Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Thêm một chút "miên man" về Đờn ca Tài tử

Bài liên quan 1: Tình Phương bán chiếu

Kiểu ni là: Tài tử đờn ca
Lời BBT: Hôm qua ku PH mới "miên man" mơ về nơi phương nam xa lắm, nơi có đờn ca tài tử ngọt lừ thì sáng nay BBT đã nhận được phản hồi của một người cũng mê và yêu đờn ca tài tử không kém. Cô ni ngài thì gốc Quần-Xi (KX) nhưng rất rành bộ môn này nên khi thấy Hoinhammit và rất nhiều ngài trò trẹ quê mềnh mê món tài tử đờn ca nên đã có vài lời chia sẻ. BBT xin mạn phép được bê y chang lên đây cho mọi người cùng tham khảo (hình minh họa của hoinhammit).

C.H gửi BBT của Hội Nhammit !
Tin Unesco chính thức vinh danh loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam trong danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi thấy thật vui và rất đỗi tự hào bởi tôi cũng là một trong hàng triệu người yêu thích văn hóa Việt Nam nói chung và đờn ca tài tử nói riêng. 

Mặc dù không được hun đúc từ trong trứng nước, nhưng từ giai điệu mượt mà sâu lắng, phóng khoáng và bay bướm lẫn trong những trắc ẩn ấy đã thấm đẫm trong tôi từ khi còn là cô bé con. Lại được đào tạo khá cơ bản về bài vọng cổ (một trong những bài bản chính của Đờn ca tài tử Nam bộ), xin được chia sẻ đôi dòng cảm xúc về bộ môn nghệ thuật này.

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ nhưng lại bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế.  Vào khoảng cuối thế kỉ 19, Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) là nhạc quan của triều đình Huế, vì bất mãn cảnh phải phục vụ giặc Lang Sa xâm lược, đã bỏ kinh thành vào Nam. Ông trôi dạt đến vùng đất Chợ Đào (Long An) mở lớp dạy đờn ca. Ông Ba Đợi thu nhận những học trò có niềm đam mê đờn ca để truyền dạy những bài bản nhạc lễ cung đình trang trọng, và đã trở nên dân dã gần gũi trong vùng đất mới khẩn hoang. 

Từ Cần Đước, nhạc tài tử được khơi nguồn từ ông Ba Đợi đã nhanh chóng giao thoa cùng các dòng nhạc lễ khác ở Nam bộ, không còn giữ nguyên chất cung đình Huế mà thay đổi khá nhiều để thích nghi theo thị hiếu, thẩm mỹ phù hợp với nếp sống mới, hình thành nên bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử nam bộ từng phát triển rực rỡ trong nửa đầu thế kỷ 20. 

Tuy đã giao thoa với những con người tháo vát, đầy sáng tạo của vùng đất phương Nam, đã tìm thấy một cuộc sống yên bình khi đến với vùng đất màu mỡ này; nhưng do lòng luôn  hoài hương về cội nguồn nên trong các điệu, các hơi của Đờn ca tài tử thường phảng phất nỗi u buồn. Đó là nét đặc trưng của bộ môn nghệt thuật này. 

Mặc dù nghệ thuật Đờn ca tài tử có lịch sử hình thành muộn hơn so với nghệ thuật Tuồng, Chèo, Quan họ hay Ca trù …nhưng loại hình nghệ thuật này lại chứa đựng đầy đủ, mang đậm các giá trị văn hoá Việt với những đặc trưng đa dạng, độc đáo; vừa mang tính chuyên nghiệp vừa đậm chất tài tử.

Có thể nói đây là bộ môn nghệ thuật dân dã có sức sống và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất. Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam bộ hát ca sau những giờ lao động, trong các dịp cưới hỏi, thôi nôi, giỗ chạp… là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm hoặc thêm cây sáo (bảy lỗ). 

Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, làng xóm với nhau; họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục. Những năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành các câu lạc bộ đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp.

Trong suốt chiều dài quá trình hình thành và phát triển, đờn ca tài tử phải đối mặt với những thách thức mới: sự hấp dẫn mãnh liệt của hát cải lương, và sau đó là tân nhạc. Song song đó là những trào lưu văn hoá phương Tây tiếp tục xâm nhập và ảnh hưởng không nhỏ tới tập quán, lối sống, thị hiếu… của người dân. Tuy nhiên, đờn ca tài tử vẫn thích ứng với thời đại, tiếp nhận cái mới để phát triển, nhưng vẫn gìn giữ bản sắc cố hữu của mình. Nó tồn tại song song dưới cả hai hình thức - sinh hoạt thính phòng và trình diễn trên sân khấu hoặc tách biệt hẳn với công chúng qua phương thức thu - phát trên các phương tiện truyền thông.

Việc Đờn ca tài tử Nam bộ được vinh danh cho thấy sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới, là một hiện tượng lớn của âm nhạc Việt Nam trong thời cận - hiện đại.
...

Tạm thời thế đã, sẽ tiếp tục biên thêm nếu mọi người hứng thú về môn nghệ thuật này.
Chúc Hoinhammit & mọi người một mùa Giáng Sinh an lành!
C.H



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét