Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

"Ngọc" đổi gạo & cơm thịt chuột

Đào Tuấn
Bản tin “Chào buổi sáng” ngày 12.1, VTV phát một phóng sự rớt nước mắt về những đứa trò nhỏ ở Bắc Yên, Sơn La: Ở lán. Không cửa, phải leo ra leo vào như khỉ. 5 độ C. Không ngủ được thì sao? “Không ngủ được thì thức”. Cơm được nấu trong một chiếc nồi không vung. Và không có gì ăn, các cháu phải bẫy chuột làm thức ăn. “Thoạt đầu chúng tôi không hiểu và chúng tôi cũng chỉ nghĩ rằng những chiếc bẫy này thì dùng để diệt chuột. Thế nhưng hỏi các em thì mới biết được rằng đây lại là cách của các em để cái thiện bữa ăn”.
Có bao giờ bạn thấy xấu hổ khi nhìn những tấm biển, bằng tiếng Việt, ở một khu du lịch nào đó ở Thái Lan “Xin vui lòng ăn bấy nhiêu, lấy bấy nhiêu, ăn không hết sẽ bị phạt từ 200 bath đến 500 bath”?

Có bao giờ trước một bữa buffet, nơi thức ăn bị bỏ lại thừa mứa, bạn nghĩ đến những đứa trẻ vùng cao đang phải bẫy chuột để ăn?

Ngày hôm qua, Chương trình Cơm có thịt của nhà báo Trần Đăng Tuấn đưa về Hà Nội để chữa bệnh cho một cô bé người Mông. Hầu Thị Ly, học sinh lớp 7 trường THCS Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai. Hầu Thị Ly thường xuyên ngất xỉu. Và ngay trước khi được đón về Hà Nội, gia đình đang “cúng ma” vì cho rằng cô bé bị “ma làm”. Có một chi tiết nói ra thật đau lòng. Hầu Thị Ly không ăn thịt. Vì sao ư? Vì đã từ tết năm ngoái, cô bé đã “quên” mùi vị của một miếng thịt. Chẳng biết đâu, căn bệnh ngất xỉu của Hầu Thị Ly bắt đầu từ những bữa ăn “chay trường” quanh năm.

Cũng trong ngày hôm qua, tờ Sài gòn tiếp thị kể về những cảnh đời ở Châu Thành A, Hậu Giang đem “ngọc” đổi gạo. Đó là một anh Ba Ni nào đó “Không có miếng đất cấy trồng nào, quanh năm suốt tháng, cả chồng lẫn vợ chỉ biết đi làm mướn nuôi con”. Và rồi, người đàn ông này, như hơn 360 người khác, quyết định đi đình sản, nói như dư luận mà bài báo dẫn, là “thiến”, là “đổi ngọc lấy gạo”.. “Thiến”, để được 800 ngàn đồng bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ “để dành… mua gạo ăn dần”. Thật đau lòng khi nghe lời thổn thức của vợ anh Ba: “Hồi đó cưới nhau lành lặn, bây giờ… làm vậy thấy nó ngồ ngộ! Phải chi bị tai nạn hay bệnh tật gì mà buộc phải vậy thì đành chịu, đàng này… Nhưng thôi, số mình nghèo nên chịu… vậy!”.

Đói cơm. Đói thịt. Đói một cách vật lý. Không phải chỉ những đứa trẻ vùng cao. Không chỉ những người dân không đất Hậu Giang. Thống kê chính thức cho thấy, năm 2012, trong chính  năm đất nước vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới, vẫn còn 450,3 nghìn lượt hộ, 1.911,8 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói. Hàng triệu lượt người thiếu đói. Đó là một sự thật.

“Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt câu hỏi ra một câu hỏi không nhỏ với lãnh đạo ngành lao động – thương binh và xã hội trong hội nghị trực tuyến của bộ này vào sáng 7-1.

Trong năm 2012, 22,6 nghìn tấn lương thực và 24,4 tỷ đồng đã được dùng để cứu đói cho những người như Ba Ni.

Rồi thì từ cuối tháng 10-2011, Thủ tướng cũng đã có quyết định (số 60) hỗ trợ bữa ăn trưa 120 ngàn đồng/tháng cho trẻ mầm non 3, 4 tuổi. Theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, đa số trong số 46 trường mầm non đang được Chương trình thiện nguyện “Cơm có thịt” của ông giúp đỡ (tổng số 5.800 cháu 3, 4 tuổi) chưa nhận được tiền hỗ trợ này. Các cô giáo cho biết tiền đã được chuyển về huyện nhưng chưa chi vì thiếu văn bản hướng dẫn nên nơi làm, nơi chưa dám làm.

Xin cảm ơn Thủ tướng, cảm ơn Chính phủ đã không quên những người dân nghèo, không quên những đứa bé vùng cao. Nhưng đã 13 tháng trôi sau khi quyết định của Thủ tướng có hiệu lực, cơm cũng chưa có mà thịt cũng không. Và những đứa bé vùng cao vẫn tiếp tục phải “bẫy chuột” trước khi quên hẳn mùi vị của một miếng thịt, trước khi “bỗng nhiên ngất xỉu” như Hầu Thị Ly.
Gạo không thiếu. Chính sách không thiếu. Cái thiếu dường như là trách nhiệm, và một chữ tâm của những người thực thi chính sách./.


 

Tay con cắm buốt cõi mê
Cánh diều chao đảo đồng quê tím bầm
Vì sao con trẻ xuống đồng
Vì sao người lớn khóc thầm trong đêm? 
                                    (Soidonghoang, FB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét