Cô Thắm lấy chồng vào cái tuổi bốn mươi
hai. Thiệp cưới đến tay trưởng phòng giáo dục, ông nghĩ chắc đây cũng là một
giáo viên trong hàng trăm người dưới quyền quản lý của mình. Nhờ ai đó nhắc,
ông mới nhớ ra cô Thắm chính là nhỏ bạn ngồi cùng bàn cùng lớp hồi trung học.
Ai mà ngờ tới giờ mới lấy chồng.
Cô Thắm dạy mầm non. Sáng sớm cô đã có
mặt ở trường chuẩn bị đón trẻ, chiều muộn cô mới về, có khi mỏi mòn ngồi cửa
lớp chỉ vì có một đứa trẻ bị quên đón. Chuyện trẻ bị bỏ quên xảy ra cũng
thường, sau này không đợi, chạng vạng cô đưa đứa nhỏ về nhà mình chờ người thân
chúng sực nhớ ra. Hồi trẻ chắc là cô cũng đã từng yêu, từng hẹn hò trong những
buổi tối không bận làm đồ dùng chơi và học cho bé, không ở lại trường tập văn
nghệ, không chép giáo án (đừng nghĩ mầm non thì không có giáo án, mà lầm). Chắc
là chuyện tình duyên đã chẳng đến đâu, bởi trong những buổi hẹn hò ấy cô mệt đừ
sau một ngày quần quật với đám trẻ, hay trắc trở ở mẹ anh bồ khi đọc báo thấy
bảo mẫu toàn những kẻ ngược đãi trẻ con. Rốt cuộc thì cô đã tìm được người đàn
ông của đời mình, hiểu và yêu những gì cô có, kể cả công việc với đám nhỏ. Vài
cô giáo cùng trường cũng quá tuổi ba mươi, lấy duyên muộn của cô Thắm ra làm hy
vọng.
Đám cưới cô có hai đứa học trò được mẹ
đưa tới chung vui. Cô dâu chú rễ dắt tụi nó ra chụp hình, tay mỗi đứa cầm cái
đùi gà chiên nước mắm, nhai ngỏn ngoẻn. Tấm ảnh ấy sẽ được đặt trong tủ kiếng,
để đôi khi cô Thắm nhớ được mặt mũi ít nhất hai đứa trong hàng ngàn đứa trẻ mà
cô đã bảo bọc, dạy dỗ trong gần hai chục năm dạy học.
Không có đứa học trò nào nhớ cô hết. Cái
ký ức non nớt của độ tuổi đó không thể nhớ người dưng nào thành rãnh, thành vết
hằn. Giáo viên mầm non như cô không tồn tại trong những buổi tụ tập gọi là họp
lớp. Cũng chẳng trò nào nhắc tên cô Thắm trong những bài tập làm văn kiểu như
tả thầy cô giáo mà em yêu. Mặc dù, cô đã từng giặt quần cho trò khi chúng ị
bậy, tè dầm, đút cơm chúng ăn từng muỗng. Cả khi nghỉ trưa, cô cũng chờ chúng
ngủ say thì mình mới chợp mắt. Ngày Tết nhà giáo, chẳng có đứa học trò cũ nào
tìm về tặng bông. Những vị khách lũ lượt qua đò và không bao giờ ngoái lại.
Một lớp học mầm non vùng núi |
Ngày tết nhà giáo, thầy dạy cấp ba cũng
là bạn học của cô Thắm, phải ôm hoa bỏ vô thùng rác sau khi lấy hết lõi(*)của
chúng ra. Nhà thầy đối diện ở bên kia đường, luôn tấp nập ngay cả những ngày
không lễ tết. Một ngày thầy dạy thêm bốn ca, hỏi sao chẳng nhộn nhịp. Ngoảnh đi
ngoảnh lại, thầy bên ấy cơi lên mấy tầng, nhà cô Thắm ngày càng như lụn xuống.
Thỉnh thoảng cô cũng được phụ huynh dúi cho chút tiền, gọi là “ưu tiên chăm
chút cho cháu nó”, đổi lại, cô phải cảm thấy tội lỗi, khổ sở và bị trừng phạt
khi con họ chạy giỡn va vào nhau xước trán, u đầu. Cô Thắm không than thở, bởi
đã từng làm điều đó một lần, và bạn bè nhiếc “ai biểu đâm đầu đi nuôi dạy trẻ,
thiếu gì nghề khác”. Giọng bạn kiểu như hãy tự nhận trách nhiệm cho chọn lựa
của mình, hoặc hãy oán ông Nguyễn Văn Tý viết bài nhạc Cô đi nuôi dạy trẻ du
dương dụ dỗ người nhẹ dạ cả tin. Quả là hồi ấy cô Thắm có nhiều con đường để
đi, không như những cô giáo trẻ bây giờ “thi gì cũng rớt, tụi em mới thi
vô sư phạm”.
Ở những trường mầm non quốc tế, trường
tư hạng sang, cô giáo chỉ kể chuyện cháu nghe, dạy múa hát cho chừng hai chục
đứa nhỏ mỗi lớp. Nhưng trong ký ức đi nuôi dạy trẻ mấy chục năm của cô Thắm, ở
mấy trường công mà cô từng làm việc, lớp luôn trên năm mươi trẻ, hai cô giáo sẽ
kiêm luôn quét lớp, lau nước tiểu tè dầm, thay quần áo cho bọn nhỏ, cho những
đứa bệnh uống thuốc, dọn những đống nôn mửa của trẻ con. Cuối chiều trong giờ
trả trẻ, cô còn phải ngai ngái một đỗi đường, không biết có rắc rối nào nảy
sinh từ những lời con thỏ thẻ với mẹ, “cô giáo đánh”. Người ta luôn nghĩ những
đứa trẻ luôn nói sự thật, chỉ mỗi bà mẹ trong Thiếu
phụ Nam Xương là phải ngậm
oan trầm mình tự vẫn vì lời thật của trẻ con.
Ai đó nói ở trường mẫu giáo công, nếu cô
dạy trẻ nào tuyệt đối không từng quát mắng, hoặc tét đít con nít, thì cô ấy
chính là hóa thân vị thần tiên áo trắng trong chùa Phật. Đó là nơi luyện
phẩm hạnh, kể cả khi mệt lử bởi trẻ con và những bất tiện trong giảng dạy, cô
giáo cũng phải cười tươi nói ngọt. “Cũng từng muốn bỏ, mà thấy không đành” cô
Thắm nói vậy khi có người hỏi ngay trong đám cưới, liệu có theo chồng bỏ cuộc
chăn (con nít).
Đám cưới của cô Thắm chỉ bảy bàn, cô dâu
tóc có vài sợi bạc. Không biết cô có kịp sinh đứa trẻ của riêng mình, khi mà
năm nay cô phải thi giáo viên giỏi toàn thành. Nhà trường nói chỉ trông cậy mỗi
cô đem thành tích vẻ vang về thôi, kỳ thi văn nghệ vừa qua đã trắng tay rồi.
(*) Phong bì , chú thích này dành cho
những ai không ở trên đất Việt (nên cứ nghĩ phong bì là một lá thơ viết tay).
Ả ni trạc tuổi mình, dân gốc Nam bộ, tuốt tận Cà Mau mà ngôn từ sâu sắc thật!
Trả lờiXóa“Nhà trường nói….đã trắng tay rồi”. Hay ghê!