Theo Thethaovn.
Trong kho tàng văn hoá Dân gian - Dân tộc cổ truyền thì dân
ca là một trong những loại hình tiêu biểu, mang những nét đặc trưng bản địa rõ
nhất. Không biết chính xác dân ca ví dặm có từ bao giờ chỉ biết rằng điệu
hát này xuất phát từ sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ví là ví von, còn dặm là dặm lúa, điền nam…bởi là lối hát ra
đời từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người nông dân nên những lời hát
ví dặm cũng rất gần gũi, mộc mạc, đa số đều miêu tả lại đời sống hàng ngày,
thân phận con người cũng như cách thức sản xuất, lao động và các nghề truyền
thống. Ví như “Thân em như hạt mưa sa.
Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng” hay “Đến đây hò hát làm thân. Cúi đầu bái lạy trước sân làm gì?" , "Đất chi có
đất lạ lùng. Đứng thì không chịu, nằm cùng lại cho..”
Hiểu thêm về dân ca ví dặm xứ Nghệ
- Thể hát ví: Ví có nhiều điệu như: ví đò đưa, ví phường
vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non,
ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo...
Ví thuộc thể ngâm vĩnh, bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (
lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...).
Ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp,
người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi
còn tuỳ thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ.
Tình điệu (tính biểu cảm) thì tuỳ vào môi trường hoàn cảnh,
không gian thời gian và tâm tính của người hát. Âm vực của ví thường không quá
một quãng 8. Tình điệu ví nghe trang trải mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao
xuyến, tha thiết ân tình. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí
dỏm hài hước, nghịch ngợm hồn nhiên tươi trẻ.
- Thể hát dặm: Dặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn (thơ /
vè 5 chữ), nói cách khác thì dặm là thơ ngụ ngôn / vè nhật trình được tuyền
luật hoá. Dặm cũng có nhiều làn điệu như: Dặm kể, dặm cửa quyền, dặm ru, dặm
vè, dặm nối, dặm xẩm...
Khác với ví, dặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách
mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại.Thông thường một bài dặm có nhiều khổ,
mỗi khổ có 5 câu (câu 5 thường điệp lại câu 4), mỗi câu có 5 từ (không kể phụ
âm đệm). Tuy vậy, cũng có những bài dặm/ vè không phân khổ rõ ràng, mà cứ hát
một lèo, có khi đến hàng chục hàng trăm câu, và mỗi câu cũng không nhất nhất 5
chữ mà có thể 4 hoặc 6,7 chữ (do lời thơ biến thể).
Dặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể khuyên răn, phân
trần bày giải. Cũng có loại dặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng.Và có cả
dặm trữ tình giao duyên.
Không gian diễn xướng của loại hình này cũng đa dạng, không
chỉ phục vụ các lễ hội, những sự kiện của làng mà xưa kia hát ví, dặm diễn ra
tại khắp mọi nơi như khi đang làm đồng, khi chèo thuyền đánh cá, khi dệt
vải…Những năm gần đây, ví dặm mới được đưa lên sân khấu biểu diễn nghệ thuật
chuyên nghiệp để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật lớn của đất nước.
Cái hay cũng là cái đặc biệt của loại hình nghệ thuật dân
gian này đó là sức sống của nó cho đến ngày hôm nay. Bởi vậy, chúng ta cần phải
bảo tồn các điệu hát nguyên gốc, phục hồi các hình thức diễn xướng cộng đồng,
đó là cách bảo tồn không gian môi trường hát dân ca xưa (hát trên sông nước,
trên ruộng đồng, trên núi non, trong thôn xóm và trong nhà nhằm tạo ra
những sản phẩm tinh thần mới, không ngừng thoả mãn nhu cầu thưởng thức ngày
càng cao hơn, phong phú hơn của công chúng, góp phần xây dựng một nền văn hoá
tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Kể từ khi chính thức được xếp vào danh sách các di sản văn
hóa sẽ được lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể
thế giới, dân ca ví dặm xứ Nghệ ngày càng được phổ biến, thu hút nhiều tầng lớn
nhân dân tham gia hưởng ứng, đặc biệt là những người con của xứ Nghệ. Được
biết Hồ sơ khoa học của Dân ca ví dặm đến thời điểm này cơ bản đã hoàn tất và
dự kiến sẽ được đệ trình lên Unesco trước ngày 31 tháng 3.
Thảo Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét