Theo Người Cao Tuổi, 12/3/2013
Báo Người cao tuổi đã đăng tải nhiều về chuyện bất công
trong thu hồi đất ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Mới đây, quy hoạch kênh dẫn
nước của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Pormosa đi qua thôn Hoa Tiến, xã Kỳ
Hoa, làm 70 hộ dân bị ảnh hưởng, giá bồi thường thấp đến thảm hại. Dự án của
một doanh nghiệp nhưng chính quyền lại dùng vũ lực để giải tỏa...
Của dân mất trăm, doanh nghiệp đền một
Ông Thái Văn Thuận, một nông dân sản xuất giỏi bị thu hồi
2.210 m2, trên đó có nhiều cây trồng giá trị kinh tế như chè, dứa, trầm hương,
cao-su… nhưng tổng số tiền bồi thường, chưa đầy 120 triệu đồng, kể cả đất. Ông
cho biết: Vườn chè 5.040 gốc, năm 2007 ông thuê đào từ nơi khác về trồng và
chăm sóc, chi phí để chè sống và phát triển được là 100.000 đồng/gốc, chưa kể
giá cây giống. Nay vườn chè là một tài sản lớn, cho thu nhập trên dưới 180
triệu đồng/năm mà tuổi thọ chè là hàng trăm năm nhưng chỉ đền 5 triệu đồng
(1.000 đồng/gốc). Trên 10.000 khóm dứa xen canh, dự kiến cuối xuân 2013 sẽ thu
200 triệu đồng nhưng chỉ đền 12 triệu đồng. Vật kiến trúc đền bằng 50% hoặc chỉ
hỗ trợ 30% giá trị. Cây trên bốn năm tuổi, đền không đủ mua cây giống, cây ba
năm tuổi, không đền vì "quy" là trồng sau "mốc".
Do bị ông Thuận phản đối, tháng 9/2012, Chủ tịch UBND huyện
Nguyễn Văn Bổ quyết định tăng mức đền bù thêm 23 triệu đồng, Phó Chủ tịch
Nguyễn Hoài Sơn mời ông về họp, động viên giao đất và hứa sẽ vận động doanh
nghiệp hỗ trợ thêm 20 triệu đồng. Ông nói: "Cả đất và tài sản trên đó mà
đền bù, hỗ trợ 160 triệu đồng là chưa bằng một vụ dứa xen canh hoặc chưa bằng
thu một năm từ 5.040 gốc chè? Trong khi mảnh vườn đó ai mua 2 tỉ đồng tôi cũng
không bán vì chỉ riêng chè và dứa, thu một năm cũng được 350 triệu đồng
rồi".
Cụ Trần Xuân Thành, 80 tuổi, 54 năm tuổi Đảng, là nông dân
sản xuất giỏi, đất khai hoang năm 1982, được huyện cấp giấy chứng nhận trang
trại nói: "Dự án này tôi bị mất vườn 542 cây cam, trên diện tích đất 3.223
m2, nhưng chính quyền chỉ đền 26.000 đồng/m2 còn cam thì không đền vì bị
"quy" là trồng sau mốc. Tháng 3/2012, chính quyền đến kiểm kê tài
sản, lúc này vườn cam đã được một tuổi. Ngày 30/7/2012, con tôi và ông Thuận
đến Ban GPMB giải quyết công việc mới biết quyết định thu hồi đất kí ngày
15/6/2012. Trước đó, không ai biết quy hoạch dự án này, vậy mà chính quyền bảo
là "trồng sau mốc"? Vậy "mốc" là cái gì, được quy định như
thế nào, tại sao không công khai mà lại bí mật để lừa dân? Chúng tôi khiếu nại
lên tỉnh, không được trả lời, kéo nhau ra Văn phòng Chính phủ cũng không ai
tiếp. Dân bị huyện gây thiệt hại nhưng không ai giúp đòi lại công bằng".
Những điều trông thấy…
Lẽ ra ông Thuận đã là tỉ phú rồi nhưng bị hai lần giải tỏa
làm cho khánh kiệt. Năm 2005 - 2007, dự án lòng hồ sông Trí đã dìm hàng trăm
héc-ta đất của dân với những cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó ông có
50.000 m2 được giao quyền sử dụng 50 năm nhưng không được bồi thường đồng nào.
Ông đưa chúng tôi xem hồ sơ bồi thường cũ. Hồi đó, dứa quả loại một giá 1.500
đồng/kg thì dứa cây được bồi thường 3.000 đồng/cây (bằng 200%), nay giá dứa quả
loại một là 24.000 đồng/kg thì lẽ ra dứa cây phải là 48.000 đồng/cây nhưng chỉ
bồi thường 1.200 đồng/cây (bằng 25%), ngang với giá cây giống? Thật vô lí. Đó
là chưa kể mua cây giống 1.200 đồng/cây, trồng, chăm sóc 15 tháng tốn rất nhiều
công sức, hứa hẹn một mùa bội thu vậy mà chỉ bồi thường đủ mua giống?
Ông Thuận cho biết: "Tôi không chấp nhận giá bồi thường
nói trên, thế là chính quyền… chơi xấu. Con gái tôi và chồng chưa cưới của cháu
dạy học ở xa, đưa nhau về quê để làm lễ hỏi rồi tiến hành lễ cưới. Thiệp mời
gửi đi, thế là xã thông báo cưỡng chế đúng thời điểm diễn ra lễ hỏi. Tôi đến
nói với xã là không cần cưỡng chế, tôi chưa nhận tiền là để tiếp tục khiếu nại
nhưng vẫn giao đất, không ngăn cản thi công. Họ gây sức ép, buộc tôi nhận tiền
rồi tuyên bố: "Không nhận là cưỡng chế". Tôi nói, nếu chính quyền
không tha thì xin lùi lại một ngày để tôi lo hạnh phúc cho con nhưng họ không
tha. Đúng ngày chúng tôi đã chọn, hàng trăm công an hộ tống xe cơ giới vào san
phẳng… rồi bỏ đó, đến nay vẫn chưa làm gì… Huyện còn cho xe cơ giới nghiền nát
hoàn toàn vườn dứa, nay không biết mua đâu ra giống để trồng… Có lẽ không ở đâu
chính quyền hành xử với dân như thế"...
Chúng tôi đã đến nơi, chứng kiến cảnh đổ nát sau cưỡng chế,
xem hai đĩa video, trước và khi cưỡng chế thấy mảnh vườn thật đẹp, những cây
chè cao quá ngực, cành lá xum xuê. Tuổi thọ cây chè có đến hàng trăm năm, vậy
mà chỉ đền 1.000 đồng? Số cây chính quyền bảo mới trồng từ 2 - 4 năm tuổi, mà
cao quá đầu người trở lên, gốc to bằng bắp tay, không có cây nào trồng sau kiểm
kê, vậy mà bảo là trồng sau mốc để từ chối bồi thường là không đúng. Dự án này
của doanh nghiệp nước ngoài mà chính quyền huyện lại trực tiếp bồi thường giải
tỏa? Có thể họ thuê, khoán cho huyện, nhưng không thể vì lợi ích của doanh
nghiệp mà ép dân đến khốn cùng như vậy? Bồi thường là phải làm sao để dân không
bị thiệt. Ví như ông Thuận, phải mất 20 năm mới tạo được những cây chè như thế
để sau này, các thế hệ con cháu ông không phải trồng cây mà được "hái
quả". Chính quyền bồi thường cho dân được mấy phần ngàn giá trị? Còn giá
đất thì phải căn cứ khả năng sinh lợi mà định, một mảnh đất 2.210 m2, mỗi năm
tạo ra 350 triệu đồng, mà chỉ bồi thường 57 triệu đồng (26.000 đồng/m2) là rất
vô lí! Đúng ra doanh nghiệp phải trực tiếp thương thảo với dân về giá chứ không
để chính quyền làm thay, ép dân đến bất công quá mức?
Hoành Sơn - Trần Đông - Xuân Thủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét