Hoinhammit: Sáng nay các báo đăng tin Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, phần lớn những người yêu nhạc Việt đều cảm thấy tiếc thương dẫu ông ra đi khi đã sống ngót ngét gần trăm tuổi và trải qua rất nhiều thăng trầm của đời một con người. Có điều hơi lạ là không hiểu sao các ca khúc của ông không nằm trong danh mục những bài hát yêu thích của hoinhammit ngoại trừ bài "Áo anh sứt chỉ đường tà" phổ thơ "Màu tím hoa sim" của nhà thơ Hữu Loan. Bài hát này đã được Khắc L hát rất say sưa trong một đêm hoinhammit giao lưu bên biển Cần Giờ. Và từ đó đến nay chưa có một ca khúc nào khác của Phạm Duy được cất lên trong những lần đám nhammit hội họp.
Nay BBT tải lên trang bài hát này và mời bà con cùng đọc một bài viết về nhạc sĩ Phạm Duy để hiểu hơn về ông, về những sáng tác của ông và cả khoảng cách giữa thế hệ nhammit và người nhạc sĩ tài hoa này:
Một nghìn bảy trăm cây số từ Hà Nội
Nguyễn Trương Quý
Lần trở lại Sài Gòn này, tôi có một lời đề nghị gần như là
thách thức: viết về một nhân vật nổi tiếng. Thuận lợi thì có nhiều: ông
được nhiều người hâm mộ; ông còn khỏe và nhất là minh mẫn, so với các nhân vật
cùng thời thì ông quả là may mắn khi giữ được nhiều tư liệu về đời mình… Khó
khăn có lẽ là ở tôi: tôi không phải người Sài Gòn, tôi không sống cùng thời
hoàng kim của ông, tôi nghe nhạc của ông bằng những mỹ cảm của một thế hệ khác,
không gian khác. Dù ông là người gốc Bắc, nhưng tôi vẫn không biết có thể coi
ông là người gốc Hà Nội được không. Tính về số năm sống ở Hà Nội của ông còn ít
hơn tôi nhiều.
Sài Gòn sau mười năm đầu thế kỷ 21 vẫn còn giữ được vài khu
phố có kiến trúc thời thuộc địa, nhưng những kiến trúc phong cách “quốc tế”
thời năm 60-70 thì đã xuống cấp. Căn bản là phong cách này bây giờ trên thế
giới không còn được ưa chuộng và người ta thấy cũng xấu xí. Phong cách này gắn
với thời hậu chiến ảnh hưởng của những kế hoạch tái kiến thiết và viện trợ, đề
cao phô bày kết cấu bê-tông cốt thép, với những cột mảnh làm phân vị dọc mặt
đứng và những tấm đan tô đá rửa làm ban-công. Khách sạn Caravelle mười một tầng
ngày xưa giờ đã cải tạo thành phần dưới của tòa nhà hai mươi tầng với những chi
tiết tân cổ điển. Những chung cư dọc đường Trần Hưng Đạo chỉ còn chờ phá đi xây
lại. Những hàng cây sao gần trăm tuổi thì vẫn còn, vẫn thẳng tắp vươn lên bầu
trời phương Nam xanh ngăn ngắt. Cây sao hàng gầy, nằm phơi ráng đỏ… Và
nhạc của thời ấy vẫn còn được hát nhiều, may mắn hơn kiến trúc. Những bài hát
lời lẽ chi tiết, vẽ nên cả không gian sống một thời: ngọn đèn hiu hiu, nỗi
lòng cư xá… căn phòng nhỏ, cao ốc vô danh… Thời mà những tấm ảnh cũ in lại, có
những cô gái mặc áo dài chiết eo đi với quần lụa đen, tóc uốn bồng lên, bình
thản băng qua đường. Nhưng mà ai cũng có một thời, thời yêu anh em làm
thơ, yêu em anh soạn nhạc.
Sài Gòn giờ càng ngày càng đông càng phát triển nóng đến nỗi
báo “Tuổi Trẻ Cười” phải vẽ tranh biếm họa, gọi là Hòn ngập và Hòn nghẹt Viễn
Đông. Buổi trưa tôi được rủ đi ăn cơm ở một quán dùng toàn đồ cũ, những bàn ghế
và đèn đóm của thời những năm 60 – thì ra cái gì của phong cách quốc tế còn thì
vẫn còn chứ không biến mất. Nhà thiết kế dùng những chi tiết gợi lại hình ảnh
thời chiến: dây thép gai, tấm tôn dã chiến, lon sữa bằng nhôm đong gạo. Và giữa
sảnh là một cái đài quay băng cối Akai. Nhạc thời cũ rền rĩ. Thấy đời mình
là những đám đông, người chia tay nhau cuối đường.
Ở Sài Gòn cách đây vài năm có một cửa hàng chuyên bán băng
nhạc cũ tên là Thanh Nhân ở 20 Nguyễn Huệ. Hiện giờ thì khu đó đã giải tỏa để
xây khu cao ốc văn phòng cao cấp. Hiệu Thanh Nhân cậy thế có đủ nguồn nhạc cũ
lúc công nghệ in đĩa chưa phổ biến, nên bán băng cát-xét đắt gấp đôi bình
thường. Giờ tôi nghĩ hiệu này có còn tồn tại đi chăng nữa thì cũng không cạnh
tranh được với đĩa lậu la liệt. Tôi đi bộ từ nhà sách Nguyễn Huệ ra đó mà chưng
hửng. Dù sao thì cũng cảm giác như một quá khứ đã không còn.
Bạn tôi bảo, tưởng gì, muốn nghe thì sẵn. Hàng tối, ở các
quán hát cho nhau, người ta vẫn miệt mài ca những kỷ niệm của họ. Năm nay, các
phòng trà ca nhạc làm ăn thất bát. Người nhạc sĩ chuyên phối khí nhạc tiền
chiến cũng chẳng có nhiều việc để làm. Các đĩa nhạc tiền chiến giờ cũng ra thưa
thớt. Hãng phim Trẻ thì đã chấm dứt series video Những tình khúc một thời vang
bóng từ bốn năm nay. Còn lại Phương Nam Phim vẫn kiên trì khai thác. Nhưng
đời sống của dòng nhạc này muốn sống thì phải là sống dưới ánh đèn sân khấu,
chứ không thể chỉ là cơm nguội khi đói lòng chốn phòng thu ra đĩa.
***
Ở Hà Nội vào gặp Phạm Duy, tôi chỉ chia sẻ được với ông một
giọng nói Bắc, còn ngoài ra mọi thứ đều khác. Ngay cả giọng của ông cũng là để
diễn đạt những ngôn từ có gốc từ một thời xa lắc, rồi trôi giạt mấy chục năm,
một lối nói luôn rành mạch và khôn ngoan. Lối nói ấy rất chủ kiến và chắc, chứ
không lộn xộn, hoang mang và “đang cấu trúc” in progress như thế hệ
chúng tôi.
Ông mệt nên thay vì trả lời nhiều, ông bảo tôi đọc to lên
những bài viết trong bản thảo cuốn sách ông mới viết về âm nhạc, thực ra là về
những bài ông sáng tác trong cuộc đời mình. Đọc thành tiếng, tôi nhận
thấy ông có tài diễn đạt ý tưởng một cách hấp dẫn và thông minh bằng một
thứ văn viết tự nhiên như kể chuyện. Tôi nghĩ tới nhạc của ông, những bài hát
để lại ấn tượng cho tôi về sự phong phú ngồn ngộn của ca từ, hát cũng là một
cuộc trình bày ngôn ngữ. Những chữ sắc nhọn, gai góc, xù xì, cảm tưởng tự nhiên
chủ nghĩa, xô đẩy nhau. Giết người đi, giết người đi. Giết người như loài
bướm đong đưa…
Trong căn phòng mười lăm mét vuông kín như bưng, chỉ có cái cửa
sổ che rèm, một cái giường cùng lỉnh kỉnh đồ đạc như mọi căn phòng của người
già bị bệnh, ông ngồi thu người trong cái ghế xoay giữa đống máy tính, máy in
và loa nhạc, nhỏ nhoi và kín đáo. Bầu không khí buổi chiều khá ngột ngạt như
sắp có giông, chỉ có tiếng tôi đều đều đọc những dòng viết của ông.
***
Tôi vẫn nhớ cảm giác đầu tiên khi nghe những ca từ gợi về
một không khí bảng lảng xa xưa, những miền giáo đường với người tình Văn khoa.
Những ca từ đem lại một đặc tính duyên dáng và lịch lãm, biến những địa điểm và
không gian cụ thể như khung trời đại học, công viên chiều qua, chiếc cầu biên
giới… thành lấp lánh của màu sắc kỷ niệm. Nó khác và mới lạ với đầu óc tư duy
nặng về trực quan và thực tế của tôi cũng như nhiều người miền Bắc. Nó giống
như một người vẫn khai trong lý lịch “Tôn giáo: Không” bước vào một nhà thờ,
nhìn những vòm trần cao vút và tiếng kinh cầu ngân nga, mà bâng khuâng lạ lẫm.
Người Sài Gòn yêu rộng rãi những thể loại nhạc tình cảm, và
tình ca lãng mạn một thời trở thành món ăn tinh thần của bao thế hệ. Có những
người Hà Nội, hay đúng hơn là dân Bắc, nhiều khi quen một lối sống thực tế và
cách nói năng chao chát, cho đó là “sến”. Tuy nhiên có hỏi ra thì mới hay, sến
đối với họ là những gì khóc lóc nỉ non, chàng và nàng ly biệt, hay là ỉ eo
bolero. Ai cũng biết nói vậy là nghĩ hẹp, nhưng chẳng phải là mới mẻ gì việc
người ta bảo “sến như dân Sài Gòn”. Vấn đề là ở Sài Gòn người ta kiếm sống dễ
hơn, thu nhập cao hơn, kinh tế phồn vinh nhất nước. Phồn vinh thật chứ không
phải “giả tạo”. Một chiều mưa Sài Gòn như mọi chiều mưa, dạt vào mua cái áo
mưa, chợt loáng thoáng bên tai… ngày nào đọc lại dòng thơ, mưa rơi, mưa
rơi trên má… Bất chợt, những lời lẽ mùi mẫn nọ làm cho con đường nhiều lô
cốt đỡ khó đi. Đường kẹt xe chết đứ đừ, ba bề bốn phía mấy cửa hiệu thời trang
vẫn mở nhạc ầm ầm. Phố xá thênh thang đón chân tôi đến nơi này…
Người lái xe ôm khéo léo vượt qua con đường dài như bất tận
đến qua trường đua Phú Thọ. Tôi xa ông không chỉ một nghìn bảy trăm cây số đi
máy bay, không chỉ mười cây số từ trung tâm Sài Gòn bằng xe ôm (đi taxi thì khả
năng bỏ xe lại bắt xe ôm rất cao), tôi vẫn xa ông ngay trong căn phòng này, như
thể giữa tôi và ông có một cái hố chứ không phải là một viên gạch lát sàn vuông
40cm giữa hai cái ghế. Biết nói cái gì nữa nhỉ. À, ông có nick là “ông già
hi-tech”, ông thích chơi công nghệ, từ máy tính đến các dụng cụ kĩ thuật
số.
Nhiều người mê ông thì mê như thánh sống, nói về ông cả buổi không cạn,
viết hàng tập về tác phẩm của ông. Người lại bảo tôi đừng viết về ông, chẳng
hay gì cái người phức tạp, viết đằng nào cũng khó xử cho mình. Nhiều người
không ưa ông vì những sự lựa chọn và toan tính, lại càng không thích vì những
phát ngôn nhiều khi gây hấn. Tôi đã đọc hồi ký của ông được in trong
nước, những lời rất thông minh và biết lách qua những chỗ khúc mắc của
thời cuộc và quan hệ. Con người của ông gần như chẳng còn ngóc ngách nào giấu
cả. Ông có nói nhiều hơn về bản thân thì cũng như một người chơi bài ngửa. Con
người ông thế nào thì dường như đã chẳng ngại ngần giấu diếm trong nhạc, trong
phát ngôn và trong hành trình song hành với đời sống của bao nhiêu thế hệ –
những nhân chứng cho một ca tốn khá nhiều giấy mực cho các bên phân xử. Chất
liệu thì có đủ cả đấy, rõ ràng rành mạch, vậy mà mọi sự vẫn cứ u minh như
phủ một màn sương huyền hoặc.
Ông khoe đĩa nhạc Thu Hiền hát 7 bài của ông. Tôi hỏi, ông
có biết cái giọng luyến láy phát âm có màu sắc dân ca Nghệ Tĩnh này từng được
người miền Bắc yêu thích lắm không? Ông chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi lại: “Thế à?”
Rồi tôi lại nói về sự khác nhau giữa ca từ trong việc đặt lời cho những bản
nhạc như Serenade của Schubert hay Trở về Sorriento của
Curtis, và ông có biết là ở miền Bắc thịnh hành những bản lời khác… Câu trả lời
cũng vẫn là ngạc nhiên, “thế à?” Ông bảo việc ca sĩ hát nhạc của ông bây giờ là
do Phương Nam quyết hết, ông không biết việc tổ chức hát ra sao… Sau một
hồi nói chuyện, tôi lấy làm nghi hoặc, chẳng lẽ ông lại như một người tách biệt
với đời sống âm nhạc đương đại đến thế. Tự nhiên tôi như thấy, căn phòng này,
không khí này, buổi chiều này, như cách ly xa vời vợi với kẹt xe, với lô cốt
đường phố, với hàng cây ngoài kia, những cảnh trí từng là nguồn cảm hứng cho âm
nhạc của ông.
Ông lấy đĩa nhạc mới ra. Không khí mềm dịu đi trong tiếng
nhạc của một bài hát mà ông đã viết cho Hà Nội, nơi ông lớn lên:
Mơ dạo
xuân Hà Nội, phổ thơ Thảo Chi.
Mùa Xuân phơn phớt gió
Ngày Xuân ta lang thang
Bóng chàng không thấy đâu
Bơ vơ trên xứ lạ
Buồn vì Xuân đã mất
Một mùa Xuân mưa bay
Ước gì tay trong tay
Dạo chiều Xuân Hà Nội
Tôi lấy máy ảnh ra chụp. Ông ngồi ngả ra ghế, không hẳn thư
thái cũng không hẳn suy tư. Ông đang nghĩ gì? Một đời của ông có phải là
tròn đầy không, hay cuộc đời đó là của một kẻ lang bạt nhưng biết vun vén thích
nghi hoàn cảnh. Mà hình như đấy cũng mang máng cuộc đời của bao người cất
bước chân đi, không ấm chỗ nào bao giờ, mượn những chữ bóng bảy “giang hồ” để
cho thi vị. Tình ái trong nhạc của ông cũng nhiều những mối tình qua đường,
những trả hết cho người, cả những chua cay, ngày chia tay, lặng lẽ mưa
rơi, một tiếng thương ôi, gửi đến cho người… Dù là nhạc tình hay nhạc xã hội,
là đấy là một loại nhạc không dành cho những tâm sự tươi non, ngây thơ hoặc
trong trắng. Nó là loại nhạc của người đã dày dạn, dù có đóng vai trẻ con hay
thoát tục vẫn đầy nhục cảm. Từ một chi tiết, câu hát đưa đẩy ra cả một không
gian mênh mang: Ôi tóc em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời. Cái
nhục cảm vì tính chất tạm trú, “biết ra sao ngày sau”, nên càng cuống quýt,
nghiến ngấu. Điều này khiến cho ở cấu trúc hình tượng, ông sai khiến ca từ bắt
được những cách biểu đạt ngoa dụ, phóng dật. Những vật liệu bình thường, những
sự việc bình thường, được gán tính cách, được nhân cách hóa, được đẩy tới cao
trào theo kiểu luôn chuyển động không ngưng nghỉ: Yêu như loài ma quái, đi
theo ai tới cuối trời, đi không thôi kêu gào, làm sao nói được tình tôi…Bao
nhiêu người yêu nhau đã gặp được tình tự ấy trong chính đời mình.
Chiều xuân mưa bay Hà Nội, ông cũng mơ mang theo như bao
người tha hương. Nhưng cơn mưa ấy là cơn mưa của một quá khứ, Hà Nội ngày ông
trở về cũng là một Hà Nội khác xưa đến “một nghìn lần” như ông thừa nhận. Với
tôi, ông là một người đã làm công việc của mình, đi qua cuộc đời bề bộn, với
những toan tính sắp đặt để khẳng định chỗ đứng, có khi thành có khi
bại. Một khi đã lên yên, chỉ có thể phóng đi, chấp nhận thị phi cùng những
hậu quả không mong muốn. Cái sự bất chấp liều mạng của ông thời nào, nay
có đầy ở những người Việt mới.
Ra khỏi căn nhà, tôi bước ra con đường trời mây vần vũ. Bên
kia đường, trường đua ngựa vẫn đông nghìn nghịt người xem. Mai tôi về lại Hà
Nội, tôi vẫn chưa biết phải bắt đầu viết ra sao.
Ghi chú: Những chữ in nghiêng là lời ca khúc của Phạm Duy, Trịnh
Công Sơn và Y Vân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét