Xahoi - Nói đến công trình thuỷ lợi vừa đẹp vừa mang lại
hiệu quả thiết thực cho lợi ích dân sinh thì phải kể đến hồ Kẻ Gỗ thuộc địa bàn
huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ 20, đến nay qua
nhiều lần nâng cấp, hồ Kẻ Gỗ đã chứng minh được hiệu quả và lợi ích thiết thực
mà nó mang lại cho người dân nơi đây.
Vào một ngày cuối năm Nhâm Thìn 2012, chúng tôi có dịp
tới tham quan hồ Kẻ Gỗ. Trước mắt là vùng trời nước mênh mông
lung linh một màu xanh huyền thoại. “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất
cằn. Mà đời không ngại đào mấy con kênh. Đắp hồ xây đập ta khơi dòng mương nhỏ.
Để dòng nước ngọt tưới mát quanh năm“... Những câu dân ca Nghệ Tĩnh ngọt ngào
sâu lắng của bài hát “ Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” mà tôi đã nghe và đã nhớ từ
thưở còn thơ vẫn văng vẳng đâu đây khiến lòng mình xao xuyến, háo hức muốn tận
mắt chiêm ngưỡng một công trình thủy lợi đồ sộ do con người xây dựng nên vào
đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Gọi là đồ sộ thật không ngoa bởi với vai trò
vừa tưới tiêu, vừa kết hợp với thủy điện, công trình thủy lợi hồ Kẻ Gỗ đóng vai
trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống của hàng ngàn hộ dân huyện Cẩm Xuyên,
Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Đến hồ Kẻ Gỗ còn gì thú hơn là ngồi trên chiếc thuyền máy,
lao vun vút trên dòng nước xanh trong in bóng mây trời, ngọn núi. Rồi ăn món cá
nướng thơm lừng của quê choa. Ở đây có những con cá mè, cá trắm nặng hàng trăm
cân, vùng vẫy bơi lượn trong sóng nước mênh mang. Công trình hồ Kẻ Gỗ
được triển khai xây dựng năm 1976, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1983 với
chức năng vừa tưới tiêu vưa kết hợp thủy điện. Ngày ấy hai tỉnh Nghệ An và Hà
Tĩnh cùng chung một với tên gọi Nghệ Tĩnh. Hồi đó các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà
và một số vùng trồng lúa của Hà Tĩnh thường xuyên bị hạn, ruộng đồng nứt nẻ,
cây cối còi cọc. Để giải quyết tình trạng khó khăn này, theo chủ trương
của tỉnh hàng ngàn thanh niên, dân công đã tình nguyện vào Cẩm Xuyên đào
núi ngăn sông làm nên một hồ Kẻ Gỗ có giá trị tưới tiêu mang hiệu quả cao. Tuy
nhiên sau hơn 30 năm đi vào sử dụng và khai thác, công trình cũng dần xuống
cấp, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp và an toàn của người dân vùng lũ.
Thật đáng mừng là năm 2004, Tiểu dự án hiện đại hóa hệ thống Thủy lợi Kẻ Gỗ,
thuộc Dự án hỗ trợ thủy lợi Việt Nam (VWRAP) đã được WB ký hiệp định tài trợ.
Toàn cảnh hồ Kẻ Gỗ |
Dự án phục vụ đặt mục tiêu sửa chữa, nâng cấp các công trình
đầu mối và hệ thống kênh mương, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ quản lý khai
thác kết hợp đồng bộ các biện pháp tổ chức quản lý khai thác kết hợp đồng bộ
các biện pháp tổ chức quản lí và đào tạo nguồn nhân lực nhằm đảm bảo an toàn hồ
chứa nước phục vụ tưới cho 19,897 ha đất canh tác, với số người hưởng lợi là
280.000 người thuộc 50.000 hộ dân; tạo nguồn nước sinh hoạt và công nghiệp 52,5
triệu m3/năm. Công trình góp phần điều tiết vùng hạ du cho trên 100 km2 gồm 52
xã (3 huyện, thị), đồng thời tạo thuận lợi cho việc vận hành khai thác hệ
thống thủy lợi, giảm chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình.
Công trình được khởi công tháng 3/2006 với tổng mức đầu tư
gần 420 tỷ đồng. Đến nay Dự án đã hoàn thành các công trình đầu mối theo đúng
các mục tiêu đề ra như: Đảm bảo an toàn hồ chứa nước với trữ lượng 350 triệu
khối, vận hành khai thác thuận lợi, tạo môi trường cảnh quan, phát triển du
lịch, khai thác và phát triển các ngành nghề. Hệ thống kênh chính cũng đã được
hoàn thành, khắc phục được tình trạng sạt lở, bồi lấp đảm bảo cho các kênh có
được mặt cắt ổn định, tăng khả năng chuyển tải lưu lượng và mực nước thiết kế.
Dự án cũng giúp nâng cao mực nước thiết kế tại cuối kênh chính lên hơn 50 cm so
với trước, tăng lưu lượng nước, đồng thời giảm thời gian chuyển tải về cuối
kênh chỉ còn 1 ngày so với khi chưa cso dự án là 3 ngày. Các kênh cấp 2 đã hoàn
thành được khoảng 90% khối lượng công việc xây dựng. Các kênh cấp 3 cũng đã
hoàn thành khoảng 90% về khối lượng.
Nhờ dự án này mà trong những năm gần đây, năng suất lúa
trong vùng đã tăng từ 4,2 tấn /ha lên 4,8 tấn /ha. Diện tích hồ nuôi trồng thủy
sản trong vùng dự án tăng gấp đôi từ 500 lên 1000 ha, diện tích tưới cũng được
tăng lên đáng kể, từ mức tưới 31.303 ha/năm, tưới ổn định 22.562 ha/năm của năm
2005 lên mức tưới 39.584 ha/năm, tưới ổn định 28.903 ha/năm trong năm 2010. Dự
án hoàn thành cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nghành du lịch sinh
thái tại khu vực này. Đặc biệt hồ Kẻ Gỗ sau khi nâng cấp đảm bảo độ an toàn rất
cao, có thể chịu được những trận lũ lớn và động đất nếu xảy ra.
Dự án đã hoàn thành vào ngày 30/6/2011, nhưng theo ông
Trương Quang Hoàng, Phó ban Quản lý tiểu dự án hiện đại hóa hồ Kẻ Gỗ thì vẫn
còn rất nhiều việc phải làm. Bởi tổng mức đầu tư của Dự án được tính toán từ
năm 2002. Từ đó đến nay do trượt giá nên nguồn vốn trên không đủ để hoàn thành
nốt phần còn lại của các kênh cấp 2, cấp 3. Hiện nay còn 12 km kênh cấp 2 và 91
km kênh cấp 3 cho tuyến nội đồng chưa được thi công do thiếu vốn .
Bên cạnh đó, phần công trình đầu mối cũng cần tiếp tục được
hoàn thiện với hệ thống đo mực nước và lượng mưa bằng tự động hóa. Để hoàn
thành tất cả hạng mục trên sẽ cần thêm khoảng 250 tỷ đồng nữa. Được biết phía
WB đã ghi nhận vấn đề này và sẵn sàng tiếp tục ủng hộ Dự án này để công trình
thực sự phát huy hết hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra ban đầu.
Rồi đây sau khi dự án được hoàn thành, tin rằng hồ Kẻ Gỗ sẽ
đẹp hơn và mang tầm vóc lớn hơn. Tạm biệt hồ Kẻ Gỗ thân yêu, chúng tôi vẫn mong
muốn có ngày trở lại. Còn bạn, nếu có dịp đi qua miền Trung, xin hãy đến thăm
hồ Kẻ Gỗ một nơi sơn thuỷ hữu tình, để rồi sau đó đi mô rồi bạn chắc chắn cũng
nhớ về Hà Tĩnh..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét