Theo VnExpress
Có những lời nói dối gây tổn thương, có những lời nói dối vô
hại nhưng cũng có những lời nói dối trở thành vĩ đại và đi vào lịch sử, như câu
chuyện của ‘Cuộc sống tươi đẹp’.
Trong tiếng Anh, cụm từ “white lie” được dùng để chỉ những
lời nói dối vô hại, không gây tổn thương cho bất kỳ ai. Song trong bộ phim kinh
điển La Vita è Bella(tựa Việt là Cuộc sống tươi đẹp) của Italy, một
lời nói dối như vậy của người cha không những không làm hại ai mà còn góp phần
bảo vệ, nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng của cậu con trai trong chốn địa ngục trần
gian.
Ra mắt năm 1997, bộ phim xoay quanh người đàn ông luôn có vẻ
ngoài lạc quan, yêu đời trong mọi hoàn cảnh Guido (Roberto Benigni thủ vai). Là
một người Do Thái lên thành phố tìm việc vào năm 1939, ông vô tình gặp và yêu
cô giáo Dora (Nicoletta Braschi) ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dù Dora đã đính hôn
với một người đàn ông giàu có, sự hài hước, những hành động cưa cẩm vừa liều
lĩnh vừa thành thực, lại có đôi chút hồn nhiên đã giúp Guido có được trái tim
của cô. Hai người chạy trốn khỏi bữa tiệc đính hôn của Dora... trên yên ngựa
trong sự bất ngờ của tất cả và trở thành vợ chồng.
Tình yêu của họ đơm hoa kết trái và cho ra đời bé trai
Joshua (Giorgio Cantarini) kháu khỉnh. Nhưng hạnh phúc giản đơn ấy chẳng thể
kéo dài được lâu trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa Phát-xít. Vào đúng sinh nhật,
Joshua cùng Guido và người chú Eliseo bị quân lính đưa lên tàu vào trại tập
trung những người Do Thái – nơi đồng nghĩa với cái chết. Yêu chồng, thương con
nên dù là người Italy, Dora vẫn xin được lên cùng chuyến tàu tới địa ngục trên,
tất cả chỉ để được gần gũi gia đình.
Ở trại tập trung, nơi có thể khiến những người đàn ông can
đảm nhất phải bật khóc, Guido bất ngờ nghĩ ra một cách để giữ cho tâm hồn non
nớt của Joshua không bị tổn thương. Ông nói dối cậu bé rằng toàn bộ những thứ
liên quan tới trại tập trung này đều là một trò chơi và người chiến thắng với
1.000 điểm sẽ nhận phần thưởng là một chiếc xe tăng. Bất cứ hành động khóc,
phàn nàn nào của Joshua đều sẽ khiến hai bố con bị trừ điểm. Một câu chuyện cổ
tích nơi lao tù đã được bắt đầu như thế...
Do cây hài Roberto Benigni viết kịch bản, làm đạo diễn và
thủ vai chính, La Vita è Bella luôn toát lên tiếng cười, sự lạc quan
trong mọi hoàn cảnh. Bộ phim có thể được chia thành hai phần, với khúc mở đầu
là khi Guido tán tỉnh Dora còn nửa sau là lúc cả gia đình sống trong trại tập
trung của phe Quốc xã. Bất chấp khung cảnh khác nhau một trời một vực đó, cả
hai vẫn mang trong mình tiếng cười: nửa đầu là những nụ cười hạnh phúc của tình
yêu đôi lứa, trong khi phần sau là những tiếng cười ngạo nghễ vào chủ nghĩa
Phát-xít tàn độc.
Nhân vật Guido mà Benigni tạo ra được lấy cảm hứng từ một
phần cuộc sống thực của ông. Trước khi Benigni ra đời, cha ông phải sống ba năm
trong trại tập trung. Con người bình dị với nụ cười luôn nở trên môi ấy như một
nhân vật hiện ra từ cổ tích bởi năng lượng và tình yêu cuộc sống như không bao
giờ cạn. Có người chồng nào vẫn âu yếm gọi vợ là “công chúa” như lúc mới yêu dù
họ đã có một mặt con? Có người cha nào đủ bình tĩnh cười đùa trong tình cảnh
hiểm nguy nhất, chỉ để bảo vệ cho sự trong sáng của con trai mình?
Khi sống trong trại tập trung, ông vẫn bất chấp nguy hiểm để
gửi một bản tình ca cho người vợ đang sống ở khu của nữ qua loa phát thanh trại
giam, đủ để cho Dora biết hai cha con vẫn sống và yêu thương cô. Ông khéo léo
giải thích sự vắng mặt của những cậu bé đồng trang lứa với Joshua là do chúng
“trốn rất giỏi để kiếm điểm trong trò chơi”, hay việc các tên lính đối xử tệ
bạc với tù nhân là do “chúng rất muốn phần thưởng là chiếc xe tăng”. Bằng những
lời nói dối vô hại như vậy, ông nuôi dưỡng niềm tin trong tim và nụ cười trên
môi của cậu con trai bé bỏng, giúp Joshua vượt qua được một trong những thời
khắc đen tối nhất của lịch sử loài người mà vẫn còn niềm tin vào tương lai, vào
cuộc sống.
Từ khi ra mắt năm 1997, La Vita è Bella gây sốt
không chỉ ở quê nhà Italy mà còn trên toàn thế giới bởi nội dung sâu sắc, xúc
động mà vẫn không kém phần vui tươi. Mở đầu với giải Grand Pix tại LHP Cannes,
bộ phim thu về tới hơn 200 triệu USD và đoạt 3 giải Oscar năm đó, với tượng
vàng “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” và “Nam diễn viên chính xuất sắc” cho
Roberto Benigni. Khi lên nhận giải, ông phấn khích nhảy qua hàng ghế khán giả,
chạy lên bục háo hức với vẻ mặt của một cậu học trò, làm người ta nhớ tới sự
lạc quan của Guido.
Ánh mắt thơ ngây của cậu bé Joshua |
Trước khi nhìn nụ cười ấy của Benigni, khán giả đã cười,
khóc cùng số phận của ông trong phim. Tại nơi mà cái chết có thể đến bất cứ lúc
nào, người đàn ông ấy vẫn nở nụ cười bởi ông biết nếu ông bị đánh gục trong nỗi
thất vọng và sợ hãi, bé Joshua cũng sẽ sụp đổ. Tình phụ tử là tình cảm được đề
cao trong phim, đặc biệt là ở những phút cuối khi cậu nhóc Joshua mở đôi mắt to
tròn lanh lợi dõi theo người cha vẫn ngẩng đầu hiên ngang khi đằng sau là tên
Phát –xít với khẩu súng lăm lăm trong tay.
Chỉ dài có vài giây song dáng đi cùng gương mặt, cái nháy
mắt ẩn ý của Guido với cậu con trai có lẽ là một trong những cảnh quay xúc động
nhất lịch sử điện ảnh. Trong phim, không có một cảnh quay chiến trận nào nhưng
người xem vẫn cảm thấy được sự bạo tàn của chủ nghĩa Phát-xít và thương tiếc
những người vô tội đã thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai qua cách kế chuyện
tinh tế của Benigni.
Diễn xuất tuyệt vời của Benigni cùng Braschi (vợ thật của
ông ngoài đời) cùng diễn viên nhí Cantarini đem lại một trong những bản hòa ca
ngọt ngào và bi tráng nhất của điện ảnh thế kỷ 20. Vừa ngọt ngào, hài hước lại
vừa pha sự chua xót đắng cay, bộ phim là một bài ca của niềm tin, hy vọng được
tấu lên trong những nơi tăm tối nhất. Không chỉ đem tới những bài học về tình
yêu, tình cha con đầy ý nghĩa, bộ phim còn nhắn nhủ con người rằng chính cách
sống của chúng ta sẽ quyết định sống ra sao; bởi như gia đình Guido, dù phải
đấu tranh trong địa ngục trần gian nhưng với họ, cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp.
Thịnh Joey
Hãy nhấp vào đường link dưới đấy để xem
kiệt tác điện ảnh "cuộc sống tươi đẹp" nào:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét