gì vì sợ mắc phải
thuốc độc. Các con chị đi ra ngoài thì bị bạn bè, mọi người trong làng
hắt hủi, xa lánh”. Nỗi oan của chị Mai về nuôi con ma thuốc độc được kéo
dài từ đời này qua đời khác. Đến cuối xóm, cũng là một căn nhà lạnh
tanh, tối tăm và tuềnh toàng nằm lọt thỏm trong khu vườn rộng thênh
thang, không khí ảm đạm, buồn hiu, buồn hắt. Anh Quang hàng xóm cho
biết: “Gia đình họ bỏ đi hết rồi. Không đi sao được chứ, làm sao mà sống
được với sự kỳ thị xa lánh của mọi người như vậy. Vợ con trồng được cái
rau, có cái quả trong vườn hay làm được cái bánh ra chợ bán thì nào có
ai dám đến mua. Cũng vì mọi người truyền nhau rằng gia đình anh Thắng
nhiều đời nay nuôi thuốc độc, anh được mẹ truyền lại cho, nên không ai
dám đến gần. Bị xa lánh đến mức cả gia đình phải chuyển đi nơi khác sinh
sống”. Một cụ bà chừng 70 tuổi đứng bên cũng tiếp chuyện: “Thực hư
chuyện ma thuốc độc thế nào không ai rõ. Nhưng nghe truyền là gia đình
anh Thắng có nuôi, hơn nữa đời mẹ nó cũng nuôi, cứ “cha truyền con nối”
không đầu độc được ai thì sẽ không ngóc đầu lên mà sống được, vì thế mà
người ta sợ. Từ sự vô hình dẫn đến sự kỳ thị xa lánh. Nó bỏ căn nhà đó
đi chả ai dám mò đến huống chi là ở”.
Chị Hồng ở xã Cẩm Duệ còn
kể cho chúng tôi một câu chuyện về một đôi nam nữ trong xã cũng chỉ vì
chuyện “ma thuốc độc” mà đã không đến được với nhau. Phan Văn T là một
chàng trai ở xã Cẩm Thành đã yêu cô gái Nguyễn Thị H gần nhà nhưng lại
thuộc xã Cẩm Duệ. Đôi nam nữ đã có quãng thời gian yêu nhau khá dài
nhưng H lại bị gia đình T và làng xóm ruồng rẫy vì bị cho là có thuốc
độc. H là cô gái xinh đẹp, nết na, đang vào độ xuân thì, nhưng chẳng mấy
khi ai đến nhà H, mà có đến thì cũng chỉ đứng ngoài sân một lát rồi về,
không bao giờ ăn uống bất cứ thứ gì ở đó. Điều đáng nói là H lại là con
gái trưởng mà trong nhà không có con trai nên “nguy cơ” H là người phải
nối nghiệp nghề nuôi thuốc độc bị gán cho ấy là rất lớn. Vậy nhưng T
vẫn yêu H, dù gia đình T có ngăn cấm nhưng vì tình yêu của H và T quá
lớn nên cuối cùng gia đình cũng đồng ý để hai người lấy nhau. Thế nhưng
rồi T cũng không chịu được cảnh không bạn bè, bị người đời xa lánh vì T
lấy H. Vậy là hai người chia tay trước ngày cưới. Tủi nhục, H vào miền
Nam lập nghiệp và đến bây giờ chẳng thấy trở về quê hương. Hoàn cảnh
của đôi nam nữ trên không phải là những cái kết buồn duy nhất cho sự mê
muội vì bị ma thuốc độc ám ảnh.
Hiện nay không chỉ có Cẩm Xuyên
mà nhiều nơi khác của tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn mang nặng suy nghĩ có người
nuôi thuốc độc, điều đó cho thấy “con ma” này đã ám ảnh quá sâu vào tâm
trí của người dân nơi đây. Nỗi oan của những người bị vu là nuôi thuốc
độc chẳng biết đến bao giờ mới hết để họ có một cuộc sống bình thường
như bao người khác, không bị xa lánh và ruồng bỏ đến mức phải bỏ xứ mà
đi. Có lẽ nó sẽ chẳng thể xóa tan khi mà người dân nơi đây không chịu
nhìn vào thực tế mà chỉ tin vào những câu chuyện hoang đường? Những câu
chuyện về “ma thuốc độc” chỉ là những câu chuyện truyền kỳ trong khi hậu
quả của nó thì ai cũng nhìn thấy rõ. “Con ma” đáng sợ nhất ở đây có lẽ
chính là... tin đồn. Những tin đồn thất thiệt thực sự là liều thuốc độc
phá hoại sự yên bình ở các làng quê. (Còn nữa)
Hoài Thanh
|
Trong Hội nham mit vẫn có người tin là có ma thuốc độc đó,tôi thì không tin và cực kỳ ghét những ai tin vào chuyện vớ vẩn, nhảm nhí đó! Có người ở quê tui bị ung thư phổi mà cứ nói ma thuốc độc làm, lo chửi nhà mà họ cho là nuôi ma thuốc độc, đến lúc sắp chết đưa đến bv thì ung thư giai đoạn cuối rồi...
Trả lờiXóa