Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Sự thật những tấm HCV Olympic Toán quốc tế của Việt Nam qua lời kể nguyên Phó Chủ tịch FPT


Theo Lê Quang Tiến
Phải thừa nhận rằng nền giáo dục Mỹ tốt hơn Việt Nam. Chúng ta thường gửi con đi Mỹ học, không thấy người Mỹ nào xin học ở Việt Nam.

Sự phát triển của một người phụ thuộc hai yếu tố: di truyền và môi trường. Do các yếu tố di truyền nên người Việt Nam khó có thể ganh đua với người Mỹ trong các môn sức mạnh cơ bắp như chạy, nhảy... Nhưng với các môn thuần túy đầu óc và không cần đầu tư nhiều tiền thì có thể ngang ngửa như cờ, toán...
Về lý thuyết thì người Việt Nam cũng có số tế bào não như các dân tộc khác. Kiến thức cơ bản của nhân loại đã tích lũy được qua hàng triệu năm tiến hóa thì chúng ta có điều kiện tiếp cận như Mỹ nhờ có Internet.

Tóm lại nếu chỉ thi bằng bút chì và bàn phím, không thi vật tay thì Việt Nam có điều kiện ngang ngửa với Mỹ.
Còn môi trường, có lẽ cái này Việt Nam luôn thiếu.
Một ví dụ điển hình là việc Việt Nam tham gia thi Toán quốc tế từ năm 1974. Chúng ta tự hào là một nước bị chiến tranh tàn phá 20 năm mà vẫn đạt được huy chương này nọ, chỉ thua Liên Xô, Đông Đức và sau này thua Mỹ...

Nguyên PCT FPT, Nguyễn Quang Tiến
Thực ra là thế nào?
Tôi tham dự đội tuyển Việt Nam năm 1975. Đoàn nước ta có 8 học sinh (số lượng tối đa cho một đoàn) giành được một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và đứng thứ 10.
Mỹ cũng tham gia lần thứ hai, có 8 học sinh giành được 3 huy chương Vàng, một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và chỉ đứng sau Hungary và Đông Đức.

Tôi nhờ thầy Phan Đức Chính, Trưởng đoàn Việt Nam hồi đó, hỏi xem Mỹ chọn và dạy học sinh đi thi thế nào?
Mỹ làm thế này: Họ thông báo là thế giới tổ chức International Math Olympics. Mỗi nước được cử tối đa 8 học sinh phổ thông, tuổi dưới 19, cùng một Trưởng đoàn tham gia cung cấp bài thi (giới hạn trong kiến thức phổ thông) để hội đồng chọn ra 6 bài cho học sinh làm, và cùng chấm điểm tất cả các bài thi kể cả của đoàn mình. Chi phí đi lại nước dự thi chịu. Chi phí ăn ở trong quá trình thi nước đăng cai trả.
Mỹ sẽ cử đoàn đi, chọn các em dưới 19 tuổi, chưa học đại học. Nếu số lượng đăng ký trên 8 thì tổ chức thi loại, dưới 8 thì ai đăng ký đều được đi. Đoàn tự thu xếp kinh phí (gia đình cho tiền, xin tài trợ của tổ chức, cá nhân). Chính phủ Mỹ không cho tiền, cũng chẳng dạy dỗ gì cả. Mặc dù là trò chơi vớ vẩn nhưng Mỹ luôn đứng trong Top 3.

Việt Nam và các nước XHCN làm thế này: Từ cấp 2 (lớp 5-7) đã phải thi đấu vào lớp chuyên của trường, tỉnh/thành phố. Đến cấp 3 (lớp 8-10) lại thi đấu vào trường chuyên của Bộ Đại học, của tỉnh. Hình thành một loại "gà nòi" chỉ để thi đấu: Chuyên toán của Bộ Đại học có ĐH Tổng hợp, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Vinh. Chuyên toán của các tỉnh như Chu Văn An (Hà Nội), Lam Sơn (Thanh Hóa), Lê Hồng Phong (Nam Định)...

Rồi "bọn gà" này lại qua hàng chục vòng đấu để chọn ra 14 "con" vào đội tuyển toán quốc gia. Từ đó, sau 90 ngày khổ luyện qua 45 bài kiểm tra lấy ra 8 "con gà" để đi thi. Tiền tuy không nhiều nhưng do ngân sách Nhà nước chi trả cả.

Trước khi ra nước ngoài, Bộ Tài chính cho mỗi thành viên trong đoàn mượn một bộ comple, 2 áo sơ mi, một đôi giày, về thì phải trả, không có tất.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cả đoàn vào dinh đãi một bữa phở úy lạo trước khi lên đường và hỏi:
- Các cháu có nguyện vọng gì?
Đáng lẽ phải nói là quyết tâm mang vinh quang về cho tổ quốc Việt Nam anh hùng thì tôi lại bảo:
- Chúng cháu được cho mượn giày nhưng không có tất, đau chân lắm, cháu sẽ đi dép lê.
Dưới gầm bàn, thầy Chính đá tôi một phát khá đau.
Thủ tướng chảy nước mắt nói với ông Tạ Quang Bửu, khi đó là Bộ trưởng Bộ Đại học:
- Nước nhà vừa trải qua chiến tranh, còn nghèo lắm, nhưng một đôi tất sao không lo được cho các cháu?
Khi đó chỉ có đúng một loại tất của Trung Quốc bày bán ở cửa hàng Bách hóa Bờ Hồ giá 7 đồng một đôi.

Ngay lập tức, một núi công văn, điện thoại giữa Bộ Đại học, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ được trao đổi và kết quả đến chiều có văn bản cấp cho mỗi cháu 3 đồng để mua tất. 4 đồng thiếu thì bảo bố mẹ cho, bố mẹ không có thì bác Bửu bù. Có lẽ đấy là vụ PPP đầu tiên của Việt Nam.

Mặc dù thuần túy chuyên môn nhưng ngay từ năm 1975 đã có vô số yếu tố phi chuyên môn len vào quá trình lựa chọn:
- Phải có đủ thành phần nam, nữ.
- Phải cân đối số lượng giữa các trung tâm "gà" (hồi đó là ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm).
- Các thầy từ lò Sư phạm rỉ tai cho "gà" của trung tâm mình đáp án trước các vòng kiểm tra.
- Thêm cả yếu tố đạo đức, lý lịch, thành phần giai cấp nữa. Trong đội tuyển năm 1975 có một bạn rất giỏi bị loại vì đã tố cáo các thầy Sư phạm "gà" bài cho học sinh trường mình. Lý do: "Thiếu ý thức kỷ luật, có vấn đề về đạo đức". Có lẽ cũng là vụ "Đồi Ngô" đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam.
Duy nhất cậu này trong số mấy ngàn "con gà" khóa 1975 cho đến bây giờ còn làm toán và sống bằng nghề giảng dạy toán cao cấp tại một trường đại học danh tiếng của Mỹ.

Theo tôi biết thì hàng chục ngàn "con gà" đó sau này không làm nên cơm cháo gì trừ Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh nền toán học Pháp và đang cống hiến cho một trường đại học ở Mỹ.

Thế khác nhau chỗ nào?
Khác nhau ở chỗ Chính phủ Mỹ dứt khoát không dùng tiền ngân sách tài trợ cho Khoa học, Văn hóa, Thể thao.
Nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, diễn viên, cầu thủ tự sống bằng tiền nghiên cứu theo hợp đồng với cơ quan Chính phủ hay với các công ty, giảng dạy, bán sách, bán phim, thi đấu. Thích thì tự hội họp với nhau mà trao giải Field, Oscar... phong nhau làm Giáo sư, Viện sĩ...

Còn Việt Nam thì suốt ngày cãi nhau về chuyện Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và xin Nhà nước tài trợ từ hát xẩm đến cầu lông. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét