Kênh 14
Chú lùn Minh Thu – “nghệ sỹ xiếc đường phố” đã kết duyên với
người vợ “chân dài” cao hơn Thu gần… 1 mét, và có lẽ, nếu so sánh về cân nặng,
“nàng” cũng hơn “chàng” gần gấp 2 trọng lượng.
Người dân Thủ đô không khó gặp những chương trình biểu diễn
ca nhạc nhân đạo được tổ chức ở sân khấu ngoài trời, khi thì ở góc hồ Hale trên
đường Trần Nhân Tông, khi là tại sân chơi thiếu nhi ngay vườn hoa Đống Đa…
Các “nghệ sỹ” của những đêm diễn ấy, là những nạn nhân chất
độc da cam, bị khuyết tật về hình dáng bên ngoài... Những đêm diễn ấy đã làm
lay động nhiều trái tim thiện nguyện, và cũng là kế mưu sinh của những người
không đầu hàng số phận.
Tiết mục “đinh” của đêm diễn là tiểu cảnh hai anh em mồ côi
cha mẹ, người anh tàn tật, bé bỏng phải chăm nuôi đứa em, nó lê lết cõng đứa em
đi xin ăn, cầu bơ cầu bất… Ước mơ lớn nhất trong cuộc đời của chúng, là có một
bữa no lúc đói lòng, và một vòng tay yêu thương trong những đêm đông giá lạnh…
Thủ vai chính của màn kịch ấy là chú lùn Minh Thu trong vai
người anh - cậu bé tàn tật, chân tay khòng khoèo, người bé nhỏ như một cây nấm
lấm lem mọc lên từ một đống rơm ẩm ướt sau những cơn mưa dài ngày. Tiết mục đã
“vay” được rất nhiều nước mắt của người xem vì sự xúc động và chân thành của
người diễn…
Hầu hết, không ai biết “nhân thân” đằng sau của cậu trai bé
bỏng, chỉ biết rằng đó là một đoàn tạp kỹ nhân đạo tập hợp các trẻ em khuyết
tật, biểu diễn văn nghệ khắp các tỉnh thành, vùng miền… nay đây mai đó, quyên
góp tiền từ thiện để nuôi sống cả đoàn.
Chú lùn Nguyễn Văn Thu, “nghệ danh” Minh Thu, sinh năm 1985,
xã Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội), là anh cả trong gia đình nông dân nghèo có ba
người con. Từ lúc lọt lòng, Thu đã chịu sự ghẻ lạnh của số phận: chân tay còng
queo, oặt oẹo, đầu to hơn người. Gạt nước mắt, hai vợ chồng người nông dân
nghèo bền bỉ nuôi con… Đứa em thứ 2 sau Thu cũng chung số phận. Duy nhất, đứa em út
thì bình thường lành lặn.
Chục năm trời chung sống với bệnh viện, thuốc men, khi đã
cứng cáp để có được sự sống để tồn tại, cũng là khi hình hài của Thu vẫn mãi
như một đứa trẻ: có khôn nhưng không có lớn. Bước sang tuổi 28, Thu mang chiều
cao 70cm, nặng 25kg.
Thế nhưng, chú lùn ấy đang là trụ cột của một gia đình hạnh
phúc, với người vợ xinh đẹp, hiền lành mà nhiều tờ báo gọi là “chân dài”.
Vợ của Thu, em Nguyễn Thị Ngọc Mai (người xã An Hạ, Hoài
Đức, Hà Nội) xinh xắn như một bông hoa hồng, cao 1m65, đã chấp nhận làm vợ chú
lùn bé nhỏ 70cm. Gia đình hạnh phúc ấy đã đón chào bé trai kháu khỉnh, với cái
tên rất đẹp, Nguyễn Minh Quân.
Chuyện tình của cặp đôi “chú lùn – chân dài” có lẽ là một
câu chuyện cảm động không khác chuyện cổ tích.
Đến tuổi đi học, bố mẹ Thu cho em đi học trường làng. Vì
thân thể không lành lặn, người cha ròng rã mấy năm trời cõng con đi học. Đến
lớp 9 trường làng, bị bạn bè trêu chọc, lại tự ti về số phận, một lần, Thu đã
quyết tâm bỏ nhà ra đi.
“Điểm đến” vô định của cậu là mảnh đất Sài Gòn xa lạ, cách
làng Yên Thường của Thu cả ngàn cây số. Có trong tay hơn 200 ngàn tiền trợ cấp
hoàn cảnh khó khăn, Thu khăn gói ra đi, không một câu nói với gia đình.
Cậu bé Minh Thu bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình bằng những
ngày lang thang ăn bánh mì, uống nước cầm hơi, sống vạ vật ở công viên, ghế đá.
Một đứa bé 14 – 15 tuổi, cao 70cm, tàn tật, không có sức khỏe, không người quen
biết liệu có thể làm được việc gì, và có ai dám dang tay thuê cậu? Ngày thứ 11,
khi tiền đã hết, Thu gặp được một đoàn tạp kỹ, một đoàn xiếc đường phố của
những đứa trẻ tàn tật lang thang, không nơi nương tựa, là nạn nhân chất độc da
cam…
Thu “đầu quân” về với đoàn “Chim cánh cụt”, và được đào tạo
các tiết mục xiếc, nghệ thuật, ảo thuật – những tiết mục sau này thành “cần câu
cơm” gắn bó với em cả cuộc đời.
Khi những ngày lang thang ở Sài Gòn kết thúc, Thu chia tay
đoàn “Chim cánh cụt” để trở về ngôi làng quê ven đô nhỏ bé, nghèo khó ngoài đất
Bắc. Bố mẹ Thu chỉ biết ứa nước mắt khi gặp lại đứa con bé bỏng, tàn tật bặt vô
âm tín suốt một thời gian dài. Ông bà càng rơi lệ hơn, khi biết đứa con đã
trưởng thành, đã vượt lên số phận, vượt lên sự tự ti của chính mình.
Thu xin về đoàn nghệ thuật Xuân Mai – cũng là một đoàn tạp
kỹ nhân đạo. Duyên phận của Thu với người vợ “chân dài” cũng từ đây bén rễ.
Ngọc Mai, khi đó cũng là thành viên trong đoàn, phụ trách
đàn Oocgan. Mai quê ở Hoài Đức, cao 1m65, da trắng, xinh đẹp như một bông hoa,
bị câm điếc bẩm sinh. Bức hình thiếu nữ của Mai, chẳng ai dám bảo em là một
người tàn tật. Thiếu nữ ấy có lẽ sẽ là niềm mơ ước của biết bao chàng trai mới
lớn…
Những đêm diễn rong ruổi khắp các làng quê, những ngày chia
sẻ đói rét, cay đắng ngọt bùi – vì cả đoàn sống phụ thuộc vào tiền ủng hộ của
bà con, trái tim yêu thương của hai số phận không lành lặn đã tìm thấy nhịp.
Tình yêu của chàng trai Minh Thu với cô gái “chân dài” Ngọc Mai nảy nở.
Nhưng, tình duyên ấy lại tiếp tục gặp sóng gió: gia đình hai
bên đều một mực phản đối, vì họ lo lắng chúng có tự đứng vững được hay không,
hay lấy nhau rồi lại thêm phần gánh nặng… Nhưng rồi, mọi chuyện cũng đã có kết
quả êm ái: bé trai Nguyễn Minh Quân đã chào đời, khuôn mặt khôi ngô giống hệt
bố, và hạnh phúc hơn, chân tay con lành lặn, không có dấu hiệu khiếm khuyết gì.
Gia đình nhỏ bé của “nghệ sỹ đường phố” Minh Thu đang chung
sống cùng bố mẹ đẻ. Căn nhà cấp bốn vẫn giữ nếp nhà cổ đang là mái ấm của hai
thế hệ. Bố mẹ Thu là những người nông dân chân chất. Ông Nguyễn Văn Thi, năm
nay ngoài 60 tuổi, vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và giữ được tác phong của một người
lính. Ông tham gia chiến trường Quảng Trị năm 1972. Dù chưa được hưởng chế độ
chính sách vì giấy tờ thất lạc, nhưng những năm tháng chiến đấu, hy sinh của
ông đã mang lại cho Thu khoản trợ cấp xã hội hàng tháng, dù không nhiều nhặn,
nhưng nó cũng là điều an ủi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét