Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Tuần của những chỉ số

Hoinhammit, 6/12/2013
CHỈ SỐ PISA
Tuần qua Việt Nam sướng sướng do cái chỉ số đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 cao thiệt là cao. Theo khảo sát thì cái chỉ số này nước Việt mình thuộc hàng TOP trong khi lại là nước  có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng thấp nhất trong tổng số 65 nước tham gia. Thế là báo đài giật tít dài dài, Bộ Dục được phen mát mặt nổ tưng bừng trên các trang nhất. Nghèo thế nhưng học sinh nước mình lại giỏi hơn cả bọn Mẽo bọn Ăng Lê thì quá sướng còn gì.

Được biết kết quả đành giá này là hoàn toàn khách quan chứ không nhập nhem chợ búa kiểu các kỳ thi của ta, vì thế chúng ta có quyền tự hào về một thế hệ được đào tạo khá bài bản. Theo Thứ trưởng Bộ Dục ông Nguyễn Vinh Hiển thì "mục tiêu của PISA là nhằm kiểm tra xem khi đến độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc, học sinh đã được chuẩn bị được những gì để đáp ứng các thách thức của cuộc sống. 
Ở tuổi 15, PISA đánh giá học sinh về năng lực Toán học, Khoa học, Đọc hiểu…Các tình huống đưa ra là có thật trong cuộc sống, đòi hỏi các em phải vận dụng. Học sinh muốn làm đúng có hai cách, hoặc là phải nắm kiến thức vững, hoặc là có vốn sống, kinh nghiệm sống để vận dụng" . Vậy thì quá tự hào cho thế hệ trẻ của Việt Nam chúng ta. 
Tuy nhiên có vẻ nhiều người vẫn nghi ngờ và thắc mắc như "Nước mình nghèo thế mà vẫn giỏi và giỏi thế nhưng vẫn cứ nghèo ?" hay "nền giáo dục nước ta tốt thế sao lại cứ đổ xô đi du học tận Mẽo, Ăng-Lê học làm gì?". 

CHỈ SỐ THAM NHŨNG
Cũng trong tuần qua nước Việt mình lại nhận được một chỉ số chẳng mấy vui vẻ tẹo nào, đó là chỉ số tham nhũng. Tổ chức minh bạch Quốc tế (TI) hôm 3/12/2013 đã công bố bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2013, theo đó Việt Nam xếp thứ 116 trên 177 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trên thế giới. Thông tin này được công bố nhưng chẳng thấy mấy ai hào hứng nhận trách nhiệm hay chém gió như khi đón nhận chỉ số PISA, vậy nên có thể gọi là TIN BUỒN.

Một khi chỉ số PISA lọt top 10 nhưng chỉ số tham nhũng không chui nổi vào top 100 thì chúng ta có thể hoàn toàn mường tượng ra câu trả lời tại sao "nước mình nghèo thế mà vẫn giỏi và giỏi thế nhưng vẫn cứ nghèo ?"

CHỈ SỐ NIỀM TIN
Chỉ số Niềm tin không hề được công bố trong tuần này nhưng cũng rất đáng giựt mình khi thông tin về chuyện một chiếc xe chở bia Tiger bị tai nạn ở Đồng Nai làm hàng ngàn thùng bia đổ ra đường. Sẽ không gì đáng nói nếu không có chuyện hàng trăm người qua đường đã nhảy vào hôi của với bộ mặt hớn hở như được mời ăn phở mặc cho tài xế van lạy đủ đường. Cứ tưởng chuyện như thế chỉ xảy ra ở Hà Tiện quê mềnh hồi cách đây vài năm khi một xe chở bia 333 lăn đùng ra ở TX. Hồng Lĩnh, hóa ra là khá phổ biến khắp nước Nam mềnh. Có lẽ các nhà ngôn ngữ học nên giải nghĩa ngay và luôn từ "hôi của" trong từ điển là cướp giật cho nó dễ hiểu và phù hợp với thời đại.

Trên báo Lao động nhà báo Thanh Phong đã chua xót viết "Có những người đem tài sản cướp được về nhà như một thành tích và con cái họ sẽ được giáo dục về cái thành tích “làm người” của họ. Quá nguy hiểm. Còn nạn nhân của các vụ lợi dụng người khác lâm nạn để cướp của công khai này vừa bị mất tài sản vừa bị mất niềm tin vào xã hội mà họ đang sống. Khi con người ta bị mất niềm tin vào tha nhân, vào cộng đồng thì họ sẽ khó có thể đối xử tốt với chính cộng đồng đó". 

Chúng ta tự sướng về khả năng đáp ứng khá tốt của trẻ trước cuộc sống thực tiễn qua chỉ số PISA nhưng chúng ta lại có một chỉ số tham nhũng vào loại trung bình (cỡ trên 100) và những đứa trẻ đang sống trong một môi trường mà mọi người sẵn sàng a lô xô vào hôi của, cướp giật khi đồng loại gặp hoạn nạn. Thử hỏi tương lai những đứa trẻ và thậm chí là cả chúng ta sẽ đi về đâu nhể...

Chúc bà con cuối tuần vui vẻ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét