Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Đặc sản thời nhammit (1) - Biển tường quê choa

Hoinhammit, 14/3/2013
Biển tường quê choa
Ngày nay trong một thế giới phẳng, tràn ngập thông tin thì bất kỳ chuyện gì từ lớn tới nhỏ cũng chỉ cần một click chuột là đã hiện ra trước mắt. Tuy nhiên có những thứ không phải vậy bởi những thứ ấy chỉ có giá trị và tồn tại trong ký ức của những người đã từng chung sống với nó. Nó chẳng mấy giá trị đối với thế giới ngày nay nhưng lại là cả một phần đời của nhiều người thời ấy. Nói nôm na là nó như là những thứ đặc sản đặc trưng riêng cho một thế hệ đã từng sống trong một khoảng thời gian nào đó. Và thời của nhammit cũng những thứ rất riêng như thế.

I. BIỂN TƯỜNG QUÊ CHOA

Tết năm rồi bà con nhammit đứa về quê được đứa không. Những đứa về quê thấy hơi lạ lẫm khi không còn nhiều cảnh sắc quê cũ để mà tìm lại, nhặt lại.
Nhưng thi thoảng vẫn còn đó những hình ảnh gợi cho ta thổn thức những kỷ niệm xưa. Đi đâu bây giờ làng quê cũng quá nhiều đổi khác, không còn lũy tre, hàng dừa ngày nao mà giờ đây là một làng quê mang dáng dấp của chốn thị thành nửa nông thôn. 

Bạn nghĩ gì nào???
Dọc đường quê trên những hàng rào tap lô xám xịt giữa trời xuân là những lá cờ đỏ sao vao vàng sặc sỡ, những mương nước thải đen ngòm chảy vòng vo như không lối thoát. Những cảnh sắc đó làm ta không khỏi chạnh lòng khi trở về thăm quê. Nhưng rồi bất chợt như reo lên khi nhìn thấy biển tường. Đúng. Biển tường quê choa.

Bi chừ ngồi nói chuyện biển tường chắc hẳn nhiều đứa còn không nhớ, thậm chí không hiểu nó là cái quái chi chi. Mà có lò dò lên hỏi cha Gúc gồ thì cũng botay.com thôi bọ nợ. Thực ra cái biển tường bao năm vẫn còn đó nhưng giữa ngồn ngộn bao nhiêu thông tin từ truyền hình, phát thanh, báo in, báo mạng ... thì cái biển tường chẳng còn mấy ai quan tâm tới nữa ngoại trừ mấy cha... mắc quá không biết chạy đi đâu.

Chắc sẽ có người hỏi cái biển tường là cái chi hẹ. Thật đơn giản vì đó chỉ là một cái tường được xây lên và trang trí như một cái biển hiệu để viết những khẩu hiệu hay thông tin gì đó. Cũng chẳng hiểu ở đâu ra cái tiên biển tường nhưng với bọn nhammit thì nó đã trở thành quen thuộc vô cùng.

Thời nhammit, biển tường được dựng lên tại các khu vực trung tâm của làng xã. Mỗi xã cũng chỉ vài ba cái và thường được đặt ở các góc ngã ba ngã tư để mọi người ai cũng nhìn thấy, đọc được những thông tin trên đó. Nó được quét vôi màu trắng, có khung diềm và nổi bần bật những câu khâu khẩu hiệu xanh đỏ kiểu "nhiệt liệt chào mừng ...", "quyết tâm ...", "... muôn năm", "... vĩ đại" ... 

Thanh niên ngày nay vẫn hẹn hò bên biển tường ngày xưa
Nhưng nếu chỉ những  "muôn năm", "vĩ đại" ... thì nó chẳng có gì đáng nhớ, mà bởi nó còn là  chứng nhân cho một thời quê đã như thế. Biển tường thường là nơi của những ai lượm lặt được vài con cá con tôm hay mớ rau gánh củi không kịp phiên chợ sáng mai nên vội vàng bày ra để mong kiếm được vài đồng mua gạo lúc chiều xuống. Là hình ảnh mấy bà nách thúng chợ quê móm mém nhai trầu thong thả dừng chân nghỉ mệt giữa trưa nắng hè oi ả. Hay vài ba ả đánh hàng từ chợ tỉnh về, buổi chiều xổ ra nơi biển tường, môi mỏ đành hanh đưa đẩy bán thêm ít hàng cho kịp lấy chuyến hàng mới...

Biển tường còn chứa đựng trong mình những kỷ niệm chia ly, gặp gỡ của bao người quê thủa ấy. Đó nơi hò hẹn, nơi những cuộc chia tay hay đón đợi người trở về. Những đêm trăng thanh đám thanh niên choai choai củ chuối vẫn thường hẹn nhau ở biển tường để chuẩn bị cho một đêm đi uống nước chè xanh nhà em gái làng nào đó. Những người xa quê khi bước thấp bước cao trở về chợt như vỡ òa khi nhìn thấy cái biển tường bởi như đã chạm được vào đất mẹ  yêu thương. Rồi những ngày tòng quân những ngày tiễn biệt nhau đi làm ăn, học hành đâu đó cũng chọn nơi biển tường làm chốn dừng chân ngoắc tay chia chân trong bịn rịn... 

Cái biển tường tưởng như vô tri vô giác đã trở nên gần gũi với bao người quê xưa. Ngày về nó vẫn còn đây, vẫn âm thầm và chứa đựng trong nó những miền ký ức cũ dẫu quê hương đã nhiều thay đổi. Vài nơi vẫn được chăm chút những hàng chữ nắn nót trên nền vôi ve trắng tinh đến ngạo nghễ giữa chốn đô thị nửa nông thôn.
Bỗng lòng chợt rưng rưng như được chạm vào một phần đời thời thơ ấu ngày xưa khi nhìn thấy biển tường... Ôi biển tường quê choa..!

Biển tường ở Thắng Lợi, Kỳ Xuân (Xuân Quý Tỵ - 2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét