Hoinhammit, 24/1/2013
Chỉ hơn hai tuần nữa là tết rồi, bà con nhammit rộn ràng
lắm, nhớ quê lắm, đứa nào cũng muốn về quê một chuyến. Có đứa còn bày trò nói
thuê hẳn loại xe cỡ lớn 54 chỗ rồi cả đám rồng rắn lên xe cùng nhau về quê
một chuyến cho đã đời thương nhớ quê hương… Mong lắm cũng đúng thôi bởi tết ở
phương nam này xa xôi và nắng nôi lắm; mấy cu chỉ ước được về quê lành lạnh ngày tết, xếp
bằng bên nồi lẩu bốc hơi rồi xuýt xoa mần mấy ly rượu cho nóng người xong chui
tọt vào chăn trùm kín đầu ngủ một giấc cho sướng đời cu bọ.
Tết xưa Kỳ Eng quê choa vui lắm, dẫu không lớn thì nhỏ kiểu gì thì kiểu nhà nào
cũng phải có nồi bánh chưng ăn tết. Từ mùa thu lúc trời mới heo may, người ta
đã đi đào từng côộc móc, côộc sim, gốc phi lao, bạch đàn về bỏ bếp cho mùa đông giá rét nhưng lại luôn giữ lại những gốc cây chắc nhất để chuẩn bị cho tế nấu nồi bánh chưng. Có nhà còn
cẩn thận hơn khi làm hẳn một cái giàn củi trên bếp chỉ để chất củi để dành nấu
bánh chưng.
Gần những ngày tết các mệ tất tả đi chợ lo cho nồi bánh
chưng. Đầu tiên là lá dong được đưa về, mấy cu nhammit bò ra rửa rửa lau lau
rồi phân loại lá to lá nhỏ riêng ra xong buộc dọc theo cột nhà cho ráo nước. Kế
đến là vác cái soong quân dụng (loại soong mỗi năm chỉ dùng đôi ba lần) ra chùi rửa. Nhà nào không có loại soong lớn này thì phải chạy đôn chạy đáo đi mượn trên làng dưới xóm cho bằng được, khổ thế không biết. Xong rồi vác củi vác gạch phụ bọ làm hẳn cái lò nấu bánh, còn lại việc đâm tiêu, rửa hành, thái thịt, ngâm nếp, ngâm đậu…, tất tật đều do một
tay các mệ chuẩn bị lo toan chẳng đến phần con nít.
Ngày gói bánh bọn nhammit phải chạy lòng dòng mấy
nhà năn nỉ nhờ người đến gói dùm cho vì không phải ai cũng gói bánh chưng đẹp
được. Trong xóm có mấy lão biết gói thì kiểu chi cũng khề khà ta đây chờ mời năm
lần bảy lượt mới đến, đến rồi lại làm vài ly rượu ngáp vặt thêm mấy cái nữa mới ngồi vào
mâm gói bánh. Gặp mấy lão này nhiều khi bực mình chỉ muốn đạp cho phát cho chừa cái vẻ ta đây. Nói thế nhưng vẫn cứ
phải niềm nở cơm rượu mời mấy lão để nhà có được nồi bánh đẹp cúng tổ tiên.
Không hiểu sao mọi nhà ngày ấy đều nấu bánh chưng vào buổi
đêm chắc có lẽ để cả nhà được sum vầy ấm cúng bên nồi bánh tết. Bọn con nít là
xúm xít nhất vì chúng luôn được người lớn gói cho một cái bánh rò, loại bánh
chưng nhỏ và thường là đồ vét lại khi đã gói đủ những cặp bánh chưng lớn. Sáng
ra chưa mở hết mắt đã tung chăn lao ra la toáng lên cái béng rò mô, béng rò của con mô rồi làm rộn ràng cả góc bếp.
Lấy được bánh rồi có đứa lấy chạc xâu bánh treo ngay vào cổ chạy ngay sang nhà hang xóm khoe líu
khoe lo vui như tết.
Bi chừ thịt thà bánh trái ê hề nên bánh chưng chủ yếu chỉ
dành cho cúng cụ (thương các cụ ghê) còn lại chẳng mấy người màng đến nhưng
ngày xưa thì mấy cu nhammit thèm nhỏ giãi. Khoái nhất là được chấm bánh chưng
với mật mía. Tết đi chơi lang bang về đói meo mà làm một xóc bánh chưng chấm
mật mía thì không gì ngon bằng. Cái vị dẻo thơm của nếp, loại nếp cái hoa vàng
thứ nếp đặc sản của xứ Voi, cái mùi thơm của hành quện trong vị béo ngậy thịt
mỡ trong bánh và cả ngọt lịm thanh thanh mật mía thì ngon không thể tả được. Ngon
thế nên có đứa tẩn nguyên cả cái bánh chưng to tổ chảng lụi trong đĩa mật mía đen óng để rồi nguyên cái tết không thể đi xia được lần nào, hiihi hic...
(còn nữa ...)
Nhớ nhà nhớ quê nhớ cha nhớ mẹ quá bà con nờ
Trả lờiXóaNhớ mấy em hồi chưa sẹc mụi nác nữa
XóaSao các bạn không về quê ăn tết nhĩ
Trả lờiXóa