Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Bi kịch của người lao động chui tại Angola


Theo SGGP
Người Việt xây nhà tại Angola
Suốt mấy ngày nay chị Phan Thị Hòa (39 tuổi, ngụ ở thôn Hồng Thịnh, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vật vã, ngồi bất thần trên giường sau khi biết hung tin chồng mình là anh Đậu Xuân Nam (42 tuổi) đang làm thuê ở Angola tử vong do bị sốt rét ác tính. Thắp nén hương khấn vái trước bàn thờ và di ảnh của bố, cháu Đậu Thị Thùy Giang (13 tuổi) và
Đậu Xuân Gia Bảo (8 tuổi) cho biết: “Từ lúc nhận hung tin ngày 18-4 do những người đang cùng làm việc ở Angola gọi điện báo về, gia đình nhà cháu đau đớn vô cùng”... 

Một TP ma ở Angola
Ngay sau khi biết tin anh Nam tử vong ở Angola, anh em, người dân xóm giềng ở xã Xuân Giang không ai bảo ai ngày đêm đến an ủi động viên, chia buồn rồi cùng với gia đình chị Hòa lập bàn thờ nhang khói cho anh Nam. Gia đình anh Nam, chị Hòa thuộc diện hộ nghèo nhất nhì ở xã này. Do đầu năm 2013, như bao gia đình ở Nghi Xuân, vợ chồng anh Nam quyết định vay 150 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động sang Angola làm thợ mộc, với hy vọng cải thiện cuộc sống gia đình. Thế nhưng, chẳng ai ngờ rằng chuyến đi định mệnh ấy đã khiến anh Nam bỏ xác xứ người.


Gia đình chị Hòa cho biết, anh Nam đi xuất khẩu lao động chui sang Angola qua một đường dây môi giới bằng hình thức đi du lịch rồi ở lại làm việc, mới được hơn 3 tháng đã gặp nạn. Giờ muốn đưa thi thể về nước, phải tốn hàng trăm triệu đồng. Hiện tại gia đình chưa biết xoay xở vào đâu, bởi chi phí đó vượt sức tưởng tượng. Trong khi gia đình anh Nam lại quá nghèo, khoản nợ 150 triệu đồng vay để đi Angola đến nay vẫn chưa trả được. 

Một cửa hàng người Việt ở Angola
Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh và Nghệ An đã có ít nhất 6 lao động bị tử vong khi đang làm việc tại Angola. Mỗi trường hợp đi lao động chui sang Angola chi phí từ 6.500 - 7.000USD. Hiện cả 2 tỉnh này có hàng ngàn người dân đang lao động, làm việc tại Angola. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: “Từ trước đến nay tỉnh Hà Tĩnh chưa có bất kỳ cơ quan, đơn vị nào được cấp phép đi xuất khẩu lao động sang làm việc tại Angola. Hầu hết người dân Hà Tĩnh đã đi xuất khẩu sang Angola theo hình thức không hợp pháp qua các đường dây môi giới rồi ở lại làm việc…”.  

DƯƠNG QUANG 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét